Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Rất lo ngại nếu những ngày tới có mưa lớn

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 25/7, Bộ trưởng, Trưởng ban chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường chủ trì cuộc họp khẩn ứng phó diễn biến mưa lũ được nhận định là rất phức tạp trong thời gian tới.

Bộ trưởng, Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại cuộc họp.

Thông tin tại cuộc họp, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Hoàng Đức Cường cho biết, từ chiều tối và đêm nay (25/7) đến ngày 26/7 ở Bắc Bộ và tỉnh Thanh Hóa sẽ có mưa rào và dông nhiều nơi; khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa to, trọng tâm mưa to tập trung ở các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Hòa Bình, Yên Bái, Lai Châu (50 - 100mm/ngày). Từ ngày 27/7, mưa lớn ở vùng núi và trung du Bắc Bộ có xu hướng mở rộng xuống các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ và có khả năng kéo dài đến đầu tháng 8.
Cơ quan khí tượng cảnh báo, từ ngày 25 - 27/7, trên thượng lưu hệ thống sông Hồng - Thái Bình sẽ xuất hiện 1 đợt lũ với biên độ lũ lên trên các sông như sau: Trên thượng lưu sông Đà, sông Thao từ 2 - 3m; thượng lưu sông Thái Bình từ 1 - 2m; thượng lưu sông Lô từ 3 - 5m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên sông Thao, sông Lô ở mức BĐ1 - BĐ2. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại Lai Châu, Yên Bái, Hòa Bình, sau đó mở rộng ra Sơn La, Điện Biên, Hà Giang, Bắc Kạn.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng, Trưởng ban chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường đã đưa ra những cảnh báo về hậu quả thiên tai có thể xảy đến với diễn biến mưa được nhận định như trên. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, kinh nghiệm cho thấy, sau những đợt nắng nóng sẽ có mưa lớn, do đó các địa phương cần hết sức chú ý. Hiện nay, rừng và đất rừng đã ngậm nước bão hòa, bất cứ nơi nào mưa 100 - 200mm đều sẽ rất nguy hiểm. Thêm nữa, ảnh hưởng thiên tai trong 3 năm vừa qua khiến lớp thực bì chưa bao giờ bị tổn thương như hiện nay, áo giáp sinh học đã bị tổn thương nghiêm trọng. Nhiều thiết chế hạ tầng bị quá tải, nhất là đê điều, hồ chứa thủy lợi. Tổng hòa những yếu tố trên cho thấy nguy cơ rất lo ngại nếu những ngày tới có mưa lớn.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cho rằng, những hậu quả thiên tai cộng dồn về đời sống, thiết chế hạ tầng do những đợt mưa lũ trước đến nay vẫn chưa kịp phục hồi thì nay lại đứng trước nguy cơ bị tác động. “Tình hình đang rất nguy hiểm. Nếu không chủ động ứng phó, có địa phương sẽ phải hứng chịu thảm họa thiên tai…” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Toàn cảnh cuộc họp chiều 25/7.
Trước dự báo về nguy cơ mưa lớn thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các bộ ngành, các địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa. Trong công tác thông tin, tuyên truyền, cần nhấn mạnh thêm những cách làm hay, có hiệu quả trong ứng phó với thiên tai để nhân rộng. “Kinh nghiệm chỉ ra, nơi nào chủ động ứng phó thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ thì thiệt hại sẽ được hạn chế đáng kể…”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói. Đồng thời, có kế hoạch phân công cho các thành viên ban chỉ đạo xuống cơ sở để đôn đốc.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị, Tổng cục Thủy lợi khẩn trương tổ chức đoàn rà soát, sẵn sàng phương án ứng phó nhất là với 83 hồ chứa xung yếu. Bộ Công Thương tổng kiểm tra 285 hồ thủy điện, phối hợp trong điều hòa vận hành đúng quy trình. Tất cả các điểm đê điều phải được bàn thảo kỹ lưỡng để có hướng quản trị và thực hiện các nhóm giải pháp chủ động ứng phó.
Bộ NN&PTNT tập trung phục hồi sản xuất, nhất là đối với lúa Mùa; trong đó, hướng dẫn quy trình chăm sóc phục hồi, chuẩn bị kịch bản đề phòng mưa lũ đợt tới, cân đối giống cây trồng phục vụ chuyển đổi sản xuất. Cùng với đó, Bộ Y tế chú ý vấn đề vệ sinh môi trường, cấp nước sạch, chăm sóc sức khỏe của người dân vùng bị ngập lũ…
Theo thống kê của Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai, từ đầu năm 2018 đến nay, cả nước xảy ra 14/21 loại hình thiên tai. Đặc biệt, lũ quét, sạt lở đất đã khiến 110 người chết và mất tích. Thiệt hại về kinh tế ước tính 3.600 tỷ đồng.