Ngày 4/11, sau phần thảo luận của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cảm ơn các đại biểu Quốc hội đã dành sự quan tâm sâu sắc cho ngành giáo dục, vấn đề phát triền nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước…
Các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến thảo luận, tranh luận rất sâu sắc, thực tế với những luận giải sắc bén liên quan đến vấn đề về: sức khỏe của học sinh; việc phân luồng; nghiên cứu khoa học trong trường đại học, sách giáo khoa, trẻ em tự kỷ; tài liệu giáo dục địa phương; phát triển tiếng Anh; quy hoạch giáo dục…
Liên quan đến nội dung đào tạo nhân lực chất lượng cao cho các ngành nghề mới nổi, các ngành công nghệ kỹ thuật mũi nhọn mà các đại biểu đề cập, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: trong bối cảnh nền kinh tế với tỷ trọng các doanh nghiệp FDI khá lớn, đặc điểm của doanh nghiệp FDI là thường sẽ đem theo những lĩnh vực mới vào Việt Nam và việc chúng ta đã chuẩn bị được đầy đủ nguồn nhân lực hay chưa vẫn luôn là câu hỏi khó trả lời.
“Cần phải phân tích hết được những khó khăn của việc đào tạo nhân lực đáp ứng cho các doanh nghiệp FDI. Kế hoạch và sự chủ động trong tương lai cần phải tăng lên thì mới có thể đáp ứng được” - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết.
Đối với vấn đề tháo gỡ khó khăn cho các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên sau sáp nhập mà đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre) đề cập, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn thừa nhận, đây là vấn đề khó khăn, vướng mắc đang có thực.
Bộ trưởng cho biết, hiện nay cả nước có 92 trung tâm thuộc quản lý của Sở GD&ĐT; có 526 trung tâm do Sở LĐTB&XH hoặc UBND quận, huyện, thị xã quản lý.
Về vấn đề chủ thể quản lý, điều hành hiện nay đang rất đa dạng. Trong các văn bản quy định hiện nay, có Thông tư 39 quy định về quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên; Luật Giáo dục ra đời lại quy định về chức năng, nhiệm vụ quản lý. Theo đó, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 01 để làm căn cứ pháp lý để quản lý hệ thống các trung tâm này, tuy nhiên vẫn còn một số điểm vướng.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với Bộ LĐTB&XH để xử lý vấn đề liên quan đến Thông tư 39.
Bên cạnh đó đề xuất với Chính phủ sửa sửa đổi Nghị định 127/2018/NĐ-CP của Chính phủ năm 2018 quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục, trong đó xem xét trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp trực thuộc đầu mối nào thì hợp lý.
Liên quan đến việc phân bổ, hướng nghiệp cho học sinh theo Quyết định số 522/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ năm 2018 phê duyệt Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: hiện nay học sinh phải đối mặt với sức ép rất lớn khi thi vào lớp 10. Do vậy, đã đến lúc chúng ta cần phải đánh giá một cách đầy đủ sau một thời gian triển khai Quyết định này thì mức độ phù hợp còn đến đâu. Bởi đây là căn cứ mà rất nhiều địa phương dựa vào.
Liên quan đến vấn đề in ấn và phát hành sách giáo khoa, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, trong thời gian qua, ngành giáo dục đã chấn chỉnh và xử lý những trường hợp liên quan đến lợi ích nhóm trong việc in ấn, phát hành sách; đồng thời nhấn mạnh, Bộ GD&ĐT sẵn sàng tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý triệt để vấn đề này.
Trước đó, phát biểu thảo luận tại hội trường, đại biểu Lò Thị Luyến (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên) cho biết, chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 được triển khai thực hiện đã gần 4 năm. Tuy nhiên, việc in ấn, phát hành sách giáo khoa còn nhiều hạn chế. Còn nhiều địa phương chưa in, phát hành được tài liệu giáo dục địa phương, học sinh được gửi bằng bản PDF trên thiết bị hoặc tự in từ bản PDF để học.
Đại biểu cho rằng, nguyên nhân của vấn đề trên là do vướng mắc về xác định bản quyền, thẩm định giá và đấu thầu in ấn, phát hành. Nội dung này đã được Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội năm 2019 chỉ ra và đến nay vẫn chưa giải quyết được.
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc in ấn, phát hành tài liệu giáo dục, địa phương cần một quy trình đơn giản cho các địa phương để triển khai thực hiện, đại biểu cho rằng: nếu cứ áp dụng các quy định của hệ thống Luật, Nghị định, Thông tư thì trong nhiều năm tới vẫn chưa tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc liên quan đến nội dung này.