Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cách tính lương hưu của người làm nghề đặc biệt trong quân đội, công an

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Mức lương hưu hàng tháng của quân nhân làm một số nghề, công việc đặc biệt đặc thù trong quân đội, công an do Chính phủ quy định.

Chính phủ đã có báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Theo đó, Chính phủ cơ bản thống nhất việc tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, ý kiến đề nghị của Bộ Quốc phòng và cuộc họp ngày 10/6/2024 giữa các cơ quan Chính phủ và Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét có thể bổ sung một khoản tại Điều 72 dự thảo Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Đó là: quy định trường hợp quân nhân làm việc trong một số nghề, công việc đặc biệt đặc thù quân sự do Chính phủ quy định và xem xét cho ý kiến nguồn kinh phí thực hiện từ ngân sách nhà nước.

Mức lương hưu của quân nhân làm nghề, công việc đặc biệt đặc thù trong quân đội, công an do Chính phủ quy định. Ảnh minh họa: Internet.
Mức lương hưu của quân nhân làm nghề, công việc đặc biệt đặc thù trong quân đội, công an do Chính phủ quy định. Ảnh minh họa: Internet.

Tại khoản 2 Điều 72 dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), quy định mức lương hưu hàng tháng: Trường hợp người lao động thuộc một số nghề, công việc đặc biệt đặc thù trong lực lượng vũ trang do Chính phủ quy định. Nguồn kinh phí thực hiện từ ngân sách nhà nước.

Trước đó, góp ý cho dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đại biểu Hoàng Hữu Chiến – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang đề nghị xem xét bổ sung cách tính mức lương hưu hàng tháng để các đối tượng trong một số ngành đặc thù trong quân đội được hưởng mức lương hưu tối đa.

Đại biểu Hoàng Hữu Chiến cho biết, qua thực tiễn thực hiện bảo hiểm xã hội, một số cán bộ công tác trong một số ngành, lĩnh vực đặc thù trong quân đội khi nghỉ hưu thì chưa được hưởng mức lương hưu tối đa.

Trong khi đó, một số lĩnh vực ngành như phi công, thủy thủ tàu ngầm, lực lượng radar, kỹ thuật hàng không, hóa học và một số lực lượng trọng yếu khác thì rất khó tuyển người do yêu cầu cao, rất toàn diện về mọi mặt, khắt khe về sức khỏe, chuyên môn nghiệp vụ, chi phí đào tạo công phu, tốn kém.

Do yêu cầu công việc nên tuổi đời công tác của những người làm trong lĩnh vực đặc thù có giới hạn nhất định. Hiện nay một số ngành có yêu cầu không quá 40, 45 hoặc 48 tuổi. Đại biểu Hoàng Hữu Chiến tính toán, trừ thời gian đào tạo, công tác ở một số ngành, các đối tượng chỉ làm việc đến 12, 15 hoặc 18 năm là phải chuyển công việc khác hoặc nghỉ hưu.

Đại biểu Hoàng Hữu Chiến cũng chỉ ra, môi trường công tác trong các lĩnh vực này chịu tác động ảnh hưởng rất lớn đến tâm sinh lý, sức khỏe cũng như các loại sóng điện tử, bức xạ nhiệt, tiếng ồn, hóa chất độc hại, bụi công nghiệp. Hơn nữa, do tính chất công việc căng thẳng, chịu áp lực lớn, có nguy cơ rủi ro và mất an toàn cao và nhiều trường hợp hy sinh, bị thương trong khi thực hiện nhiệm vụ.

Những trường hợp này, nếu không bố trí sử dụng làm công việc khác và không thể chuyển ngành được, nếu đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội thì nghỉ hưu sẽ không được hưởng lương hưu tối đa 75%. Chưa kể, các đối tượng này khi tuổi cao sức yếu thường mắc một số bệnh nền mãn tính, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe do môi trường hoạt động công tác trước đó.

Từ những phân tích trên, ngoài các chính sách bảo hiểm xã hội chung, đại biểu Hoàng Hữu Chiến đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) quy định mức lương hưu hàng tháng để các đối tượng trên được hưởng lương hưu tối đa 75%.

Đại biểu Hoàng Hữu Chiến đưa ra phương án từ năm thứ 21 đối với nam và từ năm thứ 16 đối với nữ, mỗi năm được hưởng thêm 3% đến tối đa 75% hoặc giao cho Chính phủ quy định chi tiết một số ngành, lĩnh vực hoạt động đặc thù, trong đó có hoạt động của quân đội và công an.