Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Tờ trình đưa ra 2 loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất đề nghị bổ sung biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm” và dự thảo Luật thể hiện theo loại ý kiến này). Loại ý kiến thứ hai đề nghị quy định biện pháp này là biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý xử lý vi phạm hành chính.
|
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long. Ảnh: Quốc hội |
Vấn đề này, trong cơ quan thẩm tra là Ủy ban Pháp luật cũng còn có ý kiến khác nhau. Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng cho biết, nhiều ý kiến tán thành với loại ý kiến thứ hai, bổ sung biện pháp “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm” là biện pháp ngăn chặn đối với hành vi vi phạm hành chính, trong đó điện, nước được sử dụng làm công cụ, phương tiện vi phạm hành chính.
Quy định như vậy là bảo đảm đúng bản chất của biện pháp, tương xứng với hành vi vi phạm, tương tự như biện pháp tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính quy định tại Điều 125 của Luật XLVPHC, góp phần bảo đảm nguyên tắc “mọi hành vi vi phạm phải được ngăn chặn kịp thời”.
Hơn nữa, quy định như vậy cũng là luật hóa biện pháp ngừng cung cấp điện, nước đã từng được quy định ở văn bản dưới luật như ở Nghị định số 180/2007/NĐ-CP ngày 07/12/2027 để đình chỉ thi công công trình xây dựng trái phép.
Mặt khác, điện, nước là nhu cầu thiết yếu của mọi người, là “nguyên liệu” quan trọng của hoạt động sản xuất, kinh doanh nên việc ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước như một biện pháp cưỡng chế để buộc cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải thực hiện quyết định xử phạt (nộp tiền phạt) là chưa phù hợp, không tương xứng, làm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh của cá nhân, tổ chức, nhất là khi điện, nước không phải là công cụ, phương tiện vi phạm.
Luật XLVPHC hiện hành cũng đã quy định nhiều biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính có tính “trực tiếp” để thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC; cơ bản nhất trí với phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật XLVPHC hiện hành, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng ngừa, đấu tranh xử lý vi phạm hành chính (VPHC) trong tình hình mới; đồng thời tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và tương thích với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Ủy ban Pháp luật nhận thấy, về cơ bản các nội dung của dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, tính thống nhất với hệ thống pháp luật và tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
|
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. |
Bên cạnh đó, đây là dự án Luật có tính chất phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, quyền con người, quyền cơ bản của công dân đã được Hiến pháp, nhiều văn bản luật khác quy định và cam kết trong các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Do vậy, đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ các quy định của dự thảo Luật, nhất là các nội dung liên quan đến đối tượng, trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp xử lý hành chính; hình thức xử phạt, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử phạt VPHC, áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý VPHC, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt… (được nêu cụ thể trong các mục dưới đây) nhằm bảo đảm chặt chẽ, khả thi và thống nhất với quy định của các luật có liên quan.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị đầy đủ các loại tài liệu theo quy định và được gửi đến đúng thời hạn; quá trình xây dựng dự án Luật được thực hiện đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Về việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người sử dụng trái phép chất ma túy và nghiện ma túy, Ủy ban Pháp luật tán thành cần sửa đổi, bổ sung quy định về xử lý hành vi sử dụng trái phép chất ma túy và xử lý vi phạm hành chính đối với người nghiện ma túy (bao gồm đối với cả người dưới 18 tuổi và người từ đủ 18 tuổi trở lên) để khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn mà nhiều địa phương đã phản ánh, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy theo Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với Luật Phòng, chống ma túy và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Về mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành việc bổ sung quy định về mức phạt tiền tối đa của một số lĩnh vực, sửa đổi tên của một số lĩnh vực như quy định của dự thảo Luật; nâng mức phạt tiền tối đa của một số lĩnh vực để bảo đảm tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của nhóm hành vi vi phạm trong lĩnh vực đó, tăng cường tính răn đe, phòng ngừa, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác quản lý nhà nước như đề cập trong Tờ trình và các tài liệu khác trong hồ sơ dự án Luật; tuy nhiên, đề nghị rà soát để tránh chồng chéo về phạm vi của các lĩnh vực.
Ủy ban Pháp luật cũng tán thành với dự thảo Luật bổ sung trường hợp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC (bổ sung điểm b khoản 1 Điều 86), cụ thể hơn một số quy định về thi hành quyết định cưỡng chế (sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 88). T
uy nhiên, đề nghị chỉnh lý quy định tại khoản 2a Điều 88 về việc cưỡng chế thi hành hình thức tịch thu tang vật, phương tiện VPHC và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt VPHC để bảo đảm thống nhất, tương tự như việc tịch thu tang vật, phương tiện VPHC và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt VPHC tại khoản 1 Điều 74; tiếp tục rà soát về thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế (khoản 1 Điều 87) để bảo đảm hiệu lực và tính khả thi trong việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC, nhất là trong trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm chống đối cần huy động lực lượng, phương tiện để thi hành quyết định cưỡng chế.
Về thủ tục áp dụng biện pháp xử lý hành chính, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với dự thảo Luật.
Bên cạnh đó, đề nghị không nên giảm thời gian, số ngày đọc hồ sơ của người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc người đại diện hợp pháp của họ (khoản 4 Điều 97, khoản 3 Điều 99, khoản 3 Điều 101 và khoản 2 Điều 103) để bảo đảm hiệu quả của cơ chế giám sát, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
Đối với những quy định đối với người dưới 18 tuổi VPHC, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật đánh giá cao việc bổ sung quy định về việc áp dụng biện pháp thay thế xử lý hành chính “giáo dục dựa vào cộng đồng” để bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em, người chưa thành niên, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Bên cạnh đó, Ủy ban Pháp luật nhận thấy Bộ luật Hình sự đã bổ sung quy định trong một số trường hợp người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự và chỉ bị áp dụng biện pháp khiển trách, hòa giải tại cộng đồng hoặc biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn (khoản 2 Điều 91 của Bộ luật Hình sự).
Dự thảo Luật chưa có sự thay đổi tương ứng dẫn đến trong một số trường hợp người VPHC có thể phải chịu trách nhiệm nặng hơn người có hành vi phạm tội hình sự, chưa tạo sự đồng bộ, nhất quán trong chính sách hành chính - hình sự… Do đó, đề nghị rà soát để bổ sung một số trường hợp được áp dụng biện pháp thay thế xử lý VPHC để vừa bảo đảm đồng bộ, nhất quán về chính sách hành chính - hình sự, vừa góp phần bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, trên cơ sở Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Ủy ban Pháp luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.