Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Luật Thủ đô (sửa đổi): tiếp sức cho làn sóng đổi mới, sáng tạo văn hóa

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 28/6/2024, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua với tỷ lệ phiếu tán thành rất cao. Đây là một sự kiện có ý nghĩa lịch sử đối với sự phát triển Thủ đô nói chung, văn hóa Thủ đô nói riêng.

Vươn tầm phát triển

Khi chủ tọa kỳ họp công bố kết quả thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi), tất cả đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đều đứng dậy vỗ tay, cảm ơn sự ủng hộ của cả Quốc hội dành cho Hà Nội.

Hà Nội - Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - giờ đây, thực sự được mặc một chiếc áo mới, đủ vừa vặn để đẹp đẽ, đủ rộng để vươn tầm phát triển, xứng đáng là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, nơi đặt trụ sở của các cơ quan Trung ương của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế; là thành phố trực thuộc Trung ương, là đô thị loại đặc biệt, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ và hội nhập quốc tế của cả nước.

Các đại biểu bấm nút biểu quyết thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) . 
Các đại biểu bấm nút biểu quyết thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) . 

Giống như rất nhiều đại biểu Quốc hội và những người yêu văn hóa Thủ đô, tôi thực sự cảm thấy hạnh phúc khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua với nhiều chính sách, quy định tạo thuận lợi cho sự phát triển văn hóa.

Trong Luật đã nhấn mạnh: “Việc bảo vệ và phát triển văn hóa Thủ đô phải xứng tầm với truyền thống nghìn năm Thăng Long - Hà Nội; xây dựng Hà Nội là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước; xây dựng văn hóa người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam”. Điều này được cụ thể hóa bằng các biện pháp ưu tiên nguồn lực cho bảo vệ và phát triển văn hóa Thủ đô; việc đầu tư các nguồn lực nhằm quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả đáp ứng yêu cầu bảo vệ, phát triển văn hóa Thủ đô và hội nhập quốc tế.

Cùng với đó là đầu tư nguồn lực phát triển thể thao thành tích cao, xây dựng công trình thể thao hiện đại đạt tiêu chuẩn khu vực và thế giới; đào tạo, bồi dưỡng vận động viên, huấn luyện viên đạt trình độ quốc gia, quốc tế; khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia phát triển thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp.

Không gian sáng tạo phục dựng từ nhà máy xe lửa Gia Lâm. Ảnh: Phạm Hùng
Không gian sáng tạo phục dựng từ nhà máy xe lửa Gia Lâm. Ảnh: Phạm Hùng

Đối với Hà Nội, việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đi đầu cả nước, Hà Nội là thành phố đầu tiên tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, dành riêng một nghị quyết của Thành ủy cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Sức sống của sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có thể thấy hàng ngày qua các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, ở phố đi bộ, những cây cầu vượt, hay ngay cả những khu tập thể cũ, nhà máy cũ. Thậm chí cả những nơi trước đây đã từng là bãi rác ô nhiễm, không ai muốn tới, giờ đây đã trở thành địa điểm thơ mộng, check-in cho giới trẻ, phục vụ cho đời sống người dân.

Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này như một cú hích, tiếp sức cho làn sóng đổi mới, sáng tạo của công nghiệp văn hóa, là sự động viên rất lớn đối với các nghệ sĩ, những người thực hành và kinh doanh văn hóa, nghệ thuật ở Hà Nội.

Những điểm nghẽn như làm sao có thể khai thác được tiềm năng, lợi thế của bãi giữa sông Hồng, để không chỉ làm nên sức sống mới cho dòng sông này, mà còn tạo ra lợi thế mới, không gian mới cho sự phát triển văn hóa, nghệ thuật và cả kinh tế - xã hội của Thủ đô đã được tháo gỡ bằng quy định “Thành phố Hà Nội được xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng và khu vực khác có lợi thế về vị trí không gian văn hóa phù hợp với quy hoạch”.

