Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Buộc nhân viên trích tiền thưởng để làm từ thiện

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Để xây dựng lại hình ảnh, Goldman sẽ buộc các thành viên Hội đồng Quản trị và Ban giám đốc dành một phần tiền thưởng cho công tác từ thiện.

KTĐT - Để xây dựng lại hình ảnh, Goldman sẽ buộc các thành viên Hội đồng Quản trị và Ban giám đốc dành một phần tiền thưởng cho công tác từ thiện. Goldman đang có chương trình khuyến khích các đối tác của Ngân hàng trong việc đóng góp từ thiện tự nguyện, vốn được bắt đầu cách đây 2 năm.

Việc bắt buộc nhân viên trích một phần tiền thưởng để làm từ thiện liệu có giúp Goldman Sachs đánh bóng được hình ảnh, vốn đã bị sa sút trong cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua?

Tập đoàn Goldman Sachs (Mỹ) đang cố gắng để chứng minh điều gì tốt cho Ngân hàng cũng tốt cho mọi người. Nhưng các nhà tư vấn hình ảnh và chuyên gia về bồi thường doanh nghiệp cho rằng, những động thái gần đây của ngân hàng này sẽ không làm chấm dứt sự phẫn nộ của nhiều người.

Đánh bóng hình ảnh

Để xây dựng lại hình ảnh, Goldman sẽ buộc các thành viên Hội đồng Quản trị và Ban giám đốc dành một phần tiền thưởng cho công tác từ thiện. Goldman đang có chương trình khuyến khích các đối tác của Ngân hàng trong việc đóng góp từ thiện tự nguyện, vốn được bắt đầu cách đây 2 năm. Chương trình mới sẽ mở rộng đến nhiều nhân viên hơn và xác lập mức sàn bắt buộc cho việc đóng góp từ thiện. Việc một công ty buộc nhân viên làm từ thiện là chuyện xưa nay hiếm ai chấp nhận, nhưng các luật sư lại cho rằng, hành động đó là hợp pháp. Hiện chưa rõ Goldman đã chính thức phê duyệt kế hoạch làm từ thiện mới hay chưa.

Từng được nhìn nhận là một trong những công ty tốt nhất ở Mỹ, trong năm qua không ít người xem lợi nhuận kếch sù của Goldman là kết quả của những thỏa thuận cửa sau và sự thao túng thị trường. Hank Greenberg, cựu Giám đốc Điều hành của công ty bảo hiểm AIG gần đây đã buộc tội Goldman làm cho AIG phá sản. Goldman đã nhận được 12,9 tỉ USD khi Chính phủ Mỹ giải cứu AIG.

Kế hoạch làm từ thiện đã được “quần chúng” ở Goldman nồng nhiệt đón nhận. Các tổ chức phi lợi nhuận cũng có thể hoan nghênh. Bradford Smith, Chủ tịch cơ quan nghiên cứu Foundation Center, cho rằng, động thái của Goldman sẽ giúp các tổ chức phi lợi nhuận huy động vốn giữa lúc tình hình khó khăn. Theo ông, điều quan trọng là sẽ có những công ty lớn khác nối gót Goldman.

Có khả thi?

Nhưng một số ý kiến khác cho rằng, có thể Goldman sẽ không đạt được mục tiêu như đã định là đảo ngược sự tuột dốc về hình ảnh của Ngân hàng. Sắp tới, Goldman và các công ty tài chính lớn khác sẽ chi 140 tỉ USD tiền thưởng cho năm 2009. Dự kiến Goldman sẽ “làm giàu” cho nhân viên của mình thêm 18 tỉ USD. Các khoản tiền thưởng lớn bị dò xét vì chúng được đưa ra trong bối cảnh tỉ lệ thất nghiệp ở Mỹ là 10% và nhiều người Mỹ vẫn đang gặp khó khăn về tài chính.

Theo kế hoạch từ thiện của Bear Stearns trước đây, các nhà quản lý hàng đầu phải đóng góp 4% tiền thưởng cho từ thiện. Nếu quy định này được áp dụng đối với Goldman thì nghĩa là mức đóng góp ở ngân hàng này sẽ chỉ hơn 700 triệu USD. Khoản chi này cũng chỉ là một phần nhỏ so với khoản 12 tỉ USD lợi nhuận năm 2009 của Goldman. Tổng thống Mỹ Obama đang cân nhắc việc đánh thuế các công ty tài chính để giúp thu hồi chi phí cứu nguy ngành ngân hàng và ôtô hồi năm ngoái.

Các “sếp” ở Goldman hiện là những nhà từ thiện lớn. Theo kế hoạch từ thiện tự nguyện đưa ra cách đây 2 năm, các nhà quản lý hàng đầu của Goldman đã quyên góp 130 triệu USD vào năm 2008. Quỹ từ thiện của Goldman hiện có khoảng 200 triệu USD. Cách đây vài tháng, Ngân hàng có kế hoạch chi 500 triệu USD để hỗ trợ các khoản vay cho doanh nghiệp nhỏ đã vấp phải sự nghi ngờ. Tiền từ thiện của Goldman chảy đi đâu cũng là vấn đề đáng lưu ý.