Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bế tắc triển khai nhà hát online

Nhật Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ban đầu, nhiều nghệ sĩ khá sốt sắng bàn thảo về ý tưởng xây dựng nhà hát online do Bộ VHTT&DL chủ trì. Thế nhưng bình tâm trở lại, giới nghệ sĩ khá e dè, thậm chí cho rằng không thể thực hiện được.

Khán phòng trống
Nghệ thuật biểu diễn chưa bao giờ lao đao đến nhường này. Những nhà hát balllet lừng danh Bolshoi (Nga), đoàn Cirque du Soleil (Xiếc mặt trời) của Pháp thường có hàng trăm suất diễn mỗi năm và vé phải đặt trước nhiều tháng trời cũng trở nên vô nghĩa. Đại dịch Covid-19 khiến ngành nghệ thuật biểu diễn buộc phải từ bỏ khán giả. Dàn nhạc giao hưởng chơi trong khán phòng cả nghìn cây xanh thay khán giả, danh ca người Italia Andrea Bocelli cất tiếng hát ở quảng trường vắng lặng giữa tâm dịch.
Sân khấu Việt Nam cũng không nằm ngoài tình cảnh ấy. Trình diễn trực tuyến, nhà hát online hay những chương trình nghệ thuật không khán giả như giải pháp tình thế để hâm nóng sân khấu thời gian này. Giữa tháng 8/2020, Đài truyền hình Việt Nam phối hợp với một đơn vị sản xuất âm nhạc tổ chức hòa nhạc “Giai điệu Tổ quốc” phát trực tiếp.
Vở ''Người tốt nhà số 5'' kịch bản Lưu Quang Vũ, NSƯT đạo diễn Tạ Tuấn Minh dàn dựng phải hoãn biểu diễn trong thời gian này. Ảnh: Nhật Vũ
Khán phòng Nhà hát Lớn rỗng, các hàng ghế khán giả im lìm vì lo ngại dịch bệnh và yêu cầu không tập trung quá 30 người. Chương trình live concert chỉ phát truyền hình là điều cực chẳng đã, cả nghệ sĩ lẫn khán giả đều thiệt thòi khi cảm xúc hao hụt đi.
Dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9 mọi năm rầm rộ các chương trình nghệ thuật, năm nay buộc phải thay đổi. Ban tổ chức hòa nhạc “Điều còn mãi” 2020 chính thức thông tin sẽ phát trực tuyến thay vì diễn trực tiếp vào 14 giờ chiều 2/9 như mọi năm. Năm nay, chương trình với chủ đề Việt Nam muôn năm, phát trực tuyến lúc 14 giờ chiều 2/9 ngợi ca ý chí bất khuất của người Việt Nam, hướng đến cổ vũ tinh thần phòng chống dịch thời Covid-19.
“Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ” là chương trình nghệ thuật do Bộ VHTT&DL tổ chức, quy tụ những giọng ca hàng đầu như NSND Tạ Minh Tâm, Quốc Hưng, NSƯT Đức Long, Tố Nga, Ploong Thiết, Vân Khánh, các ca sĩ Trọng Tấn, Tân Nhàn, Lê Anh Dũng, Phạm Thu Hà, Đào Tố Loan… cũng không thể mong chờ khán phòng đầy ắp khán giả, mà chỉ truyền hình trực tiếp từ Nhà hát Lớn vào 20 giờ tối 1/9 trên VTV1.
Thu bằng gì để nghệ sĩ tái sáng tạo?
Ý tưởng nhà hát online được Bộ VHTT&DL đưa ra trong thời kỳ Covid-19 giai đoạn đầu tiên. Nhà hát ngừng hoạt động, nghệ sĩ không có cơ hội gặp gỡ khán giả nên giải pháp đưa tác phẩm lên các nền tảng số để tiếp cận khán giả cũng không phải ý kiến tồi. Thế nhưng nghệ sĩ mổ xẻ, phân tích để tìm ra những khía cạnh bất cập của giải pháp này.
NSND Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam không hào hứng với giải pháp này. Từ góc độ nghệ sĩ biểu diễn mấy chục năm trong nghề, NSND Thúy Mùi nêu: Nghệ thuật biểu diễn phải có khán giả. Đồng quan điểm, NSƯT Sĩ Tiến - Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ ví von, xem kịch qua truyền hình hay qua internet chẳng khác nào cảm xúc xem bóng đá qua truyền hình. Khán giả tới rạp cảm nhận từng nét diễn của nghệ sĩ trên sân khấu, ngược lại nghệ sĩ cũng vừa diễn vừa đo cảm xúc khán giả để tung hứng và thăng hoa.
NSƯT Tạ Tuấn Minh (Nhà hát Kịch Việt Nam) nêu quan điểm không thể có nhà hát online. “Nghệ thuật sân khấu là nghệ thuật tiếp nhận trực tiếp giữa nghệ sĩ và khán giả. Vì vậy, kịch online là điều không thể, vì nghệ sĩ không thăng hoa nổi và khán giả cũng không cảm nhận được cái hay, sự chân thực của tác phẩm. Nếu diễn viên đứng trước máy quay thì không còn là sân khấu nữa, nó chuyển trang hình thức nghệ thuật khác mất rồi” – NSƯT Tạ Minh Tuấn nói.
Nguồn sống cho nghệ sĩ cũng là điều NSƯT Trịnh Kim Chi băn khoăn. Ở nhiều quốc gia, không bao giờ có chuyện đưa tác phẩm sân khấu lên truyền hình hay phát miễn phí trên mạng. “Khán giả hoặc trả phí xem trực tuyến hoặc mua vé trực tiếp. Như thế, giá trị của vở diễn và giá trị của nghệ sĩ mới thực sự được coi trọng” - NSƯT Trịnh Kim Chi bày tỏ. Trong trường hợp sân khấu nước ta muốn tiến tới nhà hát online, bên cạnh sự đầu tư về hạ tầng kỹ thuật còn phải tính toán giải pháp thu phí để bù đắp lại lại nguồn bán vé trực tiếp.
Chính những băn khoăn này khiến đề xuất của Bộ VHTT&DL đang rơi vào bế tắc, không thể triển khai trong tình thế hiện nay. Nhiều nhà hát vẫn cố gắng cầm cự, chuyển sang tập trung sản xuất để chờ dịch bệnh qua đi và sân khấu trở lại.