Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ Công Thương phối hợp với VCCI hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua dịch Covid-19

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 7/5, Bộ Công Thương và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ký kết chương trình phối hợp hoạt động.

Phát biểu tại lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, thời gian qua, VCCI đã thể hiện được vai trò là một tổ chức có uy tín, tham mưu cho Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế, kinh doanh, và đại diện để bảo vệ quyền lợi và xúc tiến hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam trong điều kiện tiếp tục hoàn thiện thể chế thị trường, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.
“Sự phối hợp, đồng hành của VCCI với Bộ Công Thương là nền tảng quan trọng cho sự đồng thuận và lan tỏa kịp thời tinh thần chỉ đạo, các chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến cộng đồng DN. Đồng thời cũng là một kênh thông tin vô cùng quan trọng giúp các Bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương có cơ hội được trao đổi, đánh giá trong quá trình tham mưu xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật. Đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế của chúng ta đang bước vào một “trạng thái bình thường mới” với nhiều khó khăn và thách thức cho người dân và DN, với tinh thần quyết tâm cao để thực hiện tốt, có hiệu quả các chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
 Bộ Công Thương ký kết hợp tác với VCCI giúp DN vượt qua dịch Covid-19

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết, thông qua thỏa thuận hợp tác này, 2 đơn vị sẽ đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại và đầu tư, qua đó hỗ trợ DN tiếp cận, tham gia trực tiếp vào hoạt động tái cấu trúc các chuỗi cung ứng, sẽ mang lại lợi ích lớn cho nền kinh tế và cộng đồng DN.
Chương trình phối hợp giữa Bộ Công Thương và VCCI bao trùm với 3 trụ cột hành động chính: Hoạt động xây dựng, hoàn thiện, tuyên truyền, phổ biến thể chế, pháp luật, điều ước quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại; Bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của DN; Tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo.
Để cụ thể hóa các trụ cột này, chương trình cũng đã chỉ rõ một loạt các hoạt động rất cụ thể trong các ngành, lĩnh vực của ngành Công Thương như công nghiệp, thương mại trong nước, thương mại quốc tế, cạnh tranh, quản lý thị trường, năng lượng và hội nhập kinh tế quốc tế. Chương trình cũng nêu rõ quyền, nghĩa vụ của hai bên trong thực hiện các hoạt động cũng như nêu rõ hai bên sẽ cụ thể hóa hơn nữa, có trọng tâm, trọng điểm các hoạt động theo chương trình công tác từng năm.