Vặn vẹo đôi cánh tay trước ngực, nhìn vợ Khoa đang ngồi trên đi văng bổ cam cạnh chồng, cái Huệ nhỏ nhẹ nói rằng, nó đã hai mươi tuổi, đã học hết phổ thông, mẹ nó bị xuất huyết não nằm liệt đã ba năm nay, bố ỷ mình là thương binh nên nhà đã nghèo lại càng nghèo, thành ra em phải lên thành phố đi làm để nuôi mẹ em và hai em...
Không để cái Huệ tiếp tục trần tình hoàn cảnh, ngay sau khi nghe nó đáp rất hồn nhiên và tin cậy, vợ Khoa vứt con dao bài đang bổ cam xuống mặt bàn, trợn trừng hai con mắt lá răm, như sừng sộ:
- Thế mày tưởng đi ở cho nhà tao là khuân vàng bạc, của cải về nhà mày à?
- Dạ không ạ.
- Đừng có tưởng bở!
Vợ Khoa dằn. Rồi đẩy đĩa cam đã bóc tách từng múi ra giữa bàn, hất hàm:- Ăn đi! Không có chuyện ấy đâu! Mỗi tháng tao sẽ trả trọn gói mày hai triệu đồng. Nhưng tao thử một tuần đã. Không ưng thì tao không thuê nữa. Mà cũng phải nói ngay, tuần đầu là tao nhốt mày ở trong nhà. Cẩn tắc vô áy náy. Ngộ nhỡ mày thông đồng với bọn chôm chỉa thì sao?
- Dạ.
- Ở với tao cần nhất là thật thà, chăm chỉ và sạch sẽ. Cần xin cái gì, hỏi, có tao cho. Cấm có tắt mắt. Đi chợ mua bao nhiêu về khai bấy nhiêu. Còn ăn vụng, tao mà bắt được thì gẫy răng!
Ngừng lời, phụng phệu nhai và nuốt hai múi cam xong, vợ Khoa tiếp, giọng vẫn không giảm độ căng:
- Nói trước là tao rất kỹ tính. Cái nhà quét một nhát đến tai hai nhát đến gáy thoáng qua là tao biết ngay. Cái bát mày rửa không sạch, cầm lên, là tao ngửi thấy ngay mùi mỡ.
Minh họa: Hoài Văn
|
- Này, nhưng ở đây không có lối ăn no rửng mỡ, giở thói õng ẹo, điệu đà cậy tài cậy sắc đâu đấy!
Mặc tất cả những gì đã xảy ra, Khoa vẫn kín đáo thở ra nhè nhẹ và hiểu rằng, giờ đây các thủ tục thuê mướn giữa vợ Khoa và cái Huệ bước đầu thế là xong. Vợ Khoa đâu có phải người dễ tính như Khoa. Khoa vốn là kẻ hay mủi lòng, nặng lời với người có lỗi với mình cũng không nỡ, lại là anh nhà báo lúc nào cũng bận rộn với việc viết lách, say mê theo đuổi những chủ đề cao cả của văn chương, coi tình nghĩa là cái quý giá nhất trong cuộc đời. Vợ chồng Khoa lấy nhau đã năm năm. Khoa ba mươi. Vợ Khoa hăm tám. Chủ trương chưa có con, vì vợ Khoa đang say nghiệp kinh doanh làm giàu; nhiều hôm sớm bửng đã leo lên xe máy đi, tối mịt mới về. Việc nhà, vợ Khoa không thể ngó ngàng tới được. Mà việc nhà đâu có ít. Cơm nước, giặt giũ, quét dọn thì đã đành. Còn dắt chó đi vệ sinh, còn cho mèo ăn. Còn trông nom bể cá cảnh, còn mua kê cho đàn vẹt. Còn tưới tắm mấy chậu hoa cây kiểng trên sân thượng... Vợ Khoa là người phụ nữ có nhan sắc, giàu có và đài các, quyền biến và cũng kiêu căng, trịch thượng lắm. Cái Huệ đâu có phải là người đầu tiên; nó là người thứ bảy đến thử việc ở nhà Khoa rồi!
*
* *
Khoa thật mừng. Một tuần thử việc qua nhanh. Dõi theo kỹ càng mỗi việc làm, cử chỉ, lời nói của cái Huệ, với thái độ bới bèo ra bọ, xoi mói lộ liễu, vậy mà vợ Khoa vẫn không tìm được một lỗi lầm sai sót nào của cô bé, không có được một duyên cớ nào để vin vào đó mà chê bai, bực bội cô bé được, ngoại trừ việc lườm nguýt Khoa mỗi khi Khoa tỏ ý khen ngợi cô bé.
