Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Các chương trình đón Tết Kỷ Hợi 2019 ở Hà Nội: Nhiều điểm đến thú vị

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chào đón Tết Nguyên đán 2019, nhiều chương trình văn hóa, nghệ thuật sẽ được tổ chức tại các địa điểm vui chơi, không gian công cộng trên địa bàn Thủ đô, góp phần tạo ra không khí vui tươi, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa ngày càng đa dạng của người dân.

Bắn pháo hoa chào đón năm mới bên hồ Hoàn kiếm. Ảnh: Phạm Hùng
Mở đầu cho hàng loạt chương trình chào đón Tết Nguyễn đán Kỷ Hợi 2019, từ nay đến 4/2 (từ 15 - 30 tháng Chạp), Ban Quản lý (BQL) phố cổ Hà Nội sẽ tổ chức nhiều chương trình văn hóa với chủ đề “Nét Xuân xưa”. Theo đó, tại đình Kim Ngân (42 và 44 Hàng Bạc), khách tham quan sẽ được tìm hiểu về trang trí, sắp đặt không gian sinh hoạt Tết truyền thống, mâm lễ gia đình để dâng cúng tại đình với các đặc sản của Hà Nội. Tại Ngôi nhà Di sản (87 Mã Mây), BQL phố cổ Hà Nội sẽ giới thiệu những hình ảnh hiện vật về Tết cùng thú chơi cây cảnh, thưởng trà của người Hà Nội xưa. Điểm nhấn văn hóa trong chuỗi hoạt động “Nét Xuân xưa” là triển lãm “Sắc Dó và Gốm Hương Canh” tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội (số 50 Đào Duy Từ). Khách tham quan sẽ được thưởng lãm những tác phẩm gốm Hương Canh (Vĩnh Phúc), cùng các bức vẽ trên chất liệu giấy dó (làng Dương Ổ, tỉnh Bắc Ninh). Nghệ nhân Giang Thị Nhạn đến từ trung tâm gốm Hương Canh sẽ trình diễn kỹ thuật vuốt tay các sản phẩm gốm sành đặc biệt này. Các nhà nghiên cứu, sưu tầm chia sẻ những câu chuyện về lịch sử, ý nghĩa văn hóa của giấy dó; nhóm họa sĩ G39 sẽ vẽ tranh biểu tượng linh vật năm Kỷ Hợi trên chất liệu giấy dó.
Đã trở thành nét đẹp văn hóa của Thủ đô, năm nay, Trung tâm hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám tiếp tục tổ chức Hội chữ Xuân Kỷ Hợi từ ngày 29/1 - 17/2. Du khách sẽ có dịp tìm hiểu về nghệ thuật thư pháp, xin chữ của 60 ông đồ đã qua kỳ khảo tuyển trình độ của Trung tâm hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong năm 2019 và những năm trước. Du khách còn được chiêm ngưỡng 30 bức thư pháp chữ Hán Nôm và chữ Quốc ngữ với chủ đề “Văn hiến”; tham gia trải nghiệm và tìm hiểu các quy trình làm giấy dó, tìm hiểu về 3 dòng tranh dân gian: Hàng Trống, Đông Hồ và Kim Hoàng; tham gia các trò chơi dân gian.
Phố ông đồ tại Hồ Văn. Ảnh: Thanh Hải
Cũng trong dịp Tết Nguyên đán 2019, từ ngày 5 - 10/2, Công viên nước Hồ Tây sẽ mang đến cho công chúng Thủ đô chương trình “Hương sắc bốn mùa”. Du khách sẽ được đắm mình trong sắc Xuân của hoa đào, quất ngày Tết hay sắc hồng của hoa sen mùa Hạ, hoa cúc của mùa Thu hay trải nghiệm mùa Đông ở vùng núi Tây Bắc. Cùng với đó, tại Công viên nước Hồ Tây sẽ diễn ra các chương trình nghệ thuật đặc sắc, hấp dẫn như múa lân sư rồng, hát văn, hát quan họ, múa dân gian, ảo thuật, âm nhạc đường phố hứa hẹn sẽ mang lại cho du khách một không gian Tết trọn vẹn. Đặc biệt, vào dịp này, giá vé vào Công viên Hồ Tây sẽ giảm còn 40%.

Tại Bảo tàng Dân tộc học, chương trình “Vui Xuân Kỷ Hợi 2019 - Sắc thái văn hóa Bắc Giang” sẽ diễn ra trong hai ngày 9 và 10/2/2019. Đến với chương trình, du khách được trải nghiệm những món ăn đặc sản và những nét văn hóa độc đáo của các dân tộc tỉnh Bắc Giang. Đây chắc chắn sẽ là địa điểm thú vị và bổ ích mà phụ huynh có thể đưa con trẻ đến vui chơi, tìm hiểu thêm về văn hóa dân tộc trong dịp đầu năm 2019.

Tại Hà Đông, “Hội chợ Tết ParkCity - Xuân Kỷ Hợi 2019” là sự kiện quy mô lớn nhất dịp Tết 2019. Với gần 100 gian hàng bày bán các thức quà truyền thống trong dịp Tết và các món đồ thủ công mang đậm bản sắc dân tộc, sự kiện sẽ tạo điều kiện cho người dân gặp gỡ, giao lưu, mua sắm chuẩn bị đón Xuân về. Không dừng lại ở các gian hàng, sự kiện còn là nơi tái hiện đầy đủ bức tranh văn hóa dân gian Việt Nam thông qua những màn trình diễn nghệ thuật tiêu biểu của ba miền đất nước như hát chèo cổ, múa, hát đờn ca tài tử Nam bộ. Các em nhỏ cũng sẽ có cơ hội học làm những món quà Tết truyền thống quen thuộc như bánh chưng, bánh giầy, nặn tò he hay làm phong bao lì xì. Sự kiện hứa hẹn sẽ là trải nghiệm thú vị và đem lại nhiều tiếng cười cho các gia đình.

Trong đêm giao thừa, ngoài việc tổ chức bắn pháo hoa tại 30 điểm khác nhau, người dân Thủ đô sẽ có cơ hội thưởng thức các chương trình nghệ thuật phong phú như “Tết là hy vọng” diễn ra tại tòa nhà Bưu điện Hà Nội. Bên cạnh đó là chương trình chào đón Tết Kỷ Hợi vào lúc 22 giờ tại quảng trường Cách mạng tháng Tám (Nhà hát Lớn Hà Nội) khu vực vườn hoa Lạc Long Quân, khu vực hồ Văn Quán, trước sân vận động quốc gia Mỹ Đình.