“Bố bổ nhiệm con, dù hợp lý cũng nên tránh”

Công Thọ (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa trao đổi với phóng viên như vậy bên lề kỳ họp thứ hai, Quốc hội khoá XIV đang diễn ra, ngày 28/10.

Thưa ông, vừa qua dư luận rất quan tâm đến việc “cả họ làm quan” nhưng được giải đáp về việc bổ nhiệm “đúng quy trình”. Ông có suy nghĩ gì về điều này?

- Tôi cho rằng đó những “biến tướng” rất tinh vi và quy định về phòng chống tham nhũng phải giải quyết được biến tướng ấy.

Từ mấy trăm năm trước, thời vua chúa của chúng ta và nhiều nước khác đã nhìn thấy và có quy định phòng ngừa.

Lâu nay, chúng dựa vào công tác tổ chức cán bộ và đã có cơ quan tổ chức Đảng làm rất chặt chẽ rồi, quy trình nghiêm minh, khách quan. Do đó, không có hiện tượng đưa người thân thích, tạo thành mối quan hệ thân tộc trong bộ máy Đảng và Nhà nước được.

 Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa

Nhưng hiện nay có tình trạng này. Vì vậy, về mặt Đảng cần bổ sung những quy định đối phó những biến tướng đó. Luật pháp cũng phải như vậy. Luật Phòng chống tham nhũng đang sửa đổi, sắp tới phải đưa vào những quy định ngăn chặn hình thành mối quan hệ thân thích, dòng tộc trong bộ máy của Đảng và Nhà nước.

Có ý kiến cho rằng, việc bổ nhiệm những người trong một đại gia đình vào làm việc trong cơ quan địa phương dẫn đến dễ câu kết? Theo ông, cần giải pháp gì?

- Muốn đưa ra giải pháp hợp lý và có khoa học thì phải có nghiên cứu sâu một cách hợp lý, cẩn thận. Chúng ta cũng cần tham khảo thêm quy định của các nước để nghiên cứu áp dụng.

Nếu đưa ra một giải pháp đơn giản có thể đáp ứng một tình thế nào đó nhưng không giải quyết rốt ráo được vần đề. Vì ở đây cũng không loại trừ có những trường hợp ngẫu nhiên anh em cùng làm một cơ quan, vợ chồng cùng làm trong một sở hay một bộ. Đôi khi đó là ngẫu nhiên và bình thường và cũng không có tác hại gì.

Vậy còn việc người thân bổ nhiệm lẫn nhau như bố bổ nhiệm con, chồng bổ nhiệm vợ... có nên cấm không, thưa ông?

- Theo tôi, những gì dính đến chuyện người thân bổ nhiệm lẫn nhau thì phải có quy định để xử lý.

Nhưng chúng ta cũng phải tính đến việc xử lý cả những trường hợp khách quan như một ông Bộ trưởng có con thích ngành nghề của bố, làm trong Bộ của bố và có năng lực, giỏi giang. Trong qúa trình làm việc, phấn đấu đến một lúc nào đó đứa con con ấy hoàn toàn xứng đáng với các vị trí Cục trưởng, Thứ trưởng...

Như vậy sẽ dẫn tới việc đến lúc ông bố bổ nhiệm con. Ở đây, về mặt công tác đảng phải tính và về mặt pháp luật cũng cần phải có giải pháp về việc này thế nào. Như tôi đã nói ở trên, cần nghiên cứu căn cơ thấu đáo, rút kinh nghiệm từ các nước đã trải qua.

Theo tôi, việc bố bổ nhiệm con cho dù là hợp lý thì cũng là điều nên tránh. Tránh như thế nào thì sắp tới cần nghiên cứu để có cách hợp lý.  

Xin trân trọng cảm ơn ông!