Trong khi đó, những khó khăn trong việc biến di sản thành tài sản, để những giá trị của khu phố cổ, làng nghề truyền thống sẽ được giải quyết qua quy định về việc “Thành phố Hà Nội được thành lập khu phát triển thương mại và văn hóa trên cơ sở các khu phố, tuyến phố, làng nghề, điểm dân cư nông thôn hiện hữu để huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển các hoạt động dịch vụ, thương mại, văn hóa tại khu vực có lợi thế về vị trí thương mại, không gian văn hóa, trên cơ sở bảo đảm các tiêu chuẩn, điều kiện về văn hóa kinh doanh, an ninh, trật tự, bảo vệ môi trường cao hơn so với quy định chung để thu hút, phát triển du lịch, phát huy giá trị văn hóa, thúc đẩy các hoạt động thương mại trên địa bàn, cải thiện điều kiện sống của người dân, bảo tồn các ngành, nghề truyền thống”.

Ngọn hải đăng về văn hóa

Không chỉ dừng lại ở những quy định ở Điều 21 (Phát triển văn hóa, thể thao, du lịch), tinh thần phát huy giá trị văn hóa Hà Nội để sự phát triển văn hóa Thủ đô trở thành ngọn hải đăng dẫn dắt, điều tiết sự phát triển văn hóa của đất nước còn được thể hiện ở những quy định rất cởi mở, tháo gỡ được những điểm nghẽn trong hợp tác công tư trong lĩnh vực văn hóa khi quy định cho phép “Áp dụng phương thức đối tác công tư đối với các dự án thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao trên địa bàn Thành phố. Quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu đối với dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo” (tại Điều 39).

Hay điểm nghẽn trong quản lý, sử dụng tài sản công bằng cách quy định “Cơ quan, tổ chức đang được giao quản lý, sử dụng công trình, hạng mục công trình là tài sản công quy định tại khoản 2 Điều này trên địa bàn Thành phố được ký hợp đồng nhượng quyền khai thác, quản lý với nhà đầu tư, doanh nghiệp để khai thác công trình, hạng mục công trình trong một thời gian nhất định” (tại Điều 41).

Những quy định này thể hiện được hai thông điệp quan trọng. Thứ nhất, đây là những điểm nghẽn lớn đã được chỉ ra trong nhiều hội nghị, hội thảo và các phiên chất vấn, giải trình gần đây do Quốc hội tổ chức nhưng chưa có cách xử lý phù hợp nhất trong bối cảnh hiện nay. Thứ hai, việc các quy định này không chỉ áp dụng cho các đơn vị, dự án của Hà Nội, mà còn cho cả các đơn vị, dự án trên địa bàn Hà Nội, đã thể hiện rõ tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”.

Những tháo gỡ này sẽ không chỉ giúp cho các thiết chế văn hóa của Thủ đô phát triển mạnh mẽ hơn, xứng tầm với trái tim văn hóa của cả nước, mà còn giúp cho các thiết chế văn hóa, thể thao lớn của Trung ương ở Hà Nội phát huy hơn nữa giá trị của mình, đóng góp nhiều hơn vào bức tranh văn hóa, thể thao chung của đất nước từ Thủ đô.

Thủ đô Hà Nội “Văn hiến, Văn minh, Hiện đại”. Ảnh minh họa
Thủ đô Hà Nội “Văn hiến, Văn minh, Hiện đại”. Ảnh minh họa

Như vậy, Luật Thủ đô (sửa đổi) cùng với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã tạo ra nền tảng pháp lý và kế hoạch phát triển đồng bộ, giúp thúc đẩy phát triển văn hóa, kinh tế - xã hội.

Điều này sẽ thúc đẩy cải cách hành chính, tăng cường năng lực quản lý Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; quản lý và sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả; định hướng phát triển xanh, thân thiện với môi trường, sử dụng các công nghệ tiên tiến để bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe cộng đồng. Đồng thời tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi, hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Đặc biệt, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên cơ sở bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của Hà Nội; định hướng phát triển hạ tầng giao thông, đô thị và các dịch vụ công cộng hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển của Thủ đô, cải thiện chất lượng sống của người dân… tạo nên một Hà Nội “Văn hiến, Văn minh, Hiện đại”, xanh, thông minh, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của cả nước và thế giới.

Đó cũng là giấc mơ của không chỉ riêng tôi, các đại biểu Quốc hội Hà Nội, người dân Thủ đô, mà còn cả Nhân dân cả nước!