Ông Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, Chính phủ hành động là nói đi đôi với làm và luôn có kiểm tra, giám sát.
Lắng nghe, thấu hiểu và tháo gỡ
PV: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ thông điệp xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động và phát triển. Xin Bộ trưởng nói rõ hơn về nội hàm các khái niệm này?
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Tư duy của Chính phủ kiến tạo trước hết là rà soát toàn bộ cơ chế chính sách, hành lang pháp lý để hoàn thiện thể chế, tạo sự đồng bộ theo hướng loại bỏ rào cản, bức xúc, tháo gỡ khó khăn cho người dân, tạo môi trường thuận lợi đầu tư kinh doanh.
Ông Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ |
Từ khi Thủ tướng nhận nhiệm vụ, các phiên họp Chính phủ đặt nhiệm vụ đầu tiên về xây dựng thể chế. Trước đây văn bản nợ nhiều nhưng Chính phủ mới chỉ trong hơn 3 tháng đã ban hành 89 Nghị định. Có Luật được ban hành từ năm 2015 nhưng đến vừa qua mới xây dựng được văn bản chi tiết hướng dẫn.
Chính phủ quản lý, điều hành đất nước phải theo luật và trong thực thi công vụ là tinh thần phục vụ, tạo sự thân thiện, lắng nghe, thấu hiểu.
Chính phủ hành động là nói đi đôi với làm và phải luôn có người kiểm tra, giám sát. Thủ tướng nhắc chúng tôi rằng chúng ta làm gì dân cũng biết nên phải gương mẫu ở bất cứ nơi nào, vị trí nào.
Thủ tướng muốn tạo sự đồng thuận, đoàn kết, thống nhất cao trong Chính phủ để làm chuyển động cả hệ thống hành chính các cấp. Tất nhiên làm việc gì cũng cần lộ trình, thời gian nhưng tinh thần là sẽ chủ động, sáng tạo, quyết liệt, không nề hà khó khăn và trong hoàn cảnh nào cũng bình tĩnh, tự tin.
PV: Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ mới hoạt động 4 tháng nhưng đã tạo hiệu ứng tích cực. Xin Bộ trưởng cho biết, hoạt động của Tổ Công tác có ý nghĩa như thế nào trong xây dựng Chính phủ hành động?
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Tổ công tác là điểm mới, sáng tạo của Thủ tướng khi điều hành. Từ quan điểm muốn xây dựng một Chính phủ hành động, Thủ tướng muốn có một tổ công tác trực tiếp giúp cho Thủ tướng nắm bắt các Bộ ngành, địa phương nói và làm như thế nào khi thực hiện nhiệm vụ được giao.
Ngày 19/8/2016, Thủ tướng có quyết định thành lập Tổ công tác với cơ cấu rất gọn. Hoạt động của Tổ công tác bước đầu tạo chuyển biến tích cực, thể hiện ở tỉ lệ nhiệm vụ tồn đọng quá hạn giảm rất nhanh. Vào thời điểm cuối tháng 7/2016, số nhiệm vụ tồn động quá hạn là 17% nhưng đến tháng 10 con số này chỉ còn 3,56% và đến tháng 11 còn 3,2%.
Quan trọng nhất là nó có sự lan toả khi các Bộ, ngành địa phương có tổ công tác của Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh, thành phố theo dõi việc thực hiện nhiệm vụ. Qua đó tạo ý thức tốt về vấn đề trách nhiệm, kỷ luật kỷ cương và tác phong, lề lối làm việc.
Tổ công tác mang tính kiểm tra nhưng đằng sau đó mang tính hỗ trợ nhiều hơn. Kiểm tra để phát hiện ra vấn đề nhưng cùng với đó có sự phối hợp để tháo gỡ chứ không kiểm tra theo nghĩa vạch vòi, bới lông tìm vết. Qua kiểm tra cũng thấy có việc VPCP có lỗi ở khâu nào đó thì quay lại kiểm tra, khắc phục, đúng với tinh thần Chính phủ kiến tạo, hành động.
PV: Phải chăng vì Chính phủ mới nên cần thiết lập Tổ công tác để đôn đốc và Tổ Công tác sẽ tồn tại trong bao lâu, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Theo tôi không hẳn do Chính phủ mới hay cũ. Cái yếu của mình là khâu thực hiện, nếu không có người giám sát, đôn đốc thì thời gian cứ trôi đi, khó đạt hiệu quả. Kiểm tra mới phát hiện có cơ chế, chính sách ban hành chưa hợp lý, khó đi vào cuộc sống.
