TP Thủ Dầu Một, Bình Dương:

Bến thủy nội địa Du thuyền Bình Dương xây dựng không phép vẫn hoạt động

Lâm Thiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi– Như báo Kinh tế & Đô thị đưa tin, bến thủy nội địa Du thuyền Bình Dương tại TP Thủ Dầu Một xây dựng không phép từ năm 2019, cơ quan chức năng đã phát hiện, lập biên bản vi phạm. Thế nhưng, công trình vẫn ngang nhiên hoạt động dù dính hàng loạt sai phạm.

Bến thủy nội địa Du thuyền Bình Dương lấn chiếm đất công, xây dựng không phép, chưa được cấp phép hoạt động... nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động, mặc dù vậy cơ quan chức năng chưa thể xử lý dứt điểm. Ảnh: Lâm Thiện.
Bến thủy nội địa Du thuyền Bình Dương lấn chiếm đất công, xây dựng không phép, chưa được cấp phép hoạt động... nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động, mặc dù vậy cơ quan chức năng chưa thể xử lý dứt điểm. Ảnh: Lâm Thiện.

Hàng loạt sai phạm vẫn ngang nhiên hoạt động

Theo đó, lãnh đạo UBND TP Thủ Dầu Một, Sở Giao thông Vận tải Bình Dương đã khẳng định với phóng viên, cho tới thời điểm này, chủ đầu tư bến thủy nội địa Du thuyền Bình Dương là Công ty TNHH phát triển du lịch Sông Thủ vẫn chưa hoàn thiện thủ tục để được cấp phép xây dựng, công bố bến, cấp phép hoạt động bến thủy nội địa phục vụ du lịch. Thế nhưng, đến nay bến thủy này vẫn ngang nhiên hoạt động.

Thậm chí, theo UBND TP Thủ Dầu Một, tại bến thủy Du thuyền Bình Dương phần đất trên bờ với nhiều hạng mục doanh nghiệp đã xây dựng thực chất là đất công thuộc hành lang đường bộ, hành lang sông bị doanh nghiệp ngang nhiên lấn chiếm.

Chưa hết, qua tìm hiểu phóng viên còn được biết, thuyền nhà hàng nổi 49 hành khách mang biển kiểm soát BD-0477 neo đậu cố định tại bến hàng ngày đang phục vụ khách đã hết hạn đăng kiểm an toàn kỹ thuật từ tháng 4/2020. Việc hết hạn đăng kiểm cũng có nghĩa thuyền không thể có bảo hiểm khi phục vụ khách hàng. Nếu chẳng may sự cố xảy ra, sẽ không có đơn vị bảo hiểm đứng ra chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Hệ thống phao nổi tại cảng cũng được thiết kế khá sơ sài, nổi trên mặt nước nhờ phi nhựa và xốp.

Một góc bến thủy xây dựng và hoạt động không phép trên sông Sài Gòn gây xôn xao dư luận Bình Dương. Ảnh: Lâm Thiện.
Một góc bến thủy xây dựng và hoạt động không phép trên sông Sài Gòn gây xôn xao dư luận Bình Dương. Ảnh: Lâm Thiện.

Bên cạnh đó, tại bến còn xuất hiện nhiều thuyền hiện không nhìn thấy biển kiểm soát, những thuyền này chủ đầu tư chuyển đổi công năng lợp mái tôn, dựng vách, ngăn phòng đưa vào phục vụ kinh doanh, điều này luật giao thông đường thủy cũng không cho phép.

Hàng loạt sai phạm là thế, nhưng bến thủy nội địa Du thuyền Bình Dương vẫn đi vào hoạt động như thách thức pháp luật, mất an toàn, xem thường sức khỏe, tính mạng con người khiến dư luận Bình Dương hết sức bất bình.

Địa phương thiếu quyết liệt trong xử lý vi phạm 

Vừa qua, báo Kinh tế & Đô thị đã có bài phản ánh những sai phạm về bến thủy nội địa này, thế nhưng đến nay, mọi hoạt động kinh doanh tại bến thủy nội địa không phép này vẫn diễn ra bình thường, chưa hề có dấu hiệu cho thấy cơ quan chức năng quyết liệt vào cuộc xử lý.

Bến Du thuyền Bình Dương với nhiều công trình xây dựng không phép cả dưới nước lẫn trên bờ, thậm chí ngang nhiên lấn chiếm đất công. Ảnh: Lâm Thiện.
Bến Du thuyền Bình Dương với nhiều công trình xây dựng không phép cả dưới nước lẫn trên bờ, thậm chí ngang nhiên lấn chiếm đất công. Ảnh: Lâm Thiện.

Chiều 20/9, phóng viên tiếp tục liên lạc với lãnh đạo TP Thủ Dầu Một và Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận (GTVT) tải tỉnh Bình Dương để tìm hiểu về hướng xử lý hàng loạt sai phạm tại bến thuỷ này.

Ông Trần Sĩ Nam – Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Dầu Một cho biết: “Sau khi báo chí phản ánh, thành phố đã chỉ đạo UBND phường kiểm tra xử lý phần công trình xây dựng không phép trên bờ tại bến Du thuyền Binh Dương, còn phần công trình dưới nước và thuyền bè trách nhiệm thuộc về Sở GTVT”.

Còn đại diện Sở GTVT Bình Dương, ông Nguyễn Văn Tư - Chánh Thanh tra cho biết, sắp tới Sở sẽ lập đoàn liên ngành đi kiểm tra, qua đó coi lại hết toàn bộ mới có hướng xử lý.

Nói về việc dư luận cho rằng, du thuyền BD-0477 với sức chứa 49 hành khách đang trong tình trạng hết hạn đăng kiểm an toàn kỹ thuật, không bảo hiểm nhưng vẫn hoạt động kinh doanh sẽ không đảm bảo an toàn cho khách hàng, ông Tư cho biết: “Cái đó phải thành lập đoàn kiểm tra mới biết được, hết hạn hay còn hạn”.

Phóng viên hỏi, liệu khi nào thành lập đoàn và tiến hành kiểm tra? Chánh Thanh tra Sở GTVT Bình Dương trả lời: “Cái đó chưa biết được”.

Một góc khác tại bến Du thuyền Bình Dương xây dựng không phép. Ảnh: Lâm Thiện.
Một góc khác tại bến Du thuyền Bình Dương xây dựng không phép. Ảnh: Lâm Thiện.

Điểm “đen” vi phạm pháp luật

“Cả công trình bến thủy nội địa rộng lớn xây dựng không phép, lấn chiếm đất công nhưng chính quyền địa phương không xử lý dứt điểm. Người dân chúng tôi xem bến Du thuyền Bình Dương như một điểm “đen” sai phạm tại trung tâm TP Thủ Dầu Một.”, một người dân nói.

Phao nổi và nhà hàng nổi tại bến Du thuyền Bình Dương. Ảnh: Lâm Thiện.
Phao nổi và nhà hàng nổi tại bến Du thuyền Bình Dương. Ảnh: Lâm Thiện.

Hàng loạt sai phạm tại công trình bến thủy nội địa Du thuyền Bình Dương đã được các cơ quan chức năng tỉnh này đã thừa nhận.

Những vấn đề dư luận cần, cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc xử lý dứt điểm, trả lại phần đất công đang bị doanh nghiệp lấn chiếm, phần công trình xây dựng ngoài đất công cần được cấp phép; tàu thuyền cần được đăng kiểm, mua bảo hiểm; đường dẫn và phao nổi phải đảm bảo an toàn, đúng quy định…để mọi hoạt động tại bến tuân thủ quy định pháp luật, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, đảm bảo an toàn cho du khách… lại chưa được thực hiện.

Nhà hàng nổi biển kiểm soát BD-0477 đang được khai thác tại bến với Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đã hết hạn từ tháng 4/2020.
Nhà hàng nổi biển kiểm soát BD-0477 đang được khai thác tại bến với Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đã hết hạn từ tháng 4/2020.

Những sai phạm tại bến Du thuyền Bình Dương là không hề nhỏ, thời gian kéo dài, mặc dù vậy UBND TP Thủ Dầu Một, Sở GTVT tỉnh Bình Dương tỏ ra chậm chạp, loay hoay, đến lúc này còn chờ lập đoàn kiểm tra, thậm chí “đá trái bóng xử lý” xuống cấp phường.

Phải chăng, công trình tồn tại dai dẳng này rất cần sự chỉ đạo của các cấp cao hơn trong tỉnh Bình Dương để sai phạm được xử lý dứt điểm?

Báo Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục thông tin.

 

Như báo Kinh tế & Đô thị đã đưa tin. Năm 2019, Công ty TNHH phát triển du lịch Sông Thủ, xây dựng bến thủy nội địa Du thuyền Bình Dương rộng hàng nghìn m2 tại phường Chánh Nghĩa, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Cuối năm đó, UBND phường cùng đại diện Phòng quản lý đô thị thành phố, Sở GTVT, Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương đã đi kiểm tra, qua kiểm tra đoàn phát hiện chủ đầu tư đang thi công nhưng không cung cấp được: Giấy phép xây dựng công trình, phương án đảm bảo an toàn giao thông đường thủy,...UBND Thành Phố cũng phát hiện doanh nghiệp lấn chiếm xây dựng công trình trên đất công thuộc hành lang đường bộ và hành lang sông Sài Gòn.

Sau đó biên bản đã được lập và yêu câu doanh nghiệp tạm ngưng mọi hoạt động thi công mở bến thủy nội địa tại đây đến khi có đầy đủ mọi giấy tờ liên quan đến việc thi công được cơ quan chức năng có thẩm quyền chấp thuận. Thế nhưng sau đó chủ đầu tư vẫn ngang nhiên thi công không phép và dưa bến vào vào hoạt động trái phép khiến dư luận bức xúc.

Mới đây, lãnh đạo TP Thủ Dầu Một, Sở GTVT tỉnh Bình dương một lần nữa xác nhận công trình bến hiện chưa có giấy phép xây dựng, chưa được cấp phép hoạt động bến thủy nội địa. Mặc dù vậy, bến vẫn hoạt động và hàng loạt vi phạm tại bến vẫn chưa được địa phương và cơ quan chức năng xử lý triệt để.