Sáng 27/5, trao đổi với phóng viên bên lề kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, ông đã có chỉ đạo, yêu cầu kiểm tra tất cả các địa bàn có phản ánh của báo chí, dư luận về tình trạng cửa hàng xăng dầu treo biển “hết xăng”. Qua đó làm rõ việc này do thiếu hay găm hàng.
Bộ trưởng Công Thương cũng cho biết, sẽ phải làm việc lại ngay với doanh nghiệp đầu mối, kiểm tra tại nguồn và hợp đồng giữa doanh nghiệp đầu mối với doanh nghiệp phân phối, đại lý, theo nguyên tắc đảm bảo cung ứng, lưu thông phân phối hàng hoá.
Trước đó, báo chí đưa tin một cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn Hà Đông, Hà Nội đặt tấm biển báo “hết xăng”. Không ít người dân phải quay xe đi ra mà không hiểu vì sao. Chủ DN bán lẻ xăng dầu tại đây cho biết hiện cửa hàng chỉ còn một ít dầu để bán nốt, nếu không cũng đóng cửa cho nhân viên nghỉ do khó khăn trong việc nhập xăng dầu diễn ra nhiều ngày trở lại đây.
Công ty đã nhận được thông báo kể từ hôm nay ngày 26/5, chiết khấu về mức 0 đồng, tức là sau khi trừ đi chi phí, DN sẽ lỗ.
DN này đang nhập xăng dầu từ đơn vị phân phối là Công ty Cổ phần Xăng dầu HFC. Trả lời báo chí, đại diện Công ty Cổ phần Xăng dầu HFC cho biết thực tế đang có rất nhiều bất cập trong vấn đề nguồn cung xăng dầu ra thị trường thời điểm hiện nay.
Trả lời báo chí ngày 27/5, ông Trần Duy Đông- Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - hiện nhu cầu sử dụng xăng dầu sau thời gian cách ly xã hội đối với các hoạt động kinh doanh, sản xuất, tiêu dùng tại thị trường nội địa tăng mạnh. Trong khi đó, các nhà máy lọc dầu trong nước và quốc tế lại đang cắt giảm công suất, tận dụng thời gian dịch bệnh để thực hiện việc bảo dưỡng khiến nguồn cung xăng dầu giảm.
Trước tình hình nêu trên, Bộ Công Thương đã có nhiều văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu cung cấp đủ hàng. 2 nhà máy lọc dầu là Bình Sơn và Nghi Sơn cũng được yêu cầu cung ứng đủ hàng ra thị trường.
“Sau khi nhận được phản ánh tại một số cửa hàng thiếu xăng dầu tại một số địa bàn như Đắk Lắk, Hải Dương, Bắc Giang, Vụ Thị trường trong nước đã làm việc với các thương nhân đầu mối để bổ sung hàng tại địa phương và có phương án điều hàng ngay từ các đầu mối hoạt động tại các địa phương khác phục vụ cho tiêu dùng và sản xuất”- ông Trần Duy Đông nhấn mạnh.
Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, nguồn cung xăng dầu để cung cấp cho tiêu dùng, cho sản xuất từ các nhà máy lọc dầu trong nước cũng như các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu là đầy đủ. Người tiêu dùng yên tâm và nếu bất kỳ một cửa hàng xăng dầu nào nếu có hiện tượng găm hàng hoặc thiếu hàng, Bộ Công Thương sẽ có phương án xử lý.