Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Biến thách thức thành cơ hội

Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2020, dịch Covid-19 không những phủ một bức màn u tối đến sức khỏe, tính mạng của con người mà còn tác động xấu đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội (KT - XH) toàn cầu.

Tuy nhiên, với sự chủ động, dự báo đúng tình hình, quyết liệt và khẩn trương đưa ra những chỉ đạo đúng đắn, sự thống nhất trong hành động của các cấp ngành và Nhân dân, chúng ta đã hạn chế phần nào những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh và giữ được mức tăng trưởng dương (2,91%). Và trong kết quả chung đó, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Nội đã có một năm thành công với nhiều cố gắng, nỗ lực “vượt bão” Covid-19. 
Kiểm soát dịch bệnh, duy trì tăng trưởng

Việc lớn nhất mà Đảng bộ, chính quyền và người dân Hà Nội đã làm được trong năm 2020 đó là kiểm soát được dịch bệnh Covid-19. Với tinh thần chủ động, khẩn trương, thống nhất trong hành động, chính quyền các cấp từ TP đến cơ sở đã thực hiện nghiêm Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và huy động sự tham gia của toàn dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Nhờ đó, đến nay, đã hơn 100 ngày trên địa bàn TP không ghi nhận thêm ca nhiễm ngoài cộng đồng.
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cùng các đại biểu thăm nhà máy sản xuất linh kiện máy bay tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: Thanh Hải
Kinh tế phục hồi mạnh mẽ sau đợt thực hiện giãn cách xã hội. Nhờ vào sự chỉ đạo quyết liệt, giải pháp trọng tâm nên GRDP quý IV tăng trưởng bứt phá, tăng 5,51%. Tính chung GRDP năm 2020 của Hà Nội ước tăng 3,98% - mặc dù không đạt kế hoạch (7,5%) nhưng mức tăng trưởng này cao gấp khoảng 1,5 lần mức tăng của cả nước. Các chỉ tiêu phát triển thương mại đều tăng so với năm 2019 và so với mức chung của cả nước.
Đặc biệt, nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn với mức tăng trưởng 4,2% - cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) trên địa bàn ước thực hiện đạt khoảng 280.500 tỷ đồng, đạt 100,6% dự toán và là một trong số ít địa phương hoàn thành vượt dự toán ngân sách được giao. Tăng trưởng tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 8%. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 duy trì vị trí thứ 9/63 tỉnh, TP; chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) vẫn ở vị trí thứ 2.

Quản lý đô thị được đẩy mạnh. Hệ thống chiếu sáng công cộng được duy trì tốt, bảo đảm tỷ lệ chiếu sáng trên 98%; TP đã hoàn thành hạ ngầm đường dây 36 tuyến phố và trồng thêm 594.153 cây đô thị, bóng mát, cây lấy gỗ. Các dự án mạng lưới cấp nước đã bao phủ 100% các quận và 78% dân số nông thôn (2,963 triệu người, 740.719 hộ dân) tăng thêm khoảng 3% so với năm 2019. Tỷ lệ rác thải được thu gom, vận chuyển trong ngày đạt xấp xỉ 100%...

Xây dựng nông thôn mới (NTM) tiếp tục được triển khai tích cực khi 6 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM gồm: Đan Phượng, Thanh Trì, Hoài Đức, Quốc Oai, Gia Lâm, thị xã Sơn Tây. 355/382 xã (chiếm 92,9%) được UBND TP công nhận đạt chuấn NTM, trong đó 13 xã được UBND TP công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2020 ước đạt 55 triệu đồng/người/năm, tăng 3,5 triệu đồng/người/năm so với năm 2019.

