Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bình Dương: Khóa chặt vùng sạch, truy vết thần tốc F0, nâng cao ý thức phòng dịch

Duy Chí - Việt Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện tình hình Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bình Dương hết sức phức tạp, với số ca mắc đã vượt mốc 2.000. Trung bình mỗi ngày toàn tỉnh phát hiện 100 ca mắc mới.

Quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi chỉ đạo lực lượng quân sự, công an phải vào sâu cơ sở, hỗ trợ cơ sở thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và triển khai quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch như: Truy vết thần tốc tìm F0, cách ly F1; khóa chặt “vùng sạch” Covid-19, thực hiện nghiêm các quy định về cách ly, giãn cách xã hội để phòng chống dịch.
Bên cạnh đó, tăng cường xử lý các trường hợp tập trung đông người, không chấp hành quy định cách ly, giãn cách xã hội; buộc dừng hoạt động doanh nghiệp không bảo đảm an toàn sản xuất...
 Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi (ngồi bìa phải hàng giữa) tiếp và làm việc đoàn công tác Phòng chống dịch Covid-19 Bộ Y tế ngày 13/7
Dự báo trong 10 ngày tới số ca mắc Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bình Dương sẽ còn tăng. Nguyên nhân là do không kiểm soát được nguồn lây; Khu nhà trọ đan xen với khu sản xuất, khu công nghiệp với lượng công nhân ra vào làm việc, sinh hoạt rất đông. Qua tầm soát, xét nghiệm tại các cơ sở y tế phát hiện nhiều ca nhiễm Covid-19, cho thấy đã xảy ra lây nhiễm chéo, số ca bệnh ngoài cộng đồng nhiều.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương - Giám đốc Sở Y tế cho biết thêm: “Những ca bệnh được phát hiện tập trung chủ yếu ở 46 điểm dịch, chuỗi lây nhiễm có nguồn lây từ các ổ dịch tại TP Hồ Chí Minh với biến chủng Delta, trong đó có 4 ổ dịch đã được kiểm soát. Trong 42 ổ dịch hiện chưa được kiểm soát, có 20 ổ dịch trong tỉnh, 10 ổ dịch lây lan thứ phát có nguồn lây từ các ổ dịch tại TP Hồ Chí Minh và 12 điểm dịch chưa rõ nguồn lây qua test nhanh tại các cơ sở y tế”.
Bộ đội Phòng hóa Quân đoàn 4 và Cảnh sát PCCC tỉnh Bình Dương phối hợp triển khai phun xịt diệt khuẩn tại các khu vực nguy cơ cao Covid-19
Giải pháp “chặt đứt” đà lây lan dịch bệnh tại Bình Dương được GS.TS Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh chỉ ra: "Cần phải nêu cao tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân, mỗi doanh nghiệp trong phòng chống dịch. Dịch đã lây ở cộng đồng, cần phải xét nghiệm nhanh, nhiều hơn. Đội truy vết phải củng cố và hoạt động mạnh mẽ, không được để lọt trường hợp thuộc diện F1".
Ý thức quyết định hiệu quả
Ròng rã cả tháng liền với cơm hộp, mì gói cùng lực lượng dân quân tham gia công tác phòng chống dịch, chị Phạm Thị Quỳnh Như - Ban Chỉ huy Quân sự xã Thạnh Hội (thị xã Tân Uyên) mạnh dạn đặt ngược câu hỏi khi được phóng viên phỏng vấn: Hầu hết người dân đều chấp hành các yêu cầu về phòng chống dịch. Nhưng tại sao tình hình vẫn phức tạp với diễn biến khó lường. Có phải ý thức chấp hành còn ở mức thụ động?
 Ý thức phòng chống dịch trong cộng đồng sẽ quyết định thời gian và hiệu quả.
Bàn về 2 chữ “thụ động” trong ý thức phòng chống dịch của người dân, ông Trần Đức Hưng - Tổng quản lý tại một doanh nghiệp trong KCN Việt Hương, thị xã Bến Cát nói: Những ngày qua, loa phường liên tục phát với các thông tin, thông báo mà thiếu hướng dẫn về con đường lây lan dịch bệnh; cách phòng tránh, cũng như cụ thể hóa các quy định một cách dễ hiểu, dễ nhớ giúp người dân dễ thực hiện.
Cũng cần phải phê phán các trường hợp vi phạm quy định phòng chống dịch, như đang thực hiện Chỉ thị 16 mà vẫn có người chạy xe đi câu cá, ra công viên tập thể dục, chen lấn nhau để vào làm xét nghiệm, mua hàng... 
"Bây giờ dù cho mạng xã hội, báo điện tử, truyền hình internet phát triển rất mạnh, nhưng theo tôi loa phường vẫn giữ vai trò rất quan trọng trong tuyên truyền, phổ biến thông tin của Đảng, Nhà nước. Thời điểm này cần phát huy hơn nữa vai trò, chức năng của loa phường", ông Trần Đức Hưng góp ý.
Doanh nghiệp căng mình bảo vệ người lao động
Ông Phạm Minh Hà - Giám đốc nhà máy Công ty sản xuất lốp ô tô Hưng Hải Thịnh tại xã Tam Lập (huyện Phú Giáo) cho biết, công ty có 300 công nhân tình nguyện ở lại nhà máy làm việc. Mỗi ngày, ngoài việc công nhân được phục vụ các bữa ăn chính, mỗi người còn được hỗ trợ thêm 150.000 đồng/ngày.
Hầu hết công nhân đều chia sẻ và quyết tâm cùng công ty duy trì hoạt động sản xuất, bởi họ ý thức ngoài việc duy trì công ăn việc làm, việc ở lại công ty cũng là chung tay để bảo vệ sức khỏe cho chính mình và cho cộng đồng, nhằm góp phần đẩy lùi dịch bệnh.
 Ông Ngô Chí Thắng kiểm tra hệ thống thu gom, xử lý rác ''không chạm'' tại chi nhánh xử lý chất thải Biwase.
Nói về trách nhiệm duy trì hoạt động và bảo đảm an toàn cho người lao động trước diễn biến khó lường của dịch Covid-19, thạc sĩ Ngô Chí Thắng - Phó Giám đốc Chi nhánh xử lý chất thải Biwase cho biết: "Nghiên cứu kỹ thông điệp “5K” kết hợp các tài liệu, thông tin và thực tiễn cho thấy “khoảng cách” là thanh gươm hữu hiệu nhất để chặt đứt đường lây của virus SARS-CoV-2 và khẩu trang là lá chắn an toàn để virus không có đường tiếp cận cơ thể...
Từ đó chúng tôi xây dựng quy trình “Không chạm - Không tiếp xúc” trong tiếp nhận, xử lý rác thải mỗi ngày. Vẫn chưa yên tâm với quy trình, vì hết giờ làm việc anh em công nhân lao động phải về nhà, sinh hoạt tại gia đình, xã hội có thể tiếp xúc, lây nhiễm. Lãnh đạo chi nhánh nêu gương ở lại chi nhánh làm việc, 1 tuần đổi ca/lần.
Trước khi trở lại chi nhánh, vào ca tất cả mọi người phải làm xét nghiệm, kết quả âm tính với Covid-19 mới được vào chi nhánh làm việc. Chi phí xét nghiệm, bảo đảm điều kiện sinh hoạt, sức khỏe người lao động đang là gánh nặng, nhưng công ty vẫn phải gánh để vượt qua. Mong mọi người cùng sớm trở lại hoạt động bình thường".