Công bằng mà nói, cái Huệ là đứa chăm chỉ. Vợ chồng Khoa thức khuya, sớm sớm thông thường phải sáu rưỡi bảy giờ mới ra khỏi giường. Còn Huệ, cô bé dậy từ lúc nào mà khi Khoa ra khỏi phòng ngủ, mọi việc đã tinh tươm đâu đấy. Nhà cửa đã sạch như lau như ly. Màn che đã vắt gọn. Cửa kính đã sáng trưng, ấm chén trắng bong đã hãm chè. Phích nước đầy có ngọn. Trên bàn, hai bát phở đang sẵn sàng chan nước dùng và ở giữa là lọ hoa hồng đỏ thắm. Và cái Huệ thì đang vừa cất tiếng hát nho nhỏ vừa đang khoan thai đưa từng nhát chổi ở ngoài sân. Cái sân lác đác những phiến lá vàng của cây hoàng lan. Ăn sáng xong, vợ Khoa đi làm. Khoa đi họp hoặc ngồi vào bàn viết thì cái Huệ đi chợ. Sau bữa cơm trưa lúc mười một giờ, Khoa nghỉ ngơi. Và sau đó, từ hai giờ đến tối chẫm là đọc sách hoặc đón tiếp trò chuyện với bạn bè. Còn cái Huệ? Nó không có thói quen ngủ trưa. Nó luôn chân luôn tay. Nó không biết đến sự rỗi rãi. Quan sát nó cặm cụi hết việc nọ đến việc kia, Khoa nhận ra một điều quan trọng, thì ra bản chất con người là vậy. Con người không ưa sự ăn không ngồi rồi, con người vốn là một kẻ ưa thích sự làm việc!
Cái Huệ rất thích xem ti vi. Nhưng nó chỉ thích phim Hàn Quốc.
- Phim Việt, Huệ có thích không?
- Có chứ ạ.
- Mấy phút nữa có phim Việt đấy!
Một tối, Khoa nói, bấm điều khiển chuyển kênh. Đúng là phim “Cuộc tình sôi động” của Việt Nam. Cái Huệ chăm chú dõi theo màn hình. Nhưng phim mới chiếu được mười phút, nó đã đứng dậy, xin phép đi ngủ. “Mày làm sao thế?” - vợ Khoa vào buồng hỏi nó. Lát sau quay ra, vợ Khoa nói:
- Nó bảo trong phim có diễn viên Cao Sĩ đóng, nó ghét, không muốn xem.
- Sao lại thế?
- Ông diễn viên này là người cùng làng với nó. Ông ta là kẻ bạc tình, bỏ vợ và bốn con ở quê, lấy một cô vợ trẻ ở Hà Nội. Nó bảo, cả làng nó xem phim, hễ thấy ông ta là tắt ti vi, không xem nữa.
- Chà! Con bé này khá thật!
- Khá!
Thật không ngờ, vừa thấy Khoa như buột miệng vậy, vợ anh đã xếch chéo cặp mắt nhỏ và sắc, nghiến răng:
- Khen vừa vừa thôi! Thấy đỏ ngỡ là chín, hả!
*
* *
Rõ ràng là vợ Khoa không có cảm tình với cái Huệ. Mà điều này hoàn toàn không phải do nhu cầu tạo ra sự nghiêm nghị, tránh mọi sự khinh nhờn của người ở với chủ nhà. Tuần lễ đầu, cái Huệ còn được ăn chung mâm với vợ chồng Khoa. Sau thì thôi hẳn. Để tạo ra sự ly cách, khu biệt, theo quan sát của Khoa, thái độ càng lúc càng xa cách lạnh lùng của chị với cái Huệ, thật là khó hiểu và không thể giải thích được. Chị lườm nguýt, bĩu môi bĩu mỏ, thậm chí cau có tức tối với nó, không phải vì nó sơ suất trong công việc. Không phải vì một lời nói vô ý của nó. Chị giận dỗi, khó chịu mỗi khi bắt gặp vẻ tươi sáng, rạng rỡ và nét duyên dáng trên gương mặt với cái lúm đồng tiền trời cho của nó. Cái Huệ đang ở giữa thời điểm của hoa nở, của trăng rằm! Bọn trai trẻ ở khu phố sán đến làm thân với nó cả chục đứa cùng lúc. Vợ Khoa vốn cũng là người có nhan sắc ưu trội, nhưng nay khách đến thăm, thay vì khen bà chủ, lại không ngớt lời xuýt xoa kêu: Kiếm đâu ra cô bé giúp việc xinh và ngoan thế! Thì mặt bà chủ đang tươi rờn bỗng đổi thành xầm xì nặng chịch.
