Bữa cơm sáng cho con

Thành Thực
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chúng tôi hết sức vất vả để cho hai đứa con ăn sáng. Chuyện sáng dậy lịch kịch nấu ăn cho chúng thì không có gì phải nói, điều bực mình là chúng thỉnh thoảng bỏ ăn, vì lý do này, lý do khác.

Thậm chí khi cha mẹ nói: “Vậy uống tạm hộp sữa đi”, chúng cũng từ chối với lý do uống sữa dễ đau bụng…

Tình cảnh chung của các gia đình có con đi học hiện nay là như vậy. Đứa ngoan, ăn sáng đầy đủ; đứa bướng bỉnh thỉnh thoảng bỏ ăn.

Nhưng vẫn có những lúc, những nơi khác biệt. Chúng tôi còn nhớ, thuở nhỏ, thầy giáo nói với phụ huynh rằng, cháu học được nhưng người gầy gò, xanh xao quá. Sau này, chúng tôi được biết, bà mẹ của học sinh đó, sau mỗi bữa tối, dành lại một chén cơm cho con ăn sáng…

Đó là khi hoàn cảnh đất nước còn khó khăn, vừa mới bước ra những năm tháng chiến tranh dài dằng dặc, người làm bố, làm mẹ chỉ lo được cho con cái bữa đói, bữa no, khó nghĩ đến bữa sáng cho chúng.

Nhiều học sinh ở vùng khó khăn, việc ăn cơm đủ ba bữa vẫn là khó khăn. Mới đây nhất, trên báo chí cho biết, các em bé ở một trường học tại tỉnh Lào Cai không được ăn sáng đầy đủ vì lý do khác, không thể chấp nhận được: bị người lớn cắt xén khẩu phần, 12 em chỉ chung 2 gói mì tôm làm canh để ăn với cơm.

Cũng theo báo chí, lẽ ra các em nhỏ ở trường nói trên có buổi sáng chí ít là 1 gói mì tôm và 1 quả trứng gà… để ăn sáng.

Mọi việc đã được các cơ quan chức năng làm rõ và đã được chấn chỉnh. Các học sinh đã có buổi sáng đầy đủ theo khẩu phần đáng có; các bữa khác cũng có đủ cơm, rau, thịt…

Điều đáng nói, theo như báo chí cho biết, không chỉ khẩu phần ăn bị cắt xén mà cả chế độ khác như tiền trợ cấp để mua sách, bút… của các em cũng có dấu hiệu bị chiếm dụng. Đây là vấn đề đang được các cơ quan chức năng làm rõ, hy vọng sẽ sớm đưa ra câu trả lời.

Chính phủ mới đây cũng đã có công điện yêu cầu rà soát toàn diện về điều kiện ăn, ở, sinh hoạt và học tập cho trẻ em mầm non, học sinh nội trú, bán trú, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đây là điều đáng mừng, bởi sự việc đáng xấu hổ nói trên có thể vẫn xảy ra ở một nơi nào đó.

Chúng tôi được biết rằng, đại đa số giáo viên khi bám trụ ở vùng cao để dạy học đều coi học sinh như con em của mình. Báo chí đã viết về những tấm gương sáng thầy cô giáo vừa dạy chữ, vừa chăm sóc học trò như con em của họ.

Mới đây, báo Vnexpress viết về thầy Đồng Văn Phong, 39 tuổi, dạy học ở Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Tung Qua Lìn, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Thầy Phong thường nấu ăn cho học sinh. Nhà báo đã chứng kiến một bữa cơm của thầy với các em lớp 5A2 có cơm, cá suối rán, giá đỗ xào và canh rau muống. Cá do một người bạn của thầy Phong gửi cho; thực đơn tiêu chuẩn của học trò chỉ là rau, trứng và mì tôm. Thầy Phong đã nấu cơm cho học trò từ năm 2019 cho đến nay, vì thương học trò ăn uống thiếu thốn.

Thế đấy, đang có nhiều thầy giáo như thầy Phong yêu thương, đùm bọc học trò. Đó là niềm vui, lấn át sự… xấu hổ nói trên. Nhân đây, chúng tôi mong mỏi, Nhà nước xem xét tăng trợ cấp cho các em nhỏ vùng cao, vùng khó khăn, nhất là về chế độ ăn uống. Suy cho cùng, lo cho sức khỏe của các em là việc quan trọng nhất, bởi có sức khỏe mới có tất cả.