Chung cư cũ Ngọc Khánh xuống cấp nhiều năm nay. Ảnh: Hải Linh |
Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trong tổng số 1.579 chung cư cũ trên địa bàn TP đến nay mới có 18 dự án được cải tạo, xây dựng mới đưa vào sử dụng và 14 dự án đang triển khai. Trong khi đó, hầu hết các chung cư cũ đang ngày càng xuống cấp, gây mất an toàn cho người sử dụng cũng như làm bộ mặt đô thị nhếch nhác, mất mỹ quan. Qua kiểm định thực tế 401 chung cư thì có 148 chung cư ở cấp độ B, 245 chung cư cấp C và 8 chung cư cấp D (cấp độ xuống cấp, nguy hiểm cao nhất theo quy chuẩn của Bộ Xây dựng).Nhằm đẩy nhanh tiến độ và tính khả thi trong việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, trong giai đoạn 2021 - 2025, TP đã đặt ra một số nhiệm vụ cụ thể. Trước nhất là sẽ tập trung hoàn thành tổng kiểm tra, rà soát, kiểm định, đánh giá chất lượng toàn bộ các chung cư cũ bằng nguồn vốn ngân sách. Sau đó, lập kế hoạch cải tạo, xây dựng lại đối với các chung cư cũ đã có kết quả kiểm định. Nghiên cứu, xây dựng kế hoạch lập đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ bằng nguồn vốn ngân sách. Trong đó, ưu tiên cải tạo, xây dựng lại trước với 5 khu nhà nguy hiểm cấp D, là cấp nguy hiểm cao nhất, gồm: Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, tập thể Bộ Tư pháp (phố Phan Kế Bính), nhà số 148 - 150 Sơn Tây đều trên địa bàn quận Ba Đình.Là địa bàn có nhiều dãy nhà tập thể cũ, Chủ tịch UBND phường Thành Công (quận Ba Đình) Ngô Ngọc Lâm cho biết, trong số 87 nhà tập thể cũ cao từ 2 - 5 tầng trên địa bàn phường thì có tới 14 nhà tập thể có mức độ nguy hiểm cao cần sớm được cải tạo xây dựng lại. Do đó, chính quyền phường mong muốn TP sớm ban hành Đề án cải tạo xây dựng lại chung cư cũ, trong đó có quy hoạch tổng thể và đưa ra giá đền bù, hỗ trợ cụ thể. Từ đó, chính quyền địa phương mới có cơ sở để tuyên truyền người dân di dời đến nơi ở mới, tạo điều kiện cho việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.Ở góc độ người dân sống tại nhà chung cư cũ, bà Hoàng Thị Hường, nhà C4, tập thể Thành Công chia sẻ, hầu như người dân sống ở các nhà chung cư cũ đều có nguyện vọng được cải tạo xây dựng lại. Riêng đối với khu tập thể Thành Công đã xây dựng từ lâu hiện đã xuống cấp nặng nề nên người dân đang rất mong chờ được cải tạo để có được chỗ ở đàng hoàng hơn. Vấn đề người dân băn khoăn nhất hiện nay là TP cần đưa ra hệ số đền bù hợp lý với diện tích căn hộ đang sử dụng chứ không phải là diện tích được phân trước đây. Với khu vực phường Thành Công, nếu hệ số đền bù là 1,3 - 1,5 như mức TP đưa ra hiện nay chắc chắn người dân sẽ không đồng tình. Mức này cần điều chỉnh lên 2 người dân mới thấy thỏa đáng - bà Hoàng Thị Hường nêu nguyện vọng.Phân cấp để sát thực tếNhằm tập trung đẩy nhanh tiến độ, ngày 5/7, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định về việc ủy quyền thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của UBND TP liên quan đến công tác cải tạo, xây dựng lại các nhà chung cư cũ. Theo đó, UBND TP ủy quyền cho UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định đối với các dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn do mình quản lý; tổ chức di dời, cưỡng chế di dời, phá dỡ đối với nhà chung cư thuộc diện phải phá dỡ để xây dựng lại theo quy định.
Bên cạnh đó, UBND TP cũng phân cấp cho UBND cấp quận, huyện lựa chọn đơn vị kiểm định chung cư cũ độc lập, đơn lẻ. Sau khi kiểm định gửi kết quả về Sở Xây dựng để bổ sung, điều chỉnh kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Mạnh Hà cho rằng, việc TP phân cấp mạnh hơn cho các quận, huyện trong công tác cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ là hoàn toàn hợp lý. Bởi lẽ vai trò của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương từ TP đến các quận, phường trong công tác cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ là rất quan trọng. Đặc biệt, vai trò của các quận, phường phải là nơi khởi xướng và đề xuất các chương trình, dự án cải tạo, xây dựng lại khu chung cư cũ. Về vấn đề phân cấp, Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Vũ Đăng Định cho biết, trên địa bàn quận có 122 nhà chung cư cũ đơn lẻ, nằm rải rác ở các phường trong 5 phân khu. Nhằm đẩy nhanh tiến độ, quận cũng đã đề xuất với TP phân cấp cho quận được trích ngân sách quận để chủ động kiểm định chất lượng toàn bộ các khu nhà này.
“Nếu được TP cho phép, quận sẽ thực hiện chi ngân sách theo đúng các quy định hiện hành và chắc chắn với cách làm này việc thực hiện cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ sẽ được đẩy nhanh hơn” - ông Vũ Đăng Định nêu.Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, để thuận lợi trong tiến trình tái thiết đô thị, TP chỉ nên nắm khâu quy hoạch, phê duyệt dự án còn phân cấp cho cấp quận chịu trách nhiệm toàn diện từ khâu lựa chọn khu vực dự án, bồi thường GPMB… Tới đây, kỳ vọng tiến độ triển khai cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ sẽ thuận lợi hơn khi Chính phủ ban hành Nghị định số 69/2021/NĐ-CP, ngày 15/7/2021, về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, có hiệu lực từ ngày 1/9/2021, với nhiều quy định mới được sửa đổi, bổ sung.
Theo Nghị định số 69/2021/NĐ, trong nội dung quy định về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư về nhà ở, công trình xây dựng không thuộc sở hữu nhà nước, có quy định: Đối với các chủ sở hữu tầng 1 mà có dành diện tích nhà để kinh doanh trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành và dự án có bố trí một phần diện tích để kinh doanh dịch vụ, thương mại theo quy hoạch được phê duyệt thì ngoài việc được bồi thường theo quy định tại điểm này, nếu các chủ sở hữu có nhu cầu còn được mua hoặc thuê một phần diện tích sàn kinh doanh thương mại, dịch vụ để kinh doanh; giá bán phần diện tích này được tính theo chi phí đầu tư xây dựng phân bổ trên 1m2 sàn kinh doanh thương mại, dịch vụ cộng với 10% lợi nhuận định mức theo quy định; giá thuê diện tích kinh doanh, dịch vụ do các bên thỏa thuận. |