Hội nghị giao ban trực tuyến Quý II/2018 của Thường trực Thành uỷ - HĐND – UBND TP với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã. Ảnh: Thanh Hải |
Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền trình bày báo cáo về tiến độ triển khai các công trình trọng điểm của TP |
Lực lượng cơ sở về phòng cháy còn rất yếu
Phát biểu thảo luận về về công tác PCCC&CNCH trên địa bàn TP, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc CATP Hà Nội nêu thực tế qua các cuộc kiểm tra, ngoài các lý do khách quan, còn có cả lý do chủ quan như lực lượng, năng lực, các điều kiện, phương tiện trang thiết bị kỹ thuật PCCC&CNCH của lực lượng PCCC còn rất hạn chế, khó khăn. Chữa cháy nhiều khi vẫn chỉ chống cháy lan, làm nguội đám cháy là chính.
Mặt khác, dù chúng ta đã tuyên truyền rất mạnh về PCCC nhưng chuyển biến trong nhận thức của người dân chưa cao, vẫn còn chủ quan, chưa coi trọng đúng công tác này.
Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc CATP Hà Nội phát biểu thảo luận |
Giám đốc CATP Hà Nội đề nghị, trước hết ngay tại trụ sở các cơ quan Nhà nước phải gương mẫu, chấp hành đúng các quy định về PCCC. Cùng đó, chế tài xử lý, xử phạt phải nghiêm khắc hơn, công tác kiểm tra xử lý sai phạm phải kiên quyết và dứt khoát hơn. Chẳng hạn qua kiểm tra các công trình xây dựng nếu phát hiện không đảm bảo an toàn PCCC hay các giải pháp về PCCC chưa đảm bảo thì phải kiên quyết tạm đình chỉ hoặc cắt điện, cắt nước…
Ngoài ra, Giám đốc CATP Hà Nội cho biết, lực lượng cơ sở về phòng cháy dù đã được coi trọng nhưng còn rất yếu. Qua kiểm tra tại nhiều cơ sở, dù có đặt bình chữa cháy nhưng người được giao phụ trách chữa cháy tại cơ sở còn loay hoay không biết cách sử dụng. Đây là khâu yếu nhất cần được tập trung khắc phục...
Thảo luận về vấn đề này, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP , Nguyễn Hoài Nam cho rằng, tình hình cháy nổ diễn biến phức tạp, là khách quan của sự phát triển. Theo ông, hiện nay, nhận thức về PCCC trong cả hệ thống chính trị, trong người dân và doanh nghiệp có chuyển biến tích cực, mọi người đều quan tâm hơn. Tuy nhiên, trong báo cáo chưa nêu được nguyên nhân của những hạn chế.
Trưởng ban Pháp chế HĐND TP , Nguyễn Hoài Nam nhấn mạnh đến các nguyên nhân hạn chế, tồn tại trong công tác PCCC, cụ thể, ý thức chấp hành các quy định pháp luật về PCCC của người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp chưa cao, còn coi PCCC là trách nhiệm của Cảnh sát PCCC.
Theo quy định, các toàn nhà phải đầu tư đảm bảo các quy định về PCCC mới được đưa dân vào ở. Một số các cơ sở kinh doanh chỉ chăm chăm thu lợi nhuận, không quan tâm PCCC. Bên cạnh đó, nhiều nơi chính quyền chưa quan tâm, chưa làm hết trách nhiệm quản lý nhà nước về PCCC. Các cơ sở karaoke vẫn đèn sáng choang, biển quảng cáo bịt kín hết, các chung cư vẫn có chuồng cọp… Công tác phối hợp giữa Cảnh sát PCCC với Công an và chính quyền địa phương chưa tốt.Theo ông Nguyễn Hoài Nam, cần xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu trong công tác này. Nếu ở đâu nguời đứng đầu quyết liệt thì có thể giảm thiểu được cháy nổ.
TP vào cuộc, đồng hành với chủ đầu tư tháo gỡ vuớng mắc khó khăn
Sau 17 ý kiến thảo luận về 3 nội dung “nóng”, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tổng hợp các ý kiến thảo luận, bổ sung, làm rõ thêm một số vấn đề liên quan. Về công tác PCCC, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND TP cho biết, hiện nay, đối với các chủ đầu tư công trình vi phạm, chuă khắc phục sẽ không đuợc cấp phép dự án mới cho đến khi khắc phục xong. Do vậy, điều này đã tác động đến quá trình, tiến độ khắc phục của các chủ đầu tư vi phạm.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu kết thúc phần thảo luận tại hội nghị. |
Về công tác cứu hộ, cứu nạn đặc biệt trong mùa mưa bão, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND TP đề nghị lãnh đạo các quận huyện kiểm tra, rà soát công cụ vật tư phục vụ cứu hộ, cứu nạn; kiểm tra lại các phuơng án kế hoạch để khi có họp phân công công việc các đồng chí triển khai theo đúng phuơng án.
