Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cải cách hành chính bắt đầu từ đâu?

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Động thái quyết liệt của Chính phủ trong thời gian qua nhằm tạo thuận lợi, giảm chi phí cho người dân, song không khí cải cách vẫn “nóng trên, lạnh dưới”.

Ngay tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phải thốt lên “Giấy phép con, giấy phép cháu vẫn còn nhiều”, sản xuất đã khó, nhưng đưa vào tiêu thụ, xuất khẩu còn phức tạp hơn.
Đủ loại chi phí không tên, dưới nhiều hình thái đang ngày càng tăng, bất chấp chủ trương cắt giảm chi phí của Chính phủ. Câu chuyện Thủ tướng nêu về con gà nuôi 40 ngày, nhưng để tiêu thụ ra thị trường và xuất khẩu còn lâu hơn, chỉ là một trong rất nhiều ví dụ về DN hàng ngày phải vật lộn với hàng nghìn “giấy phép con” ở nhiều lĩnh vực. Ví như quy định thủ tục hành chính về hải quan, hoàn thuế VAT, thời gian và chi phí nộp bảo hiểm xã hội còn cao. Hàng chục loại chi phí cả chính thức và phi chính thức từ hàng loạt nghĩa vụ đóng góp, thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành và chi phí cho vận tải, logistic… khiến lợi nhuận của DN ngày càng xói mòn. Đặc biệt, tình trạng gia tăng các loại phí vận tải, giao thông đang là gánh nặng với DN (70 loại chi phí).
Chi phí cao đã cao như vậy, lại thêm thủ tục hành chính còn rườm rà, nhiêu khê, nạn sách nhiễu, vòi vĩnh... trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và DN. Có đến các cơ quan Nhà nước mới thấy hết nỗi khổ của người dân khi đi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng nhà ở, đăng ký xe, thậm chí cả giấy khai sinh, đăng ký kết hôn… Tất cả đều quy định cụ thể cái gì giải quyết trong 1 ngày, 3 ngày, 7 ngày… Đến cơ quan nào cũng có cơ chế một cửa, rồi nộp hồ sơ, sau 7 ngày thì trả lời, nhưng đến hẹn lên nhận kết quả lại yêu cầu về phải làm thủ tục bổ sung. Nghĩa là rất nhiều lần đi lại mà việc vẫn không xong, quả bóng trách nhiệm thì liên tục đá qua, đá lại.
Gần đây nhất là câu chuyện xử phạt máy móc người dân khi yêu cầu phải xuất trình giấy tờ chứng minh quyền sở hữu xe. Về nguyên tắc, nếu công văn của bộ, ngành đặt ra trái luật, quy định đó phải bị hủy bỏ. Thế nhưng khi các bộ ngành tự đề xuất cắt bỏ giấy phép, họ sẽ tìm cách hợp lý hoá, đổi tên, ẩn quy định. Điều này không chỉ đi ngược chiều cải cách của Chính phủ mà còn trở thành gánh nặng đối với người dân, DN.
Mặc dù cải cách thủ tục hành chính đã và đang là vấn đề bức xúc, nhưng nhiều ngành, đơn vị chưa chuyển biến. Vấn đề ở đây là cải cách con người trước, câu chuyện trách nhiệm không chỉ hô hào trên giấy. Bên cạnh đó, đưa ngay CNTT vào quản lý, đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu. Và quan trọng hơn là hỏi trực tiếp người dân, DN để biết rõ kết quả của việc cải cách. Bởi suy cho cùng, thước đo hiệu quả cải cách hành chính là mức độ hài lòng của người dân.