Trong khi ấy, Khoa tự nhận mình là người công bằng. Khoa nghĩ mình không thiên vị, dẫu là Khoa rất có thiện cảm với cái Huệ. Cái Huệ là vẻ đẹp của một buổi sáng nơi thượng nguồn. Và Khoa, từ bản thể hồn hậu đồng điệu đã nhận ra nó là một tâm hồn thật sự trong trẻo và tươi lành. Nó là buổi bình minh của nhân cách. Nó là cái tốt cái đẹp tiên thiên, cái đẹp tinh khôi, không sinh ra, không mất đi, mãi mãi là bất biến, vĩnh hằng. Và tiếc thay, lẽ ra nó phải là đứa được hưởng trọn vẹn niềm vui sống để cái tốt cái đẹp được cơ hội tỏa rạng thì lại rơi vào hoàn cảnh không may. Ở nhà Khoa ít lâu, Khoa còn biết thêm rằng, hoàn cảnh nó còn bi đát hơn nó trình bày hôm đầu tiên đến nhận việc ở nhà Khoa nhiều. Nó còn phải nuôi một người bà mù lòa. Và bố nó gần đây, say rượu, bị tai nạn giao thông gãy chân đang nằm viện. Trên vai nó là cả một gánh nặng quá sức!
Khoa thương cái Huệ như người anh thương một đứa em gái chịu cảnh thiệt thòi. Tình thương của Khoa với cái Huệ là tình thương đối với cái đẹp trong bối cảnh tương phản éo le. Và bằng mọi cách, Khoa đã nâng đỡ, dắt dìu nó. Khoa đem những cuốn sách hay cho nó đọc. Khoa giảng giải cho nó những kiến thức khoa học, y tế, văn chương. Khoa dạy nó cách ứng xử và truyền cho nó những kinh nghiệm sống ở đời. Và nhất là Khoa cho nó tiền. Khoa hay cho cái Huệ tiền lắm! Nhiều hôm, thực hiện các thao tác biểu lộ quyền lực của tiềm năng tài sản và tình cảm ấy, Khoa giống như một kẻ đang sống bằng vô thức, không làm chủ được bản thân mình. Nghĩa là, nhiều khi thấy nó ngơ ngác kêu rằng, Khoa mới cho nó hôm qua năm mươi ngàn, Khoa mới ngớ người kêu: Thế à! Rồi lập bập thanh minh rằng hôm qua là khoản khác, hôm nay là khoản khác, chẳng hạn hôm qua là tiền nhuận bút truyện ngắn mới in, còn hôm nay là tiền thưởng bài báo này bài báo nọ.
Khoa đã thật sự cảm động thấy khi cái Huệ cầm tờ bạc ve vuốt, cho vào cái ví giấy, rồi buổi trưa xin phép Khoa ra bưu điện gửi cho mẹ. Nhiều hôm, ngồi trước bàn viết áp cửa sổ, nhìn ra thấy cái Huệ một vóc hình thiếu nữ măng tơ, xinh xắn, tóc xoã dài đen nhánh, nhẹ nhàng đưa từng nhát chổi trên mặt sân, giữa bầu không khí ngát thơm hương hoàng lan, Khoa không khỏi mủi lòng và e ngại. Sự đối lập của con người toàn thiện toàn mỹ và hoàn cảnh khắc nghiệt chẳng đã là chủ đề của các thiên truyện, của các tấn bi kịch ngoài đời đó sao!
Cái phải đến đã đến ngay lập tức. Buổi chiều vừa thấy cái Huệ đỏ hoe mắt thì buổi tối đi họp về, Khoa đã được vợ gọi vào buồng, cho biết cái Huệ xin nghỉ mấy hôm về thăm nhà và chị biểu lộ luôn thái độ của mình là không đồng ý.
- Anh thì anh nghĩ...
- Nghĩ gì?
- Chắc gia đình nó có chuyện.
- Hừ!
- Em định nói gì?
