Ông Zarif đã chào đón người đồng cấp phía Triều Tiên và phái đoàn ngoại giao tại Tehran nhưng không có tuyên bố nào được đưa ra.
Trong chuyến thăm 2 ngày đến Tehran, Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên sẽ hội kiến với Tổng thống Hassan Rouhani.
Truyền thông Iran đưa tin, hai bên đã thảo luận về "quan hệ song phương và các vấn đề khu vực ở Trung Đông", mà không đưa ra thêm chi tiết.
Chuyến thăm này diễn ra đúng ngày Mỹ tái áp dụng biện pháp trừng phạt đối với Iran sau khi Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân hồi tháng 5. Thỏa thuận 6 bên đạt được năm 2015 dưới thời Tổng thống Barack Obama được xem là giải pháp để ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân.
Quyết định của Washington được coi là gây chia rẽ lớn quan hệ xuyên Đại Tây Dương khi các đồng minh châu Âu của Washington vẫn ủng hộ thỏa thuận với Iran và tuyên bố sẽ không rút khỏi, dù có thể bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Mỹ hiện cũng đang tạo sức ép với Bình Nhưỡng nhằm loại bỏ năng lực hạt nhân của nước này sau khi Tổng thống Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã thỏa thuận cam kết về việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên tại hội nghị thượng đỉnh giữa 2 nhà lãnh đạo vào ngày 12/6.
Một nhóm chuyên gia của Liên Hợp Quốc đã bày tỏ lo ngại về sự hợp tác quân sự giữa Iran và Triều Tiên trong quá khứ.
Trong một báo cáo năm 2017, LHQ ghi nhận sự hiện diện của những người buôn vũ khí Triều Tiên ở Tehran và sự tương đồng giữa thiết kế tên lửa ở hai nước.
Một phái đoàn của Triều Tiên cũng đã tham dự lễ nhậm chức của Tổng thống Hassan Rouhani vào tháng 8/2017.
Quan chức này cho biết Mỹ đang lên kế hoạch tái áp dụng nhiều biện pháp mạnh tay hơn chống Iran, cụ thể là nhắm vào hoạt động xuất khẩu dầu, dự kiến bắt đầu vào tháng 11. Phía Mỹ cũng nói đã có 100 tập đoàn quốc tế đã đồng ý sẽ rời Iran sau lệnh cấm vận mới. Washington cũng sẽ vận động để tiến tới "không nước nào nhập khẩu dầu từ Tehran".