Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cấm biếu quà Tết, thực hiện sao cho hiệu quả?

Phương Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cứ vào thời điểm Tết Nguyên đán cận kề thì câu chuyện biếu, tặng quà Tết lãnh đạo, cấp trên vẫn làm nóng dư luận. Từ Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ đến lãnh đạo nhiều cơ quan tỉnh/thành đã đưa ra các quy định cấm biếu quà Tết.

Tuy nhiên, làm thế nào để các quy định này đi vào đời sống cũng là câu chuyện đang được các chuyên gia luận bàn.
Theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Xã hội học Việt Nam: Hai năm trước, dịp cận Tết, Ban Bí thư đã ra Chỉ thị về tổ chức Tết, nghiêm cấm tặng quà Tết cho lãnh đạo với tinh thần xây dựng một Chính phủ liêm chính.
Trong Chỉ thị có nội dung quy định cấm biếu quà Tết nhằm ngăn chặn các hình thức biến tướng, lợi dụng quà tặng để biếu xén, hối lộ, chạy chức, chạy quyền… Chỉ thị ra đời, ít nhiều có tác động làm giảm bớt các hình thức biếu xén, hối lộ, nhưng vẫn chưa tiêu diệt hoàn toàn nạn tham ô, tham nhũng từ hành vi trá hình gọi là biếu xén dịp Tết.
Dù chưa cơ quan hay DN nào thừa nhận là không thực hiện nghiêm túc cả, nhưng một thực tế là “đến Tết lại mua”, người ta vẫn xôn xao tìm quà quý, đặt hộp xì gà, giỏ quà giá trị nhiều nghìn đô la Mỹ, săn tìm những chai rượu ngoại vài chục triệu đồng. Thị trường quà Tết vẫn “trăm giá đua chen”, những gốc đào, cây thế cả trăm triệu, những món đồ hàng hiệu, các loại đặc sản quý hiếm… vẫn cháy hàng. Nhiều người vẫn thầm hiểu quà người ta mua cho bản thân dùng thì ít, mà để tặng nhau lại nhiều.
Làm thế nào để phân biệt được quà biếu tình cảm với quà biếu mưu lợi thì không hề đơn giản. Cũng như các chế tài, mức xử lý nghiêm khắc chỉ được thực hiện khi hành vi bị phát giác, truy cứu. Nhưng còn bao nhiêu trường hợp chưa bị phát hiện thì có căn cứ để xử lý không?
PGS.TS Lê Quý Đức – nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng: “Tôi rất tán thành với quan điểm của Thủ tướng Chính phủ đối với cơ quan các cấp, các địa phương, năm nay cũng có vẻ rốt ráo hơn, quyết liệt hơn. Đó là việc cần thiết. Nhiều năm nay, chúng ta đều đưa ra Chỉ thị như vậy nhưng việc thực hiện như thế nào, kiểm tra, đôn đốc như thế nào mới là quan trọng.
Để những Chỉ thị có hiệu quả thì phải giải quyết một cách triệt để, rốt ráo những vấn đề như: Làm thế nào để xóa bỏ cơ chế xin - cho, những cơ chế cản trở chúng ta, hay như mối quan hệ 5 "ệ" (tiền tệ, quan hệ, hậu duệ, đồ đệ, trí tuệ). Khi nào những yếu tố đó chi phối đời sống thì khi đó chúng ta chưa thể làm được. Cho nên làm sao cho công tác cán bộ, vấn đề kinh tế minh bạch, rõ ràng và kiểm soát được thu nhập của cán bộ. Thứ hai là phải nâng cao lòng tự trọng, sự liêm sỉ của người lãnh đạo, của người đi đút lót. Khi ý thức đó được nâng lên thì mới giải quyết được vấn đề. Trong đó, vai trò nêu gương của người đứng đầu đóng vai trò quan trọng. Lãnh đạo nêu gương trên 2 phương diện vừa là cấp trên - người nhận quà, vừa là cấp dưới của một lãnh đạo khác”.
Luật Phòng chống tham nhũng và Luật Công chức cũng đã có sự điều chỉnh đối với việc tặng quà và nhận quà của cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó, các bộ luật nêu trên đều có các điều khoản nghiêm cấm các hành vi sử dụng tài sản của Nhà nước và của Nhân dân trái pháp luật.
Việc nghiêm cấm tệ nạn biếu xén vật chất với mục đích vụ lợi được dư luận đồng tình, nhất là trong bối cảnh Đảng và Nhà nước kiên quyết đương đầu với nạn “chạy” chức, “chạy” quyền, quyết tâm đẩy lùi tham nhũng, lãng phí. Ngoài ra, các chuyên gia cũng đánh giá, việc Thủ tướng phê duyệt đề án Văn hóa công vụ là cần thiết để ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng nịnh bợ, lấy lòng cấp trên vì động cơ không trong sáng.
Có nhiều quy định, quy chế đã đặt ra nhưng vấn đề làm thế nào để kiểm tra, kiểm soát, đôn đốc được. “Chúng ta không bác bỏ những quy định đó và mong muốn quy định được thực thi có hiệu quả mới là điều quan trọng” - PGS.TS Lê Quý Đức nhấn mạnh.
Những quy định mang tính công cụ hành chính nêu trên là hết sức cần thiết, song nó chỉ thật sự phát huy hiệu quả và đi vào cuộc sống khi có sự gương mẫu chấp hành của các cấp lãnh đạo, sự đồng lòng thực hiện của cả hệ thống chính trị, đồng thời, có cơ chế giám sát hữu hiệu của Nhân dân. Chỉ khi thực hiện một cách nghiêm túc, đồng bộ, những hiện tượng biến tướng trong việc tặng quà dịp Tết mới có thể được loại bỏ, từ đó, trả lại nét đẹp văn hóa truyền thống vốn có của nó.
Văn hóa quà Tết nói riêng và văn hóa tặng quà nói chung sẽ trở về đúng ý nghĩa khi vấn nạn chạy chức chạy quyền, chạy dự án bị đẩy lùi. Chỉ có vậy thì tình trạng tham nhũng, hối lộ mới có thể hạn chế được, mới có thể ngăn chặn tình trạng biếu quà, tặng quà đã là luật bất thành văn của quan hệ “làm ăn” trong xã hội.