Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ trưởng và câu chuyện nhận trách nhiệm

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Câu trả lời đi thẳng vào trọng tâm câu hỏi với thái độ cầu thị, không trốn tránh trách nhiệm của Bộ trưởng đã nhận được sự đồng tình của cử tri cũng như nhiều ĐB Quốc hội.

Cách đây 3 năm, tại phiên chất Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, với lần đầu tiên trả lời trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã thẳng thắn thừa nhận tin nhắn rác, cuộc gọi rác đã và đang là vấn nạn gây nhiều phiền nhiễu cho người dân. Ông Hùng từng cam đoan, Bộ TT&TT cùng các nhà mạng sẽ sử dụng mọi cách, từ pháp lý cho đến kỹ thuật để hạn chế tối đa tình trạng này.

Hơn 1.000 ngày sau, tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV mới đây, Bộ trưởng Bộ TT&TT lại tiếp tục nhận được các câu hỏi với nội dung tương tự, có chăng chỉ là thay đổi về số liệu và người hỏi. Thậm chí, đại biểu (ĐB) Phạm Văn Hào (đoàn Đồng Tháp) còn hỏi thẳng: “Tại kỳ họp Quốc hội khóa XIV đã chất vấn Bộ trưởng về vấn đề sim rác, đến nay vẫn chưa xử lý được?”.

Trả lời ĐB, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thẳng thắn thừa nhận: “Việc xử lý còn chậm, tình trạng còn tồn tại mà người dân còn bức xúc, còn nhức nhối thì hiển nhiên Bộ trưởng, người đứng đầu Bộ TT&TT phải nhận trách nhiệm và tiếp tục cố gắng”. Câu trả lời đi thẳng vào trọng tâm câu hỏi với thái độ cầu thị, không trốn tránh trách nhiệm của Bộ trưởng đã nhận được sự đồng tình của cử tri cũng như nhiều ĐB Quốc hội. Đồng thời câu trả lời này cũng như một tuyên bố chắc chắn của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng rằng cuộc chiến với vấn nạn tin nhắn rác, cuộc gọi rác sẽ không dừng lại, chí ít là trong nghiệm kỳ của mình.

Trên thực tế, trong suốt 3 năm trở lại đây, Bộ TT&TT cũng thể hiện thái độ rất quyết liệt với vấn nạn trên. Theo đó, 22 triệu thuê bao không có đầy đủ thông tin đã bị xóa khỏi hệ thống. Các nhà mạng đang thực hiện chuẩn hóa, xác thực thông tin thuê bao với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dự kiến sẽ hoàn thành vào đầu năm 2023. Nếu xong, sim rác và tin nhắn rác sẽ được giải quyết căn bản.

Song song với đó, Bộ TT&TT cũng đã công bố số điện thoại để người dân nhắn tin, gọi điện phản ánh những cuộc gọi rác, từ đó chỉ đạo nhà mạng xử lý hoặc chuyển sang Bộ Công an. Các nhà mạng phát triển và đưa vào sử dụng công nghệ phát hiện, xử lý cuộc gọi rác, từ đó mỗi tháng đã chặn khoảng 30.000 - 40.000 sim phát tán thông tin rác. Đối với nhà mạng, Bộ TT&TT đã tổ chức thanh tra toàn diện và nhắc nhở cụ thể cũng như xem xét trách nhiệm của từng đơn vị. Bộ có công văn nhắc nhở trực tiếp từ Chủ tịch, Tổng Giám đốc của các DN viễn thông, nếu sai phạm lần thứ 3 sẽ xem xét trách nhiệm trực tiếp các vị trí này.

Tin nhắn rác, cuộc gọi rác đang là vấn nạn toàn cầu, không riêng gì với Việt Nam. Ở Mỹ, người dân nhận điện thoại rác hàng tháng gấp 3 lần nước ta. Do đó, nếu nói là xử lý triệt để sim rác với nghĩa là bằng 0 thì khó có thể làm được nhưng phải hạn chế, đưa về mức có thể chấp nhận được, Bộ trưởng Bộ TT&TT khẳng định.