Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cải thiện chất lượng không khí Hà Nội: Cả cộng đồng cùng nhập cuộc

Thương Huế
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước tình trạng ô nhiễm chất lượng không khí có nguy cơ gia tăng, chiều 7/6, Sở TN&MT Hà Nội phối hợp cùng Trung tâm Sống và Học tập vì môi trường và cộng đồng (Live and Learn) tổ chức hội thảo “Không khí sạch TP xanh - Cùng hành động để cải thiện chất lượng không khí tại Hà Nội”.

 Hàng cây xanh trên phố Hoàng Diệu. Ảnh: Thanh Hải
70% lượng khói bụi từ hoạt động giao thông
Theo báo cáo về chỉ số năng lực quản lý môi trường (EPI) năm 2018 của đại học Yale, Việt Nam xếp hạng thứ 159/180 quốc gia về chất lượng không khí (CLKK) và 129/150 về sức khỏe môi trường. Các nguồn ô nhiễm không khí chính được nhận định là giao thông, sản xuất công nghiệp, xây dựng, sản xuất nông nghiệp, thủ công, quản lý chất thải và các nguồn ô nhiễm không đạt chuẩn tại các cơ sở sản xuất.

Bà Lê Thanh Thủy (Sở TN&MT Hà Nội) cho biết, hiện CLKK Hà Nội tại nhiều khu vực dân cư, đường giao thông, làng nghề và khu công nghiệp có xu hướng cải thiện dần theo thời gian.
Cải thiện CLKK thì nhất định phải tăng cường hợp tác các tổ chức quốc tế, các hiệp hội, trung tâm,… lĩnh vực nghiên cứu khoa học để thực hiện công tác quản lý bảo vệ môi trường. Đặc biệt là sự tiếp nhận các công nghệ khoa học tiên tiến, là sự phối hợp, đồng hành của cơ quan quản lý nhà nước và công nghệ thì mới mang lại hiệu quả thiết thực.

Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái
Tuy nhiên, tại các trục đường đang thi công và khu vực xây dựng xuất hiện tình trạng ô nhiễm nặng về bụi, benzen và tiếng ồn. Theo số liệu thống kê, 70% lượng khói bụi gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội là do hoạt động giao thông, nhất là xe máy. Chất lượng môi trường không khí tại Hà Nội bị ảnh hưởng chủ yếu bởi PM 2,5, PM 10 (hạt bụi lơ lửng có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 µm – 10 µm- micromet) và NO2. Ba trạm có số ngày có chỉ số CLKK vượt quá giới hạn cho phép là trạm Hàng Đậu, Phạm Văn Đồng và Minh Khai.

Nhằm cải thiện CLKK, Hà Nội đã triển khai đồng bộ các giải pháp. Ngoài việc thực hiện một loạt đề án như chống ồn, chống bụi, quản lý phương tiện giao thông, tăng cường đầu tư hạ tầng giao thông công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân để giảm phát thải, còn triển khai chương trình trồng 1 triệu cây xanh. Đến nay, toàn TP đã trồng được hơn 800.000 cây xanh, nâng tiêu chuẩn khí thải lên mức EURO 4, EURO 5 đến năm 2020. Đồng thời, đưa vào sử dụng các nhiên liệu sạch để hạn chế nồng độ chất ô nhiễm trong khí thải. Đặc biệt, Hà Nội đã lắp đặt và đưa vào vận hành 10 trạm quan trắc tự động (2 trạm cố định và 8 trạm cảm biến) CLKK, kể từ đầu năm 2017, góp phần quản lý và sớm có những giải pháp cải thiện CLKK trên địa bàn Thủ đô.

"Thời gian tới, TP Hà Nội sẽ tiếp tục đầu tư để có một mạng lưới trạm quan trắc môi trường nói chung và môi trường không khí nói riêng hoàn thiện, đồng bộ và hiện đại ngang tầm khu vực. Đây cũng là cơ sở để các cơ quan quản lý môi trường hoạch định và đề xuất các chính sách cải thiện chất lượng môi trường sống của Nhân dân trên địa bàn Thủ đô” – bà Thuỷ cho biết.
 Hàng cây xanh trên phố Xã Đàn. Ảnh: Thanh Hải

Nâng cao ý thức cộng đồng
Để hướng tới không khí sạch – TP xanh, bà Lê Thanh Thủy cho rằng rất cần sự chung tay của cả cộng đồng. Điều này đòi hỏi phải có sự phối hợp liên ngành mạnh mẽ và dài hạn của các cấp chính quyền, cơ quan ban ngành, các cơ quan nghiên cứu, tổ chức dân sự - xã hội. Bà Đỗ Vân Nguyệt - đại diện Tổ chức Live and Learn cho biết, dự án Không khí sạch - TP xanh mà Trung tâm đang tham gia thực hiện là điển hình cho việc huy động sự nỗ lực của cộng đồng trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí và tác động ô nhiễm không khí tới sức khỏe tại TP Hà Nội. “Dự án dự kiến sẽ huy động và kết nối 50 tổ chức ở địa phương từ nhiều lĩnh vực cùng tham gia. Hơn 100.000 người dân sẽ được hỗ trợ nâng cao nhận thức về ô nhiễm không khí và các vấn đề sức khỏe liên quan. Bốn chính sách liên quan tới quản lý CLKK sẽ được thông qua ở cấp bộ và cấp tỉnh. 25 sáng kiến nhỏ và 3 giải pháp khoa học kỹ thuật sẽ được áp dụng ở các trường học và cộng đồng nhằm tăng cường nhận thức về CLKK, nâng cao năng lực ứng phó của cộng đồng với các vấn đề rác thải, năng lượng và quy hoạch đô thị” - bà Đỗ Vân Nguyệt cho hay.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, hiện nay sự phối hợp giữa các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực không khí chưa được tốt nên cần có tăng cường các hoạt động giao lưu, chia sẻ, trao đổi để có sự thấu hiểu và hỗ trợ lẫn nhau để có được hiệu quả lan tỏa tốt trong vấn đề cải thiện CLKK.
Để không khí sạch - TP xanh, tôi cho rằng cần có kế hoạch truyền thông chỉ số CLKK ở Việt Nam; vận động các cơ quan tổ chức sử dụng không khí sạch; nghiên cứu phát triển các thiết bị lọc không khí. Đồng thời, cần tiếp tục lắp đặt ít nhất 50 trạm đo CLKK; hiệu chỉnh giá trị đo, dựa trên giá trị máy đo của cơ quan quản lý nhà nước với các tổ chức khác... để quản lý CLKK hiệu quả.

Nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Dương Tùng