Hiệu quả hay không là ở công tác tổ chức thực hiện. Như Thủ tướng nói là tránh tình trạng “bắn chỉ thiên”. Ở hội nghị thì phát biểu tung hoả mù rồi để đó; cứ nói tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường, nâng cao nhưng chẳng nâng cao được cái gì, cuối cùng đánh giá bình xét thì ai cũng tốt cả.
Có thể nói, chỉ đạo của Thủ tướng và những việc làm của Chính phủ đã tạo cho doanh nghiệp và người dân niềm tin và kỳ vọng.
“Tốt nói tốt, chưa được thì nói chưa được”
PV: Trên cương vị Tổ trưởng Tổ Công tác, bản thân ông chắc cũng gặp nhiều áp lực?
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Sức ép rất lớn! Khi kiểm tra mà có hàng chục cơ quan báo chí góp mặt thì có lẽ chưa có tiền lệ. Nhiều người thắc mắc, tôi nói tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là phải minh bạch nên phải có báo chí, chứ kiểm tra mà đóng cửa bảo nhau thì còn gọi gì là kiểm tra.
Tốt nói là tốt, chưa được thì nói chưa được, còn khiếm khuyết thì phải thẳng thắn nhìn nhận. Không phải đi kiểm tra trước mặt nịnh nhau nhưng ra ngoài nói với báo chí thì lại đùn đẩy, né tránh.
Sức ép lớn nhất là làm sao để các Bộ, ngành, địa phương hiểu rằng đây là công việc chung vì đất nước. Cái quan trọng nhất để đánh giá được giá trị của Tổ Công tác là khi xuống kiểm tra phải hỗ trợ, xử lý được nhiều vấn đề; truyền đạt ý kiến Thủ tướng để tạo sự chuyển động và phải có tháo gỡ chứ đừng đặt Tổ công tác hơn ông nọ, ông kia.
Hàng tháng Tổ đều họp đánh giá rút kinh nghiệm; khi đến làm việc thì các thành viên Tổ công tác phải nghiên cứu trước, tránh việc nói không có trọng lượng.
PV: Là người hàng ngày tiếp xúc với Thủ tướng, Bộ trưởng có thể chia sẻ những vấn đề Thủ tướng hay trao đổi như sự chuyển biến ở cơ sở hay có những việc tưởng chừng như rất nhỏ?
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Là cơ quan giúp việc cho Thủ tướng và với trách nhiệm cá nhân, ngoài việc thường xuyên báo cáo, tranh thủ xin ý kiến thì cũng có những trao đổi như báo chí phản ánh chỗ này, chỗ khác vẫn còn cửa quyền, hống hách, gây phiền nhiễu…
Từ vụ quán cà phê Xin Chào ở TP.HCM, đến việc cán bộ đánh nhân viên hàng không ở sân bay Nội Bài, có ý kiến nói đó là việc nhỏ nhưng thật ra không phải nhỏ đâu. Người đứng đầu Chính phủ nghe báo chí phản ánh như thế mà không chỉ đạo thì chuyện này người ta làm được, chuyện khác cũng làm được dẫn đến xã hội thiếu sự công bằng, kỷ cương không nghiêm. Liên quan đến quyền lợi của người dân, việc nhỏ cũng thành việc to.
PV: Nhiều ý kiến trên diễn đàn Quốc hội cho rằng ở Trung ương có chuyển động mạnh nhưng cần lan tỏa tới địa phương mới tạo sự đồng bộ, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Sự chuyển động từ Trung ương đến tận xã, phường không thể một chốc, một lát nhưng chắn chắn sẽ chuyển động vì Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội đều yêu cầu siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nhất là đề cao trách nhiệm người đứng đầu.
Tư duy trước đây ông hiền lành sẽ đạt phiếu cao thì bây giờ khác hoàn toàn, tức ông không làm, không năng động, không va chạm gì thì phiếu không cao đâu. Đánh giá bây giờ là bằng công việc, hiệu quả chứ không bằng cảm tính.
Quan trọng phải chuyển động cả hệ thống chính trị chứ không chỉ hệ thống cơ quan hành chính Nhà nước. Tôi tin rằng, khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, gắn với trách nhiệm người đứng đầu thì sự chuyển động sẽ đến cơ sở.
PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!.
“Có lúc phải thể hiện quan điểm theo trách nhiệm nên không tránh khỏi va chạm. Quan trọng là đừng tư lợi, đừng biến khó khăn chỗ này mang sang chỗ khác” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng. |