Trong công tác giáo dục, TP cũng kịp thời tổ chức các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai các giải pháp dạy học trên truyền hình, qua mạng Internet và các phương pháp giáo dục từ xa để đảm bảo tốt nhất chương trình học, nhất là lớp cuối cấp trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Lửa thử vàng

Để có được kết quả đó, ngoài thực hiện nghiêm sự chỉ đạo kịp thời, sát sao, quyết liệt của T.Ư, Chính phủ, TP Hà Nội đã chủ động, tích cực làm việc với các bộ, ngành để tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách. Đồng thời, chỉ đạo sâu sát các sở, ban, ngành và chính quyền các cấp thực hiện hiệu quả những giải pháp khắc phục khó khăn, phục hồi tăng trưởng, đảm bảo an sinh xã hội. Có nhận định rằng, thời điểm phòng, chống dịch Covid-19 chính là “lửa thử vàng” năng lực, trình độ của cán bộ, nhất là người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị. Nơi nào, khâu nào, cán bộ nào làm tốt hay còn hạn chế sẽ thể hiện rõ nhất.

Trong bối cảnh cả nước vẫn đang trong thời điểm thực hiện giãn cách toàn xã hội (tháng 4/2020), với tinh thần hỗ trợ, đồng hành cùng DN vượt bão Covid-19, Hà Nội đã chủ động tổ chức Hội nghị đối thoại với DN để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ DN và người lao động. Trên cơ sở đó, TP đã hỗ trợ nhằm hạn chế tác động xấu của dịch bệnh, tạo điều kiện cho các DN, tổ chức, cá nhân phục hồi sản xuất kinh doanh với số tiền khoảng 3.930 tỷ đồng giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, điều chỉnh mức giảm trừ thuế thu nhập cá nhân; khoảng 14.365 tỷ đồng tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn.

Ngay khi dịch Covid-19 được khống chế và thiết lập “trạng thái bình thường mới”, Hà Nội đã tổ chức Hội nghị “Hà Nội 2020 – Hợp tác đầu tư và phát triển” vào cuối tháng 6/2020. Hội nghị đã thể hiện ý chí, bản lĩnh của lãnh đạo TP và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong việc phục hồi và đẩy mạnh phát triển KT - XH, cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển DN. Năm 2020, TP thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) trên 4 tỷ USD; thu hút đầu tư trong nước đạt trên 145.000 tỷ đồng. DN thành lập mới ước trên 25.000, nâng tổng số DN trên địa bàn lên trên 322.000 DN.

Không chỉ tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN, TP cũng khẩn trương triển khai hỗ trợ tới hơn 514.000 người là các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như người có công, người nghèo, người lao động mất việc… với số tiền 604,3 tỷ đồng. Không những vậy, TP còn huy động được sự tham gia tích cực của cộng đồng trong ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 thông qua kênh tiếp nhận của Ủy ban MTTQ TP với tổng trị giá tiền mặt, hàng hóa, thiết bị y tế trên 243 tỷ đồng.

Nhìn vào các chỉ tiêu tăng trưởng để thấy kinh tế chỉ thực sự phục hồi và phát triển, an sinh xã hội được đảm bảo khi dịch bệnh được kiểm soát. Các con số cũng nói lên việc thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh Covid-19, vừa phục hồi và phát triển KT - XH là hoàn toàn đúng đắn.

Lấy lại đà tăng trưởng

Các chuyên gia nhận định, đại dịch Covid-19 thúc đẩy các quốc gia cơ cấu lại danh mục đầu tư nhằm bảo đảm an toàn nguồn cung, duy trì chuỗi sản xuất, trong đó Việt Nam nói riêng và Hà Nội nói chung được đánh giá là một điểm đến đầu tư an toàn. Đây là cơ hội để Hà Nội thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển KT - XH.

Trong bối cảnh ấy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, TP cần tiếp tục đổi mới tư duy phát triển, hành động quyết liệt hơn và hiệu quả hơn, biến thách thức thành cơ hội. Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh kinh tế Thủ đô dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, tận dụng tốt các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu hướng chuyển đổi kinh tế số, dịch chuyển đầu tư thương mại, phát triển các mô hình kinh doanh mới, thay đổi phương thức sản xuất, tiêu dùng…

Nhiệm vụ trọng tâm của TP là lấy lại đà tăng trưởng, đẩy nhanh cơ cấu lại các ngành kinh tế. Cùng với đó, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 nhằm duy trì vững chắc thành quả phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe của Nhân dân Thủ đô; đảm bảo an sinh xã hội và nâng cao đời sống người dân. Với các giải pháp cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm đã được TP xác định, cộng đồng DN và người dân Thủ đô tin tưởng năm 2021, TP sẽ có sức bật mới, tạo tiền đề quan trọng để có bước tăng trưởng vượt bậc trong giai đoạn 5 năm tới.

Cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội Mai Sơn: Hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế

 Năm 2021, với quyết tâm phấn đấu thu NSNN tăng 7,3% so với dự toán T.Ư giao... Cục Thuế TP Hà Nội xác định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các sở, ngành, UBND địa phương cũng như với các đon vị thuộc Bộ Tài chính — Tổng cục Thuế trong việc triển khai các giải pháp thu NSNN. Cùng với đó Cục tiếp tục chú trọng nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tuyên truyền, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế; Cải cách hành chính, hiện đại hóa ngành thuế và ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong công tác quản lý thuế, hỗ trợ người nộp thuế và quản lý nội ngành; xử lý các khoản khoanh nợ, xóa nợ thuế theo đúng quy định pháp luật. Xây dựng đội ngũ công chức thuế đầy đủ năng lực, kiến thức chuyên môn và kỹ năng chuyên nghiệp, luôn tận tâm trong công việc, thân thiện với người nộp thuế.  


Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Việt Hà:Chống lãng phí trong chi tiêu ngân sách

Chỉ tiêu thu ngân sách Nhà nước (NSNN) trên địa bàn được UBND TP trình HĐND TP là 251.321 tỷ đồng, cao hơn dự toán Thủ tướng Chính phủ giao 15.800 tỷ đồng; dự toán chi ngân sách địa phương (không kể chi trả nợ gốc) năm 2021 là 108.593 tỷ đồng (cao hơn 11.424 tỷ đồng so với dự toán T.Ư giao), trong đó chi ngân sách TP trực tiếp quản lý 75.074,6 tỷ đồng; chi ngân sách quận huyện xã phường: 53.793,7 tỷ đồng.

Để thực hiện thắng lợi dự toán ngân sách năm 2021 đòi hỏi công tác quản lý điều hành ngân sách của các sở, ban, ngành và quận, huyện, thị xã cần linh hoạt, chặt chẽ, an toàn và bảo đảm cân đối ngân sách các cấp.


Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu: Tạo động lực mới thay đổi cơ cấu kinh tế

Để phát huy các kết quả đã đạt được, vượt qua các khó khăn, thách thức, năm 2021, quận Thanh Xuân đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm ngay từ đầu năm để hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu đã đặt ra. Trong đó, tiếp tục cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh đảm bảo thông thoáng, an toàn, thuận tiện cho tổ chức, cá nhân; phát triển sản xuất kinh doanh, dịch vụ; duy trì chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng “dịch vụ - công nghiệp”; tập trung phát triển các dịch vụ chất lượng cao (trung tâm thương mại, siêu thị, thương mại điện tử và ngân hàng) trên nền tảng công nghệ hiện đại, đây là động lực mới để phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Đồng thời, dành nguồn lực cho đầu tư phát triển, ưu tiên đầu tư về hạ tầng giao thông đô thị, giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc… 


Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long: Thúc đẩy phát triển du lịch, triển khai thí điểm kinh tế ban đêm

Năm 2021, quận Hoàn Kiếm tiếp tục thực hiện tốt chương trình hành động, thúc đẩy phát triển du lịch quận; tập trung phục hồi kinh tế do ảnh hưởng bởi Covid-19; tổ chức triển khai thí điểm phát triển kinh tế ban đêm. Triển khai có hiệu quả Đề án mở rộng không gian đi bộ phía Nam khu phố cổ kết nối phía Bắc khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. Tập trung triển khai các dự án cải tạo chung cư cũ, thiết kế đô thị gắn với chỉnh trang các tuyến phố, quảng trường, vườn hoa tại địa bàn quận.