Nhận thức sâu sắc và nghiêm túc các nội dung của Hội nghị T.Ư 4 đặt ra, Thành ủy đã nhanh chóng xây dựng Kế hoạch về tổ chức học tập triển khai, nghiên cứu; đồng thời xây dựng, ban hành các Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 để triển khai trong toàn Đảng bộ.
Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cũng cho biết, một trong các giải pháp đã và đang được TP quyết liệt thực hiện là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức. Hà Nội xác định một trong ba khâu đột phá của nhiệm kỳ này là cải cách hành chính, trong đó có việc nâng cao chất lượng thái độ, ý thức phục vụ người dân, doanh nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần phải lãnh đạo, chỉ đạo để làm chuyển biến một cách tích cực hình ảnh của người cán bộ công chức Thủ đô Hà Nội. Chính vì thế mà trong Chương trình 04, Thành ủy Hà Nội đã tiến hành xây dựng các bộ quy tắc ứng xử cho từng khu vực, đối tượng.
Trước hết, TP đang chỉ đạo Sở Văn hóa - Thể thao phối hợp với các đơn vị khác ban hành 2 bộ quy tắc ứng xử đó là Ứng xử của công dân ở nơi công cộng, bộ quy tắc này áp dụng đối với tất cả người dân trong sinh hoạt, và hoạt động đời sống bình thường. Hà Nội cũng sẽ ban hành bộ quy tắc ứng xử đối với cán bộ, công chức, viên chức, trong đó quy định rõ ngoài những yêu cầu chung theo luật hiện hành buộc cán bộ công chức phải thực hiện, thì riêng cán bộ, công chức của TP cần có những yêu cầu thêm, ở đây rất cụ thể việc gì được làm, việc gì không được làm. “Chúng tôi cũng biết đây là công việc nói thì có vẻ dễ nhưng trên thực tế rất khó thực hiện, chắc chắn khi đưa ra cũng sẽ có những nhận định, đánh giá khác nhau. Tuy nhiên, với quan điểm hướng tới nâng cao chất lượng lao động, chất lượng làm việc, tinh thần, ý thức thái độ để nâng cao hình ảnh đội ngũ công chức, tạo nên hình ảnh công chức Hà Nội thực sự có năng lực chuyên môn, có tinh thần thái độ tốt và đặc biệt có cách ứng xử văn hóa phù hợp với Thủ đô nghìn năm tuổi”, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nói và hy vọng bộ quy tắc này khi được ban hành sẽ nhận được sự ủng hộ của dư luận xã hội, sự tham gia của đông đảo người dân, cũng như đội ngũ cán bộ công chức chia sẻ và cùng thực hiện. Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh: “Chúng tôi không cầu toàn khi bộ quy tắc ứng xử có thể bao hàm được hết mọi hành động, mọi hành vi của mỗi một con người, mỗi một cán bộ công chức. Bộ Quy tắc ứng xử cũng không phải văn bản đóng cứng mà sẽ được bổ sung, sẽ được điều chỉnh khi chúng ta thực hiện. Do vậy, chúng tôi mong muốn nhận được sự quan tâm, góp ý trên tinh thần xây dựng và ủng hộ của công đồng dân cư, của cơ quan thông tấn báo chí cũng như những nhà khoa học để nó thực sự có hiệu quả trong xã hội”.
TP đang cố gắng để văn bản được ban hành sớm nhất, có thể là đầu năm mới Đinh Dậu năm 2017. Đây cũng là năm Hà Nội chọn chủ đề năm “Kỷ cương hành chính”, điều này thể hiện quyết tâm, cũng như là công cụ để đưa kỷ cương hành chính đối với Hà Nội trở thành nề nếp từ đó tạo chuyển biến tích cực trong cải cách hành chính, tạo dựng hình ảnh của người dân Thủ đô thực sự là văn minh, thanh lịch.
Đề cập đến việc Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ Đối ngoại Nguyễn Đức Hoàng vừa bị cách chức mới đây, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho rằng đây là việc làm hết sức nghiêm túc của lãnh đạo TP, đã có chỉ đạo ngay từ khi sự việc xảy ra và sự vào cuộc tích cực của cơ quan chủ quản đó là Sở Ngoại vụ. Sự việc này thực sự mang tính cái răn đe chứ không còn là sự nhắc nhở nữa đối với đội ngũ cán bộ công chức nói chung, đặc biệt là đội ngũ cán bộ công chức của Hà Nội. “Đây thực sự là bài học hết sức đau xót, vì chỉ một cá nhân hết sức cá biệt, nhưng đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh của hàng vạn công chức của Thủ đô”, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nói và cho rằng những trường hợp như vậy không thể nào bao che, hay dung túng mà phải cực lực lên án, phê phán mạnh mẽ.