Bộ Chính trị chỉ đạo xây dựng Nghị quyết phát triển Thanh Hóa đến 2030, tầm nhìn 2045

Văn Sinh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cơ cấu các ngành kinh tế của Thanh Hóa đang chuyển dịch theo hướng tích cực, vừa phù hợp với xu thế phát triển chung của cả nước, vừa khai thác, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Trong đó công nghiệp trở thành ngành trụ cột với hạt nhân là Khu kinh tế Nghi Sơn.

 Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Báo Thanh Hóa.
Ngày 4/7/2020, tại TP Thanh Hóa, Ban Chỉ đạo 218 Trung ương tổ chức hội thảo khoa học "Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Phát biểu khai mạc, ông Trịnh Văn Chiến - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo 218 khẳng định hội thảo khoa học "Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa” đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm cung cấp thêm các luận cứ khoa học và thực tiễn trong việc hoàn thiện Đề án Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trước khi trình Bộ Chính trị xem xét, quyết định.
Hiện nay Thanh Hóa có dân số 3,64 triệu người, đứng thứ 3 cả nước, diện tích tự nhiên trên 11 nghìn km2, đứng thứ 5 cả nước; có 27 huyện, thị xã, thành phố với 559 xã, phường, thị trấn. Trong những năm qua, kinh tế Thanh Hóa duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian dài. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn giai đoạn 2011 - 2020 đạt 10,3%, trong đó giai đoạn 2016 - 2020 đạt 12,1%, đứng đầu các tỉnh BắcTrung Bộ và trong nhóm các tỉnh dẫn đầu của cả nước.
Quy mô kinh tế tăng nhanh, năm 2020 ước đạt trên 229 nghìn tỷ đồng, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và đứng thứ ba cả nước. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng đột phá và khá bền vững, năm 2020 dự kiến thu được 29 nghìn tỷ đồng, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và đứng thứ 11 trong cả nước. Cơ cấu các ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, vừa phù hợp với xu thế phát triển chung của cả nước, vừa khai thác, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Trong đó công nghiệp trở thành ngành trụ cột với hạt nhân là Khu kinh tế Nghi Sơn.
Du lịch phát triển đột phá đang dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nông nghiệp phát triển khá bền vững hướng tới sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả cao, là một trong những tỉnh có kết quả xây dựng nông thôn mới tốt nhất của cả nước. Môi trường đầu tư kinh doanh dần dần được cải thiện.
Với vai trò, vị thế, tiềm năng, thế mạnh và những thành tựu to lớn về mọi mặt mà Thanh Hóa đạt được trong chặng đường vừa qua, theo đề nghị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa, Bộ Chính trị đã đồng ý cho lập Đề án Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, giao Ban Chỉ đạo 218 Trung ương, mà cơ quan thường trực là Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và tỉnh Thanh Hóa triển khai xây dựng và hoàn thiện Đề án.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo 218 Trung ương nhấn mạnh, Thanh Hóa có vị trí địa chính trị, địa kinh tế và ví trí chiến lược về an ninh quốc phòng của đất nước. Trên cơ sở đánh giá một cách toàn diện mọi tiềm năng, thế mạnh của Thanh Hóa, Bộ Chính trị nhận thấy Thanh Hóa có điều kiện vươn lên phát triển mạnh mẽ, thực sự trở thành động lực không chỉ để phát triển cho khu vực Bắc Trung Bộ, miền Trung và có tác động lan tỏa cho cả nước, mà còn góp phần quan trọng đảm bảo quốc phòng, an ninh, quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Nhằm giúp Thanh Hóa khai thác mọi tiềm năng, lợi thế để có bước phát triển đột phá trong giai đoạn tới, Bộ Chính trị chỉ đạo xây dựng Nghị quyết về phát triển Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045. Đây là tỉnh đầu tiên trong cả nước được Bộ Chính trị chọn ban hành Nghị quyết, ngoài các thành phố lớn: Hà Nội, Hải Phòng, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã có những bài phát biểu tham luận quan trọng nhằm phân tích rõ tiềm năng, thế mạnh, cũng như cơ hội để tạo động lực cho Thanh Hóa phát triển trong tương lai.
Các nhà khoa học đã tập trung phân tích về quan điểm và giải pháp lớn phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, thực trạng và giải pháp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2025; vấn đề tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đẩy mạnh phát triển du lịch Thanh Hóa đến năm 2030, tạo tiền đề để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn ở giai đoạn 2031-2045; tiềm năng thế mạnh và định hướng phát triển kinh tế biển tỉnh Thanh Hóa; một số giải pháp lớn nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chiều cùng ngày, Ban Chỉ đạo 218 Trung ương tổ chức Hội nghị lần 2 xây dựng Đề án. Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí , Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình ghi nhận và đánh giá cao về sự chuẩn bị nghiêm túc và có trách nhiệm của tỉnh Thanh Hóa và sự tham gia tích cực của các bộ, ngành liên quan cho buổi làm việc.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Trên cơ sở đánh giá một cách toàn diện mọi tiềm năng, thế mạnh của Thanh Hóa, Bộ Chính trị nhận thấy Thanh Hóa có điều kiện vươn lên phát triển mạnh mẽ, thực sự trở thành động lực không chỉ để phát triển cho khu vực Bắc Trung Bộ, miền trung và có tác động lan tỏa cho cả nước, mà còn góp phần quan trọng đảm bảo quốc phòng, an ninh, quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế.