KTĐT - Trong quý I/2010, GDP của Singapore tăng 15,5%; của Malaysia là 10,1%; Philippines tăng gần 7,3%; Thái Lan, bất chấp sự bất ổn về chính trị cũng tăng 12% so với cùng kỳ 2009.
Kinh tế khu vực Đông Nam Á đã phục hồi tương đối nhanh từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, chủ yếu nhờ các gói kích thích tài chính của các chính phủ nhằm hỗ trợ nhu cầu nội địa.
Các số liệu tăng trưởng kinh tế của các nền kinh tế ở Đông Nam Á trong nửa đầu năm 2010 cho thấy một sự phục hồi hình chữ V mạnh mẽ của các nền kinh tế này. Bất chấp những bất ổn mới đây của nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu, sự phục hồi của các nền kinh tế Đông Nam Á vẫn đang đi đúng hướng một cách vững chắc. Kinh tế Đông Nam Á đã ở trong trạng thái tương đối tốt từ những cải cách tài chính được thực thi sau cuộc khủng hoảng châu Á giai đoạn 1997- 1998. Đó là nhận định của ông Lei Lei Song, nhà kinh tế cấp cao của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), đăng trên Thời báo New York (Mỹ). Theo ông Lei Lei Song, khu vực Đông Nam Á đã phục hồi tương đối nhanh từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, chủ yếu nhờ các gói kích thích tài chính của các chính phủ nhằm hỗ trợ nhu cầu nội địa, cho phép Đông Nam Á đối phó với suy thoái toàn cầu và hoạt động tốt hơn so với dự kiến, và cũng tốt hơn so với nhiều nền kinh tế khác.
Cũng theo chuyên gia này, một trong những nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phục hồi kinh tế của khu vực Đông Nam Á là sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Trung Quốc. Mặc dù nhu cầu trong nước của khu vực Đông Nam Á cũng góp phần thúc đẩy tăng trưởng, hiện Trung Quốc vẫn là một điểm đến quan trọng đối với hàng hóa xuất khẩu khu vực, thường bao gồm cả các mặt hàng hướng tới tái xuất sang phương Tây (xuất khẩu của Trung Quốc sang các nước thuộc EU tháng 5tăng 49% so với cùng kỳ năm trước).
ADB dự đoán tốc độ tăng trưởng của khu vực Đông Nam Á sẽ đạt 5,1% trong năm nay, tăng so với mức 4,3% của năm 2008 và 1,3% của năm 2009. Hầu hết các nhà kinh tế vẫn lạc quan cho rằng khu vực Đông Nam Á có thể tránh được sự suy thoái kép.
Tuy nhiên, ông Sanjay Mathur, nhà kinh tế châu Á của Ngân hàng Hoàng gia Scotland, cảnh báo sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang có dấu hiệu chậm lại. Ông cũng bày tỏ lo ngại về tình hình giá bất động sản và sự tăng trưởng tín dụng quá mức ở Trung Quốc. Theo ông Sanjay Mathur, việc thắt chặt tín dụng có thể sẽ ảnh hướng đến nhu cầu nội địa. Mặc dù vậy, hầu hết các nhà kinh tế đều lạc quan cho rằng khu vực Đông Nam Á có thể tránh được tình trạng suy thoái kép.
Theo các chuyên gia, nếu một cuộc khủng hoảng mới xảy ra ở các nền kinh tế hàng đầu thế giới, Đông Nam Á chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng từ sự suy giảm nhu cầu từ bên ngoài, song tác động của bất kỳ cuộc khủng hoảng mới nào từ bên ngoài cũng sẽ nhỏ hơn nhiều so với tác động của cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á giai đoạn 2008 - 2009.