Gia tăng cảnh báo về gian lận xuất xứ hàng Việt
ĐB Mai Sỹ Diến (đoàn Thanh Hóa) cho rằng, cử tri có quyền đặt câu hỏi trước Chính phủ và các bộ, ngành về việc mua bán, tàng trữ hàng hóa, gian lận về xuất xứ, giả về chất lượng, thương hiệu, buôn lậu, trốn thuế, lừa dối người tiêu dùng, chung chuyển hàng hóa ở Việt Nam hiện nay đang ở mức độ nào? Đã đến mức phải rung chuông cảnh báo cho người tiêu dùng và các cơ quan chức năng hay chưa?
Đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến của ĐB Quốc hội, không để xảy ra tình trạng thiếu hụt điện cho sản xuất, kinh doanh. Năm 2020, hoàn thành Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (Quy hoạch Điện VIII) và Quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia bảo đảm phát triển cân đối giữa các vùng, miền, cân đối giữa nguồn và phụ tải. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân |
Bên cạnh đó, theo ĐB, dư luận cho rằng các DN có vốn đầu tư, làm ăn liên doanh, liên kết với các DN ở các nước đang bị Mỹ, EU trừng phạt về mặt thương mại sẽ lợi dụng thị trường, chính sách xuất khẩu của Việt Nam. Điều này dẫn đến hệ lụy là Việt Nam sẽ trở thành nạn nhân bị các nước điều tra, áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế tự vệ, thuế trợ cấp, làm thiệt hại trực tiếp đến các DN trong nước làm ăn chân chính, giảm uy tín của thương hiệu hàng Việt trên thị trường quốc tế.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, hiện nay chúng ta đang thực thi hàng loạt các quy định của luật pháp liên quan đến tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong nước và trong hoạt động xuất, nhập khẩu. Trong đó giao trách nhiệm cho các DN, các nhà sản xuất tự kê khai, ghi nhãn mác cũng như phần xuất xứ hàng hóa. Chính điều đó đã làm xuất hiện những hành vi gian lận thương mại, gian lận xuất xứ, lừa dối người tiêu dùng như vụ Khaisilk…
Vì vậy, năm 2018, Bộ Công Thương đã chủ động đề xuất với Thủ tướng xây dựng một văn bản pháp quy hướng dẫn cụ thể việc ghi chứng nhận xuất xứ cho các sản phẩm hàng hóa sản xuất tại Việt Nam và lưu thông tại thị trường trong nước. Bộ trưởng Bộ Công Thương nhìn nhận, đây là một việc khó nên sẽ xin ý kiến của các bộ, ngành và các chủ thể trong hoạt động này nhằm xây dựng Thông tư dưới hình thức mở. Trong đó, vấn đề đặt ra đối với Thông tư này là cơ sở nào để tạo ra giá trị gia tăng hữu ích, đảm bảo quá trình hội nhập và phát triển bền vững.
Nếu không quyết liệt, sẽ có nguy cơ thiếu điện
Tại phiên chất vấn, các dự án điện trong lĩnh vực năng lượng cũng là chủ đề được nhiều ĐB Quốc hội quan tâm. Đáng chú ý, ĐB Vũ Thị Lưu Mai (đoàn TP Hà Nội) đề cập đến vấn đề độc quyền trong truyền tải điện. Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, Bộ đang kiến nghị Chính phủ nghiên cứu phương án giải quyết những tồn tại của hệ thống truyền tải điện khi vốn phụ thuộc quá lớn vào nguồn ngân sách và nguồn lực của Tập đoàn Điện lực quốc gia.
Trong 15 phút báo cáo làm rõ thêm một số vấn đề, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhắc đến trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng trong việc đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội. Phó Thủ tướng cũng đề cập đến cơ cấu nguồn điện đã có sự thay đổi rất nhanh dẫn đến việc điều chỉnh quy hoạch, nếu không sẽ khó đáp ứng yêu cầu đủ điện cho sản xuất. Hiện nay, có khoảng 60 dự án đang đầu tư, trong đó có 35 dự án công suất từ 200 MW trở lên chậm tiến độ từ 1 đến 5 năm, thậm chí có dự án còn chậm kéo dài hơn nữa với tổng công suất khoảng 39.000 MW, sẽ dẫn đến nguy cơ thiếu điện từ năm 2019. Do đó, Thủ tướng đã quyết định điều chỉnh quy hoạch điện nhằm bổ sung thêm các nguồn điện. Trong đó, đặc biệt là nguồn điện tái tạo và các nguồn điện khác để bù đắp sự thiếu hụt này, điển hình là nguồn điện mặt trời, điện gió.