Cách ly F0 tại nhà: Phải phân loại kỹ, theo dõi chặt

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thống kê của Bộ Y tế, đến tối 14/7, TP Hồ Chí Minh đã vượt 18.000 ca nhiễm Covid-19. Số ca bệnh liên tục tăng cao ở mức 4 con số đang tạo áp lực rất lớn công tác điều trị.

Trước tình hình này, TP Hồ Chí Minh đã triển khai thí điểm cách ly F0 không có triệu chứng tại nhà để giảm tải cho các bệnh viện (BV).

Giảm tải cho hệ thống y tế

Theo văn bản khẩn của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh tối 13/7, được sự chấp thuận của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, ngành y tế TP triển khai thí điểm cách ly, điều trị những trường hợp F0, F1 nếu đáp ứng đủ điều kiện theo quy định. Cụ thể, đối với những F0 không triệu chứng đang điều trị tại BV, xét nghiệm RT - PCR ngày 10 có kết quả âm tính hoặc còn dương tính nhưng tải lượng virus thấp, không còn khả năng lây nhiễm hoặc rất thấp sẽ được chuyển về cách ly tại nhà nếu đảm bảo điều kiện an toàn phòng chống lây nhiễm.
Nhân viên y tế quận Hai Bà Trưng lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho các trường hợp trở về từ TP Hồ Chí Minh ngày 10/7/2021. Ảnh: Phạm Hùng
Việc triển khai cách ly F0 tại nhà đối với trường hợp không triệu chứng sẽ thí điểm áp dụng với nhân viên y tế bị lây nhiễm. Các trường hợp F0 này phải được giám sát của cơ quan y tế địa phương và nơi làm việc. Y tế địa phương phải tổ chức đội theo dõi sức khỏe hàng ngày các trường hợp F0 cách ly tại nhà. Tổ chức đường dây nóng tiếp nhận thông tin bệnh nhân (BN) xuất hiện triệu chứng, khẩn trương đưa vào BV điều trị.

Theo lãnh đạo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, toàn TP hiện có 6.500 giường điều trị cho BN Covid-19 có triệu chứng (1.200 giường hồi sức BN nặng, nguy kịch) và 30.000 giường dành cho BN không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ với tổng số gần 20 BV điều trị Covid-19, BV dã chiến. Tính đến tối 14/7, TP Hồ Chí Minh có hơn 18.000 BN Covid-19, trong khi số BN ở TP vẫn tăng nhanh từng ngày, dẫn đến nguy cơ quá tải nơi cách ly, điều trị tập trung.

Thực tế trong những ngày qua, nhiều BN F0 chưa được đưa đi cách ly kịp thời khiến dư luận hoang mang, lo lắng. Phản hồi về vấn đề này, lãnh đạo Thành ủy TP Hồ Chí Minh thừa nhận, có tình trạng trên do quá trình ca nhiễm gia tăng nhanh chóng, việc vận hành có sự “chệch choạc”. Ngay sau đó, TP đã nỗ lực khắc phục.

Theo các chuyên gia dịch tễ, số người nhiễm tăng sẽ kéo theo số ca tử vong tăng. Điều này là tất yếu nhưng sẽ là gánh nặng rất lớn cho ngành y tế. Thực tế, hiện nay có khoảng 80% số ca bệnh không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, nếu tất cả đều đưa đến cơ sở y tế thì sẽ khó khăn cho cả hệ thống. Với số ca mắc những ngày qua, gần 2.000 BN mỗi ngày, BV dã chiến mở ra đến đâu, kín BN đến đấy, nhân lực y tế khó bề kham xuể. Vì vậy, việc cho phép cách ly F0 không có triệu chứng tại nhà sẽ là giải pháp cấp bách trong thời điểm hiện nay.

Phải phối hợp tốt giữa các bên

Điều trị tại nhà là phương án được hầu hết quốc gia trên thế giới lựa chọn khi số ca mắc Covid-19 tăng vọt, BV và hệ thống điều trị quá tải. Các F0 nhẹ, không triệu chứng tự chữa trị cũng giúp giảm áp lực cho nhân viên y tế, vơi bớt tâm lý lo sợ cho người dân.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, để làm được điều đó, Bộ Y tế cần có kế hoạch đầy đủ, hướng dẫn khoa học chi tiết, quy trình kết nối trong và ngoài BV thông suốt, sử dụng toàn bộ nhân lực thầy thuốc tư nhân, y tế cơ sở, người tình nguyện, áp dụng công nghệ thông tin, phương tiện chuyên chở, các phương tiện cấp cứu cơ bản. Đặc biệt, phương pháp này cần có sự tham gia đắc lực của người dân.

Đối với các F0 được cách ly tại nhà, nếu xuất hiện ho, khó thở, sốt cao cần phối hợp đưa đến cơ sở y tế ngay để điều trị và theo dõi chặt diễn biến sức khỏe. Việc Bộ Y tế quy định xét nghiệm nhiều lần đối với F0, F1 cách ly tại nhà, nhiều ý kiến cho rằng, không cần thiết, có thể giao cho họ test nhanh để tự làm, đến ngày thứ 14 kết thúc cách ly thì làm xét nghiệm RT-PCR.

Đề cập đến vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, thời điểm mấu chốt để sàng lọc phân loại BN là ngày thứ 7 - 8. Tuy nhiên, điều khó khăn là nhiều BN khởi phát không triệu chứng nên không biết ngày nào là ngày thứ 7 - 8 của bệnh. Do đó, cần coi những BN mới phát hiện dương tính trong tuần đầu tiên là nhóm có nguy cơ diễn biến nặng, cần theo dõi sát và sàng lọc dấu hiệu nặng, đặc biệt chú trọng thời điểm ngày thứ 7 - 8. Còn những BN sau ngày thứ 8 mà không có dấu hiệu diễn biến xấu có thể coi là những người bệnh nhẹ, có thể không cần điều trị gì thêm và đưa ra cách ly chờ hồi phục.

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế&Đô thị xung quanh việc TP Hồ Chí Minh triển khai F0 tại nhà, một lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho rằng, rất nên làm. Tuy nhiên, việc cách ly F0 tại nhà có thành công hay không, cần sự phối hợp tốt giữa các bên, chính quyền, ngành y tế và người dân.

"Số trường hợp mắc mới trên cả nước hiện nay đang có sự tăng nhanh tại nhiều địa phương và có thể sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh. Đối với việc triển khai thí điểm cách ly F0 tại nhà có thể nhận thấy một số lợi ích như: Giảm tập trung quá nhiều trường hợp F0 tại các bệnh viện dã chiến, giảm tải cho hệ thống thu dung điều trị, tạo tâm lý thoải mái cho người bệnh khi được theo dõi tại nhà… Tuy nhiên, chỉ các F0 có tải lượng virus thấp mới được phép cách ly tại nhà." - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn