KTĐT - Các hãng hàng không có nhiều cách vận dụng khác nhau việc tính tiền vận chuyển thêm đối với hành khách béo phì.
Quyết định của liên minh hàng không Air France – KLM (Pháp – Hà Lan) buộc những hành khách béo mập phải trả tiền vé gấp đôi trên chuyến bay, có hiệu lực chỉ không đầy 24 giờ bởi vấp phải sự bất bình và ồn ào của dư luận.
Việc này đã được áp dụng từ khá lâu nay ở Mỹ. Air France – KLM cũng không phải là hãng hàng không đầu tiên ở châu Âu có ý tưởng này. Một số hãng hàng không giá rẻ ở châu Âu cũng đã tính tới chuyện buộc người béo mập phải trả nhiều tiền hơn khi sử dụng máy bay của họ. Bây giờ, dự định của Air France – KLM tuy bị phá sản, nhưng xem ra ý tưởng này chưa bị chết hẳn ở châu Âu và việc nó được đưa ra áp dụng chỉ là vấn đề thời gian.
Lập luận của các hãng hàng không đã và muốn thực hiện chính sách nói trên rất đơn giản: Những người béo phì với thân thể lớn hơn cả kích cỡ ghế ngồi (đã được tiêu chuẩn hóa trên máy bay) không chỉ chiếm mất diện tích ghế ngồi của hành khách khác, mà vì họ nặng hơn nên cũng làm máy bay tiêu hao nhiên liệu hơn. Có nghĩa là họ làm cho hãng hàng không phải chi tiêu nhiều hơn.
Các hãng hàng không có nhiều cách vận dụng khác nhau việc tính tiền vận chuyển thêm đối với hành khách béo phì. Có hãng yêu cầu hành khách loại này phải đi chuyến khác nếu không còn chỗ. Có hãng như Australian Airlines kêu gọi những hành khách khác tự nguyện chuyển sang chuyến bay khác nhường ghế của mình cho hành khách béo phì. Có hãng trả lại tiền chiếc vé thứ 2 nếu chuyến bay còn trống ghế, nhưng cũng có hãng không làm vậy. Có hãng tính tiền vé thứ hai như vé thứ nhất, nhưng cũng có hãng giảm giá.
Dù có làm thế nào cũng vẫn là phân biệt đối xử, thậm chí còn bị coi là xúc phạm nhân phẩm đối với người béo phì. Đúng là việc hài hòa tiêu chí đạo đức với lợi ích kinh tế thật chẳng dễ dàng chút nào.