Nhiều tai nạn thương tâm khi đi du lịch tự phát
Những ngày cuối tháng 5/2023 vừa qua, dư luận xôn xao trước vụ việc học sinh và phụ huynh một trường tư ở Tây Mỗ (TP Hà Nội) trong quá trình tham quan, trải nghiệm tại Vườn quốc gia Xuân Thủy (tỉnh Nam Định) đã bị nước cuốn trôi, dẫn đến tử vong. Được biết đoàn tham quan này do phụ huynh tự tổ chức theo kiểu tự phát, tự liên hệ với chủ tàu, thuyền vận chuyển tham quan, trải nghiệm, không thông báo đến Ban quản lý Vườn quốc gia Xuân Thủy.
Đây không phải là vụ tai nạn đầu tiên khi du khách chọn loại hình du lịch tự phát. Trước đó tháng 2/2023, một nam sinh lớp 11 trường Trung học phổ thông Lý Thánh Tông (TP Hà Nội) bị đuối nước trong khi đi dã ngoại tại huyện Mai Châu (tỉnh Hòa Bình).
Dư âm các vụ tai nạn khi đi tham quan, dã ngoại chưa kịp lắng xuống, thời điểm này các hội, nhóm trên mạng xã hội Facebook, Zalo vẫn bùng nổ lời mời gọi tham gia những chương trình trải nghiệm hè dành cho học sinh, ngắn thì 1 đêm 2 ngày, dài thì 5 đêm 6 ngày. Tuy nhiên, các chương trình này thiếu đầu tư, chuẩn bị kỹ về chuyên môn không bắt buộc người lớn đi kèm, tự thuê phương tiện vận chuyển, khách sạn tại các điểm tham quan, trải nghiệm nên độ an toàn không cao.
Thực tế cho thấy lợi dụng hình thức du lịch tự phát, nhiều đối tượng đã rao bán hàng loạt chương trình giá rẻ nhằm lừa đảo, trục lợi.
Chị Trần Thu Hà ở đường Nguyễn Cơ Thạch (quận Đống Đa, TP Hà Nội) chia sẻ, do tin vào lời quảng cáo giới thiệu tour du lịch tự phát do người dân đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) thực hiện với giá rẻ 4 triệu đồng, đã bao gồm dịch vụ xe đưa đón, dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi, phí chèo kayak, lặn ngắm san hô... Thế nhưng khi đã chuyển khoản đặt cọc trước 50% thì người bán tour này đã thay website, số điện thoại, không thể liên lạc được.
Trước đó vào tháng 5/2023, UBND huyện Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh) đã cảnh báo tới du khách không nên tin những đối tượng chào bán chương trình du lịch tự phát do người dân địa phương thực hiện nhưng chất lượng không tương xứng với số tiền đã bỏ ra.
Cần đưa vào quản lý
Theo các chuyên gia du lịch, du lịch tự phát bắt nguồn từ những du khách tự đi du lịch, qua đó khám phá ra những cảnh đẹp thiên nhiên, văn hóa mà doanh nghiệp lữ hành chưa khai thác.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết, thời gian gần đây tại một số tỉnh như Khánh Hòa, Bình Thuận đang bùng nổ các dịch vụ du lịch tự phát như: "Tour ảnh" đi chụp ảnh những điểm đến có phong cảnh đẹp tại Nha Trang - Khánh Hòa, hoặc tham gia lặn biển tại đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận), những chương trình do cá nhân đứng ra dẫn tour.
Điều đáng nói là nhân viên của các homestay, nhà nghỉ trên đảo không hề có thẻ hướng dẫn viên du lịch, nhưng lại thực hiện chức năng hướng dẫn viên du lịch đường thủy. Những chiếc tàu cá của ngư dân chưa có chứng nhận đăng kiểm chở khách du lịch cũng trở thành tàu chở khách là hình ảnh thường thấy tại hòn đảo này.
Để kiểm soát hoạt động du lịch tự phát qua đó bảo đảm an toàn và quyền lợi cho du khách, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng và các doanh nghiệp du lịch có chung kiến nghị, UBND các tỉnh thành tăng cường tổ chức kiểm tra hoạt động kinh doanh du lịch, nhất là tại những khu, điểm du lịch tự phát, nơi có hồ, sông, suối, cảnh quan thiên nhiên đẹp, hoang sơ. Bên cạnh đó kiên quyết không cho tổ chức, cá nhân tiếp tục khai thác, kinh doanh dịch vụ du lịch, đặc biệt là các loại hình vui chơi, giải trí mặt nước, trò chơi mạo hiểm khi chưa được cấp phép.
“Tuy nhiên để ngành du lịch khai thác cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử, trên cơ sở các hoạt động du lịch ở những địa điểm cụ thể cần tham mưu rõ nơi nào nên đưa vào quy hoạch phát triển du lịch, nơi nào có phương án hạn chế” - ông Phùng Quang Thắng hiến kế.
Đồng tình với kiến nghị này, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) Nguyễn Quý Phương nêu rõ, để quản lý tốt hoạt động du lịch tự phát cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, địa phương. Chúng ta không thể cấm hoạt động du lịch tự phát, nhưng khi ở một điểm nào đó có sự tăng trưởng nóng về du lịch nhưng nằm ngoài quy hoạch của tỉnh thì địa phương theo chức năng, nhiệm vụ phải vào cuộc kiểm tra, giảm sát.
Có như thế, mới đảm bảo được an toàn dành cho du khách, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường. Đặc biệt phải cảnh báo người dân cần tuân thủ các quy định của pháp luật khi kinh doanh dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí, phương tiện vận chuyển.
Để tránh rủi ro khi đi du lịch tự phát, Giám đốc Công ty Du lịch Vietsense Nguyễn Văn Tài tư vấn, du khách không nên đặt dịch vụ qua trung gian, trang mạng xã hội hay các chương trình tour du lịch tự phát không uy tín qua đó tránh bị mua dịch vụ giá cao nhưng chất lượng kém.
Đối với các trang mạng xã hội (fanpage) hoạt động mua bán, quảng bá các gói du lịch giá rẻ, người dân nên chọn những trang mạng xã hội có dấu tích xanh hoặc chọn trang mạng xã hội mà mình biết rõ thông tin của người bán.
“Đặc biệt, nếu thấy có dấu hiệu bất thường, người mua cần sớm trình báo với cơ quan công an để được hỗ trợ bảo về quyền lợi hợp pháp” - ông Nguyễn Văn Tài nêu rõ.