Bịt “khoảng trống”, “kẽ hở” để không thể tham nhũng

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tăng cường các cơ chế phòng ngừa để "không thể tham nhũng"; chủ động phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng, lãng phí.

 Đó là các giải pháp quan trọng mà Hà Nội tiếp tục thực thi để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động trong lĩnh vực vốn được coi là khó và nhạy cảm này.
Công khai, minh bạch hơn

Tại các đơn vị của Hà Nội, công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) đã và đang được triển khai bằng các giải pháp cụ thể. Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Tây Hồ Nguyễn Anh Tuấn cho biết, quận đã tăng cường kiểm tra những lĩnh vực dễ xảy ra hành vi tham nhũng như: Quản lý và chi tiêu ngân sách, mua sắm tài sản công; đầu tư, cấp phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quản lý sử dụng đất đai, giải phóng mặt bằng… Thời gian tới, quận Tây Hồ tiếp tục chỉ đạo sâu sát việc thực hiện chương trình, kế hoạch PCTN đã đề ra, trong đó, tập trung vào các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao như xây dựng cơ bản, đất đai, giải phóng mặt bằng; thu, chi ngân sách, mua sắm tài sản công, công tác cán bộ.
 Ảnh minh họa.
Tại huyện Hoài Đức, việc công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhất là trong các lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai, tài chính ngân sách, mua sắm công, xây dựng cơ bản, công tác cán bộ luôn được chú trọng. Cùng với đó, tập trung tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức; công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN khi giao dịch.

Tại các địa bàn, nhiều hình thức công khai được tiến hành, để người dân nắm được các thông tin cần biết theo đúng quy định. Đặc biệt, hướng dẫn rõ ràng toàn bộ các quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chính sách... Từ đó đã tạo điều kiện thuận lợi để người dân, DN giám sát việc thực hiện, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.

Thúc đẩy các giải pháp phòng ngừa

Từ kết quả đã có, với việc đưa vào triển khai Chương trình số 10-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về "Nâng cao hiệu quả công tác PCTN; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021 - 2025" sẽ tiếp tục thúc đẩy hơn nữa các giải pháp phòng ngừa. Để thực thi hiệu quả Chương trình này, UBND TP vừa ban hành Kế hoạch số 150/KH-UBND, đề các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần thực hiện. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục về PCTN, kiên trì xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí.

Bên cạnh đó, TP sẽ xây dựng, hoàn thiện đồng bộ các quy định theo thẩm quyền về quản lý kinh tế - xã hội, PCTN; kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những “khoảng trống”, “kẽ hở” để “không thể tham nhũng”. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; tăng cường công tác kiểm soát quyền lực, siết chặt kỷ luật, kỷ cương... Cùng với đó, xử lý nghiêm minh, kịp thời các vụ việc, vụ án tham nhũng; xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng gây phiền hà, nhũng nhiễu đối với người dân, DN trong giải quyết công việc; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng.

Một giải pháp quan trọng tiếp tục được đẩy mạnh là ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.

Để thực thi hiệu quả, TP sẽ phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp, các cơ quan truyền thông, báo chí của TP và người dân trong công tác PCTN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đi kèm với thực hiện tốt công tác bảo vệ người tố cáo tiêu cực, tham nhũng. Chủ động phòng ngừa, phát hiện, xử lý các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí và các hành vi bao che, dung túng, cản trở việc chống tham nhũng, lãng phí. Việc thực hiện nghiêm túc quy định về người đứng đầu nêu cao trách nhiệm, gương mẫu, quyết liệt, đi đầu, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN, lãng phí tại đơn vị, địa phương mình sẽ góp phần nâng cao hiệu quả phòng ngừa.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần