Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Biểu tình bạo lực phản đối quyết định của Mỹ về Jerusalem

Nguyễn Phương (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các cuộc biểu tình đã bùng phát trong ngày 10/12 tại khu vực Trung Đông và nhiều nơi khác trên thế giới phản đối tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

Trong bối cảnh xảy ra nhiều vụ bạo lực tại Jerusalem sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố coi thành phố này là thủ đô của Israel, ngày 10/12, một người Palestine đã đâm trọng thương một nhân viên an ninh Israel.
Các cuộc biểu tình đã bùng phát trong ngày 10/12 tại khu vực Trung Đông và nhiều nơi khác trên thế giới phản đối tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.
Ngày 10/12, một người Palestine đã đâm trọng thương một nhân viên an ninh Israel. Ảnh: Reuters
Hàng chục nghìn người đã xuống đường biểu tình tại các nước Ả Rập và Hồi giáo trong đó có Liban, Maroc, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia, Ai Cập, và các vùng lãnh thổ Palestine. 
Các lực lượng an ninh Liban đã phải bắn đạn hơi cay và dùng vòi rồng giải tán hàng trăm người biểu tình gần Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Beirut

Hàng trăm người biểu tình và hàng chục cảnh sát chống bạo động đã tụ tập phía trước lối vào dẫn tới tòa đại sứ được bảo vệ chặt chẽ. Một số thanh niên trong đám đông đã ném đá về phía cổng lối vào Đại sứ quán.

Trước đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan khẳng định quyết định của Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel là "không có giá trị". 

Thủ tướng Erdogan cảnh báo có thể sẽ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Israel, đồng thời kêu gọi tổ chức một cuộc họp khẩn của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) tại Istanbul vào ngày 13/12 tới. 
Trong một động thái phán đổi bước đi này của Mỹ, các quan chức Palestine ngày 10/12 thông báo, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas sẽ không có cuộc gặp với Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence trong chuyến thăm sắp tới.
Theo Ngoại trưởng Palestine Riyad al-Maliki, Palestine sẽ tìm kiếm một nhà hòa giải đối thoại hòa bình mới thay thế Mỹ.  Theo đó, nhà hòa giải mới sẽ từ các nước Ả Rập và cộng động quốc tế. Palestine cũng sẽ tìm kiếm một nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc về Jerusalem
Tại Jakarta, khoảng 5.000 người Indonesia đã biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Mỹ nhằm biểu thị sự đoàn kết với người dân Palestine

Tại Ai Cập, nhiều sinh viên và giáo viên các trường đại học ở thủ đô Cairo biểu tình phản đối quyết định của Mỹ về Jerusalem
Trong khi đó, người dân Palestine tiếp tục xuống đường biểu tình trong ngày 10/12 tại các vùng lãnh thổ Palestine dù quy mô nhỏ hơn so với các ngày trước. Biểu tình và đụng độ đã nổ ra ở trại tị nạn Al-Arroub ở phía Nam Bờ Tây, khiến 1 người bị thương. 
Theo thống kê của các quan chức y tế Palestine, hơn 1.100 người đã bị thương trong các cuộc đụng độ từ ngày 7-9/12. 
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 10/12 đã kêu gọi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu có "những bước đi táo bạo" đối với người Palestine để "phá vỡ bế tắc" của cuộc khủng hoảng Israel-Palestine.
Bên cạnh đó, Tổng thống Macron cũng hối thúc Thủ tướng Netanyahu ngừng việc xây dựng các khu định cư của người Do Thái. 
Trước đó, Ngoại trưởng các nước thành viên Liên đoàn Ả Rập (AL) ngày 9/12 đã tiến hành một cuộc họp khẩn tại thủ đô Cairo, Ai Cập để thảo luận về hành động của AL liên quan đến việc Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. 
Ngoại trưởng các nước AL đã ra tuyên bố kêu gọi Mỹ từ bỏ quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, đồng thời cho rằng động thái này sẽ làm gia tăng tình hình bạo lực trong khu vực.
Tổng thư ký AL Ahmed Aboul Gheit và Ngoại trưởng Palestine Riyad Al-Maliki đều kêu gọi các quốc gia trên thế giới công nhận Nhà nước Palestine với đông Jerusalem là thủ đô để phản đối tuyên bố của ông Trump. 
 Ở Beirut (Lebanon), lực lượng cảnh sát đã đụng độ với người biểu tình gần Đại sứ quán Mỹ vào hôm 10/12.
Sau khi Tổng thống Mỹ tuyên bố chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, Chính quyền Palestine đã bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với quyết định trên của Washington, cho rằng đây là hành động thù địch chống lại người dân Palestine.
Lâu nay, quy chế chính thức của Jerusalem là vấn đề hết sức nhạy cảm và là tâm điểm của cuộc xung đột Israel-Palestine. 
Israel coi Jerusalem là thủ đô "vĩnh viễn và không thể chia cắt" của mình, trong khi người Palestine muốn Đông Jerusalem là thủ đô của Nhà nước Palestine trong tương lai.
Đông Jerusalem đã bị Israel chiếm đóng trái phép trong cuộc chiến tranh năm 1967 và sáp nhập vào lãnh thổ nước mình trong một động thái không được cộng đồng quốc tế công nhận.