Ngày 11/5, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh/TP; Sở An toàn thực phẩm (ATTP) TP Hồ Chí Minh; Ban Quản lý ATTP TP Đà Nẵng, tỉnh Bắc Ninh về việc ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm.
Theo đó, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị phối hợp với cơ quan chức năng ban hành kế hoạch, triển khai các biện pháp bảo đảm ATTP, giám sát nguy cơ ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Trong đó, Bộ Y tế yêu cầu thực hiện nghiêm Chỉ thị số 13/CT-TTg; Chỉ thị số 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Người đứng đầu các cấp phải chịu trách nhiệm khi đề xảy ra vi phạm pháp luật về ATTP.
Các đơn vị đẩy mạnh việc thông tin, tuyên truyền về nguy cơ ngộ độc thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, nhất là tại các điểm, khu du lịch, bếp ăn tập thể của trường học, khu công nghiệp, thức ăn đường phố...
Bộ Y tế khuyến cáo người dân chỉ sử dụng thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác rõ ràng. Tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường. Người dân không nên tự đóng gói kín các thực phẩm trong điều kiện không đông đá tạo điều kiện cho vi khuẩn hiếm khí phát triển, ví dụ như Clostridium botulinum.
Bộ Y tế đề nghị ngành y tế các tỉnh, TP tăng cường công tác liên ngành trong thanh tra, kiểm tra, giám sát ATTP; trong đó tập trung vào các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, trường học và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, cơ sở sản xuất kinh doanh nước uống đóng chai, đóng bình.
Các đơn vị chú ý các biện pháp giám sát, hướng dẫn phù hợp đối với dịch vụ nấu ăn lưu động, các bữa ăn liên hoan, tiệc cưới, đám giỗ đông người trên địa bàn quản lý.
Đặc biệt, Bộ Y tế yêu cầu kiên quyết xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không bảo đảm điều kiện ATTP, cơ sở không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP.
Bên cạnh đó, công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo kịp thời người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.