- Thông cảm ghê nhỉ!
- Em nói thế là có ý gì?
- Ý gì hả? Ý gì thì anh khắc tự biết chứ. Anh tưởng anh dấm dúi với nó không ai biết hả?
Câu chuyện chuyển hướng bất ngờ. Khoa không thể kêu thêm một lời, vợ Khoa đã xối xả trút cơn giận giữ. Chị nói rằng chị đã biết từng cử chỉ săn sóc cái Huệ của anh, chị biết cả việc anh thường xuyên cho nó tiền, và anh đừng hòng thanh minh rằng đó là những biểu lộ của mối thiện cảm trong sáng, vô tư, không tà ý. Vạch mặt nó, chị hỏi: Rằng anh có biết là một ngày nó vào toalét hai lần, mỗi lần ít nhất là một giờ để trang điểm không? Nó còn biết thái lát dưa chuột đắp lên mặt để làm mịn da đấy. Tôi đi vắng, nó còn vào bàn phấn của tôi lấy son phấn thoa lên môi lên má kia kìa. “Thì nó là con gái, khắt khe với nó làm gì.” Khoa vừa định chặc lưỡi khoả lấp thì vợ Khoa đã chồm chồm, the thé lấn át:
- Nói cho ông biết, trăm thằng đàn ông là trăm thằng cùng một giuộc. Trăm thằng đàn ông có thằng nào mê đạo đức hơn đàn bà không? Hứ, người ở mà dám hơn chủ nhà à! Lý lối ở đâu mà ra thế!
Căn nguyên và đỉnh điểm của cơn tị hiềm ghen tức là đây ư? Suốt một giờ đồng hồ sau đó, vợ Khoa ngồi trên đi văng vò đầu bứt tai, kể xấu mọi điều về cái Huệ, đem cái vẻ đẹp hồn hậu trong sáng của nó ra để mỉa mai và nói thẳng ra rằng chị không thể chấp nhận được nó.
*
* *
Cái Huệ sẽ bị vợ Khoa đuổi việc!
Cái Huệ đã mắc lỗi lầm gì? Dối trá, ăn cắp ăn trộm? Không! Lười biếng, làm việc không đến nơi đến chốn? Không! Vậy thì chả lẽ nguyên do cái Huệ bị đuổi việc là do Khoa? Trong khi thực tình, Khoa không gây nên tội lỗi gì. Tình cảm của Khoa bắt mạch từ cảm xúc tiên khởi, trong trẻo ở nơi ngọn nguồn của nhân tính.
Cái Huệ sẽ bị vợ Khoa đuổi việc!
Nhận ra điều này, Khoa rất buồn và rất lo. Buồn, lo không chỉ là do cái Huệ mất một nơi làm để có thể kiếm được đồng tiền mà nuôi mẹ, nuôi bà, nuôi em. Khủng khiếp quá, lúc này mọi cái tốt đẹp bị vây hãm, săn đuổi, lợi dụng, nên đã trở nên mong manh vô cùng!
Không! Khoa sẽ hết sức cố gắng để cứu vớt cái Huệ. Khoa sẽ bằng sự nhún nhường mà nói lại với vợ mình cho rõ ràng mọi điều, và sẽ bằng nhân cách chính trực của mình bảo hiểm cho mọi mối nghi ngại, mặc dù Khoa biết mọi sự không dễ dàng gì.
Nhưng, Khoa chưa kịp làm gì hết thì cái kết cục không mong chờ đã xịch đến. Trưa ấy, đang lục tủ quần áo, thấy Khoa về, vợ Khoa quay ngoắt ra, mặt đỏ hăm, gắt gỏng một thôi một hồi rồi hỏi giật Khoa:
- Ông Khoa! Ông có rút tiền ở sấp tiền một trăm triệu tôi để đây để đi Lạng Sơn lấy hàng không?
Khoa đáp: Không. Chỉ chờ có thế, vợ Khoa gào toang toang:
- Một trăm triệu đây! Mỗi triệu bị rút đúng một trăm ngàn. Ông không lấy. Chả lẽ tôi lại lấy của tôi. Hừ, thế nào, ông còn thấy cái quân đói ăn vụng, túng làm liều này xinh xẻo, mỹ miều nữa thôi!
Cái Huệ bị vợ Khoa đuổi việc vì tội ăn cắp tiền. Buồn quá, vì vợ Khoa đâu phải là kẻ độc ác quen thói gắp lửa bỏ tay người!