Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải: Giáo dục đào tạo phải gắn với thực hành, nhu cầu xã hội

Trần Long - Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 17/11, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải chủ trì hội nghị. Cùng dự có Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, Phó Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Thanh Long, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy.
Dẫn đầu cả nước về lĩnh vực giáo dục
Báo cáo do Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong trình bày cho thấy, sau 5 năm triển khai Nghị quyết số 29, TP Hà Nội đã thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT và đạt được những kết quả toàn diện. Theo đó, Thành ủy, HĐND, UBND TP luôn xác định, đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh để đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới là một trong ba khâu đột phá của TP. Các đề án, chương trình công tác đã được triển khai kịp thời. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo đã tập trung lựa chọn những nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, bám sát thực tiễn và đề ra các giải pháp cụ thể, quyết tâm tổ chức thực hiện đạt kết quả tốt. Từ đó, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về lĩnh vực GD&ĐT.
 Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu tại Hội nghị.
Cụ thể, 100% giáo viên các bậc học đạt chuẩn. Tính hết năm 2017, tỷ lệ trường đạt Chuẩn quốc gia của toàn TP đã đạt 52% (trong đó công lập 62% và dự kiến hết năm 2018 sẽ đạt 66%). Đặc biệt, 5 năm qua, hệ thống giáo dục trường tư thục trên địa bàn Hà Nội phát triển mạnh. Năm 2018-2019, Hà Nội có 520 trường tư thục với gần 255.000 học sinh và trên 28.000 giáo viên. So với 5 năm trước đã tăng 145 trường học, tăng 127.518 học sinh, tăng 13.423 giáo viên và tăng 7.779 phòng học…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Thanh Long đánh giá, Hà Nội là một trong những địa phương đứng đầu cả nước trong việc thực hiện Nghị quyết 29. TP luôn quan tâm đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT qua đó đã góp phần cải thiện cơ sở vật chất, xây dựng đội ngũ nhà giáo và các điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục. Để thực hiện tốt hơn công tác GD&ĐT trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Thanh Long đề nghị, Hà Nội cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề truyền thông, phổ biến nghị quyết liên quan đến giáo dục để xây dựng niềm tin của Nhân dân đối với sự nghiệp giáo dục; tăng cường đổi mới đội ngũ giáo viên đạt cao hơn so với các tỉnh, thành trong cả nước…. Đặc biệt, tiếp tục sự nghiệp đổi mới giáo dục từ phương pháp, cách làm và dự báo được sự thay đổi dân số để đáp ứng được nhu cầu thực tiễn thời gian tới.
Huy động sự tham gia của toàn xã hội
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đánh giá cao sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các nhà quản lý giáo dục, đội ngũ nhà giáo và mọi tầng lớp Nhân dân đối với sự nghiệp GD&ĐT Thủ đô trong thời gian qua.
 Quang cảnh Hội nghị.
Theo Bí thư Thành ủy, xác định được tầm quan trọng của GD&ĐT nên thời gian qua TP đã ưu tiên đầu tư và huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị để tổ chức thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo đúng tinh thần Nghị quyết 29. Đồng thời, do được đông đảo cán bộ, đảng viên, các nhà quản lý giáo dục, các nhà giáo và Nhân dân đồng thuận hưởng ứng nên giáo dục Thủ đô đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 29 và đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới, Bí thư Thành ủy đề nghị, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết 29. “Phương pháp tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết cần bảo đảm sáng tạo, phù hợp với yêu cầu thực tiễn Thủ đô và sự vận động không ngừng của xã hội để tạo sự đồng thuận cao; huy động sự tham gia của toàn xã hội vào công cuộc đổi mới và phát triển giáo dục” - Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Bí thư Thành ủy lưu ý quan tâm thực hiện có hiệu quả việc đổi mới quản lý Nhà nước về giáo dục bảo đảm dân chủ, thống nhất. Sắp xếp và nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Nâng cao chất lượng, xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu. Tiếp tục ưu tiên kinh phí thực hiện quy hoạch mạng lưới trường học đến năm 2025 và tăng cường đầu tư cho các dự án cải tạo, nâng cấp của các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT công lập hiện có trên địa bàn TP.
Ngoài ra, phối hợp, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức đoàn thể trong các nhà trường tạo sự đoàn kết, đồng thuận trong cán bộ, giáo viên, nhân viên, cha mẹ học sinh và các em học sinh. Đẩy mạnh xã hội hóa phong trào khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập nhằm phát triển giáo dục. Thực hiện lộ trình tự chủ trong các cơ sở giáo dục đào tạo theo tinh thần Nghị quyết T.Ư6 khoá 12. Tiếp tục đẩy mạnh công tác hướng nghiệp học nghề và phân luồng học sinh sau trung học, trong đó tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác này ở trong và ngoài nhà trường. Đặc biệt, chú trọng đào tạo gắn với thực hành và nhu cầu xã hội để tránh tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”.

Trong giai đoạn 2013 – 2018, TP đã triển khai được 952 dự án cải tạo và xây mới trường học với kinh phí gần 20.400 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách các cấp đầu tư gần 17.700 tỷ đồng thực hiện 880 dự án và vốn xã hội hóa đầu tư gần 2.700 tỷ đồng thực hiện 72 dự án ngoài ngân sách. Bên cạnh đó, đến nay toàn TP đã công nhận 16/20 trường chất lượng cao (đạt 75% kế hoạch).