Về cung cấp nước sạch, hiện TP tổ chức thì điểm nhiều mô hình cung cấp nuớc sạch, đến nay kêu gọi đuợc 23 chủ đầu tư và phủ đuợc 94 % diện tích cấp nuớc sạch của vùng nông thôn. Qua việc tổ chức xây dựng hệ thống mạng cung cấp nuớc, thực tiễn cung cấp nuớc tại Quốc Oai, Thạch Thất, Phú Xuyên, Chủ tịch cho rằng, cần phải chọn chủ đầu tư có năng lực; công tác triển khai phải đựoc cập nhật tiến độ; lãnh đạo địa phuơng tuyên truyền cho nguời dân ủng hộ các chủ đầu tư; đồng thời lãnh đạo địa phuơng quan tâm tháo gỡ vuớng mắc chủ đầu tư để đẩy nhanh tiến độ.
Về vấn đề tiến độ triển khai các công trình trọng điểm của TP, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND TP cho biết, TP có giao ban hàng tháng đối với các chủ đầu tư, lãnh đạo quận huyện, trong đó, lãnh đạo TP đều vào cuộc, đồng hành với chủ đầu tư tháo gỡ vuớng mắc khó khăn.
Từng cơ quan, đơn vị, hộ gia đình phải xây dựng phương án PCCC cho riêng mình
Qua các ý kiến trao đổi tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cho rằng, các ý kiến phát biểu rất tâm huyết và đã nắm chắc tình hình tại địa phương.
Đi vào cụ thể đối với vấn đề PCCC, Bí thư Thành ủy đánh giá: Tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, HĐND, UBND TP đối với các giải pháp tăng cường PCCC&CNCH đã lan tỏa tới các quận, huyện. Điều này làm cho nhận thức, ý thức và trách nhiệm về PCCC đã được nâng lên. Tuy nhiên, theo Bí thư Thành ủy, dù có chuyển biến trong PCCC nhưng nguy cơ còn rất lớn. Nguyên nhân có nhiều nhưng quan trọng nhất là trách nhiệm của cấp quản lý, người đứng đầu các đơn vị và tất cả các vụ cháy đều có trách nhiệm quản lý nhà nước.
Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải phát biểu tại hội nghị. |
Cũng theo Bí thư Thành ủy, hiện nay vẫn còn trên 800 vụ cháy mỗi năm mà chưa có chiều hướng giảm. Trong khi đó, công tác PCCC ở các cơ quan, đơn vị, hộ gia đình chưa được quan tâm đúng mức và công tác thực hiện phương châm “4 tại chỗ” có nơi chưa làm tốt. Từ đó, Bí thư Thành ủy đề nghị, các cấp ủy đảng, chính quyền phải quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, xác định rõ trách nhiệm trong công tác PCCC. Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng kiến thức pháp luật, kỹ năng PCCC. Đối với những khu du lịch và nơi tập trung đông người đã có phương án PCCC thì phải phổ biến rộng rãi cho người dân, du khách hiểu để thực hiện khi có sự cố xảy ra. “Từng cơ quan, đơn vị đến các hộ gia đình phải xây dựng phương án PCCC của mình và xác định rõ những nguy cơ dễ phát sinh cháy nổ để có phương án PCCC&CHCN” - Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.
Cùng với đó, phải tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng các đội PCCC cơ sở để thực hiện tốt hơn phương châm “4 tại chỗ”. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm. Đối với những công trình nhà cao tầng phải được kiểm tra ngay từ đầu và phải đủ điều kiện về PCCC mới được cho dân vào ở.
Đối với công tác cấp nước sạch, Bí thư Thành ủy cho biết, TP đặt ra mục tiêu cao là đến hết năm 2020 phải cấp nước sạch tới 100% các hộ dân khu vực nông thôn. Bởi, đây là vấn đề rất quan trọng và có tính chất quyết định đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe của Nhân dân cũng như thế hệ tương lai. Do vậy, TP quyết tâm sẽ hoàn thành cho được mục tiêu này. “Các dự án nước mặt phải đẩy nhanh tiến độ để chuyển dần việc sử dụng nước ngầm sang nước mặt, vừa tránh ô nhiễm và chống lún sụt” - Bí thư Thành ủy nói và yêu cầu các cơ quan chức năng của TP cần rà soát các dự án, giao ban thường xuyên để tháo gỡ khó khăn, đôn đốc tiến độ triển khai (trong đó chú ý đến các quy hoạch mạng lưới để đảm bảo đồng bộ, tránh lãng phí).
Còn đối với tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm, Bí thư Thành ủy yêu cầu, đẩy mạnh công tác chuẩn bị đầu tư, phối hợp làm tốt hơn trong GPMB, phải giao ban thường xuyên để giải quyết ngay khó khăn để khi triển khai thực hiện được nhanh nhất.