Với quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản và siết chặt bảng cân đối kế toán sau cuộc họp ngày 21/9, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã dỡ bỏ trụ cột giúp nền kinh tế Mỹ vượt qua thời kỳ khủng hoảng, đồng thời vẫn để ngỏ những quyết định về lãi suất trong năm nay.
Cuộc họp kéo dài 2 ngày của Ủy ban thị trường mở (FOMC) kết thúc với tuyên bố duy trì lãi suất cơ sở trong khoảng 1 - 1,25% đúng như dự đoán trước đó của các chuyên gia tài chính. Giải thích cho quyết định này, Chủ tịch FED Janet Yellen khẳng định, sự kỳ vọng và tin tưởng đà phát triển kinh tế hiện nay đủ để nước Mỹ duy trì một thị trường lao động lành mạnh và ổn định lạm phát tiệm cận mục tiêu 2% trong dài hạn.
Bên cạnh đó, FED cũng dự báo về 3 đợt tăng lãi suất, mỗi đợt tăng thêm 0,25% trong năm 2018 - những con số không thay đổi so với dự báo được đưa ra hồi tháng 6. Như vậy, các đồn đoán về việc tăng lãi suất của FED từ giờ tới hết năm nay sẽ bị bỏ ngỏ.
Sau thông báo không nằm ngoài dự tính của FED, chỉ số S&P 500 tăng 0,1% sau khi giảm điểm trong phần lớn phiên giao dịch, đóng cửa ở mức cao kỷ lục 2.508,19 điểm. Chỉ số Bloomberg Dollar Spot Index tăng 0,5% trong khi lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng 2 điểm cơ bản, lên 2,27% - cao nhất kể từ tháng 7. Lợi suất trái phiếu Mỹ tăng, đẩy tỷ giá đồng bạc xanh tăng lên sau khi FED công bố kết quả cuộc họp. Tuy nhiên, các chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ không có sự thay đổi đáng kể.
Sau cuộc họp lần này, FED cũng chính thức khẳng định trong tháng 10 sẽ bắt đầu kế hoạch rút gọn tài sản trị giá 4.500 tỷ USD. Việc bán tài sản này minh chứng cho sự đảo ngược dần 3 chương trình nới lỏng định lượng, tức mua vào trái phiếu để hỗ trợ nền kinh tế, mà FED thực hiện trong thời gian từ 2008 - 2014. Động thái này cho thấy Mỹ đã hoàn toàn kết thúc chính sách nới lỏng kích thích kinh tế - vốn là trụ cột giúp nền kinh tế hàng đầu thế giới vượt qua cuộc đại khủng hoảng 9 năm trước. Cụ thể, FED sẽ cắt giảm lượng trái phiếu nắm giữ với tốc độ bán ra 10 tỷ USD mỗi tháng. Tiếp đó, cứ 3 tháng, FED sẽ nâng mức bán tài sản thêm 10 tỷ USD, lên mức tối đa 50 tỷ USD tháng, cho tới khi quy mô bảng cân đối kế toán giảm ít nhất 1.000 tỷ USD trong những năm tới.
Đây là bước đi chính sách lớn thứ 3 mà Chủ tịch FED đưa ra trong nhiệm kỳ hoạt động cuối của mình. Bà Janet Yellen đã chấm dứt chương trình mua tài sản với khối lượng lớn (QE) của FED, khởi động tăng lãi suất khỏi mốc 0% và giờ đây là thu hẹp bảng cân đối kế toán của FED mà không gây ra sự xáo trộn trên các thị trường tài chính cũng như nền kinh tế.
“Với việc công bố sẽ bắt đầu giảm dần quy mô bảng cân đối kế toán từ tháng tới, FED có thêm một bước tiến nữa trên con đường bình thường hóa chính sách tiền tệ” - ông Mohamed El-Erian, phụ trách tư vấn kinh tế thuộc ngân hàng Allianz tại California nhận định.