Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần chiến lược bài bản để phát triển bộ môn lặn theo hướng chuyên nghiệp

Hoàng Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Dù đã có những thành tích được ghi nhận tại đấu trường khu vực cũng như thế giới nhưng bộ môn lặn Việt Nam vẫn cần chiến lược phát triển bài bản. Thay vì phát triển phong trào ở các địa phương thay đổi theo hướng chuyên nghiệp hóa.

Nhiều thành tích đáng ghi nhận

Lặn là bộ môn có tốc độ thi đấu nhanh nhất ở các môn thể thao dưới nước. Tại đấu trường khu vực, lặn được tổ chức lần đầu tại Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 22 vào năm 2003 diễn ra ở Việt Nam. Các kình ngư của nước chủ nhà đã xuất sắc giành đến 13 HCV trong tổng số 16 bộ huy chương. Trong khi đó, 2 lần tổ chức tiếp theo ở SEA Games 25 (năm 2009 ở Lào) và SEA Games 26 (2011, ở Indonesia), ĐT lặn Việt Nam giành lần lượt 4 HCV và 6 HCV, đồng thời phá nhiều kỷ lục Đông Nam Á.

ĐT lặn Việt Nam thi đấu ấn tượng tại SEA Games 31 và Cup lặn thế giới năm 2022. Ảnh: Bùi Lượng.
ĐT lặn Việt Nam thi đấu ấn tượng tại SEA Games 31 và Cup lặn thế giới năm 2022. Ảnh: Bùi Lượng.

Sau 13 năm vắng bóng, bộ môn lặn được tổ chức trở lại với SEA Games 31  ở Việt Nam. Không quá khó để các kình ngư Việt Nam giành chiến thắng áp đảo các đối thủ khi giành 10 HCV, 5 HCB và 3 HCĐ đứng ở vị trí số 1 toàn đoàn, vượt xa đối thủ đứng thứ 2 là Indonesia (3 HCV, 6 HCB và 3 HCĐ).

Thành tích tại SEA Games 31 là bàn đạp để ĐT lặn Việt Nam tham dự Cup lặn thế giới năm 2022 diễn ra tại Thái Lan. Đây là giải đấu chính quy trong hệ thống thi đấu của Liên đoàn Lặn thế giới, quy tụ nhiều VĐV hàng đầu tranh tài. Thêm một giải đấu mà các kình ngư Việt Nam ghi dấu ấn với thành tích đáng nể khi giành 26 HCV, 11 HCB và 5 HCĐ để đứng ở vị trí nhất toàn đoàn. Trong số các VĐV tham dự phải kể đến như: Vũ Đặng Nhật Nam, Nguyễn Thành Lộc, Kim Anh Kiệt, Lê Đặng Đức Việt, Nguyễn Duy Anh, Đỗ Đình Toàn, Đỗ Thanh Thảo, Nguyễn Tiến Đạt…

Theo HLV trưởng ĐT lặn Việt Nam Lê Minh Ngọc, đây được xem là giải đấu thành công nhất của ĐT lặn Việt Nam, sau khi ghi dấu ấn đậm nét tại SEA Games 31

“Giải đấu ghi nhận sự cố gắng của các VĐV và thành quả là những tấm HCV quý giá. Đặc biệt, giới chuyên môn rất bất ngờ với tấm HCV, phá kỷ lục châu Á nội dung 100m chân vịt đôi dưới 17 tuổi của Vũ Đặng Nhật Nam. Qua đây cho thấy ý chí và sự quyết tâm cao của VĐV sau 3 tháng miệt mài tập luyện, kể từ khi SEA Games 31 khép lại” – HLV Lê Minh Ngọc cho biết.

Nâng tầm để vươn xa

Những thành tích thi đấu của ĐT lặn Việt Nam tại Cup Lặn thế giới năm 2022 cho thấy, tiềm năng của bộ môn này là rất lớn. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, để bộ môn lặn phát triển bền vững và tiến xa hơn trên các đấu trường quốc tế, các nhà quản lý phải có những chiến lược bài bản, cần được đầu tư hơn, trong đó phải ưu tiên công tác đào tạo trẻ, tạo nguồn VĐV kế cận để hướng tới các giải đấu chất lượng.

ĐT lặn Việt Nam thường không tập trung theo chu kỳ dài do phụ thuộc vào giải đấu. Ảnh: Bùi Lượng.
ĐT lặn Việt Nam thường không tập trung theo chu kỳ dài do phụ thuộc vào giải đấu. Ảnh: Bùi Lượng.

Phó Trưởng bộ môn lặn Hà Nội Trương Anh Tài cho rằng, bộ môn cần tăng số giải trẻ trong hệ thống thi đấu quốc gia để giúp các VĐV có thêm cơ hội cọ xát, nâng cao trình độ.

“Hà Nội là đơn vị thường xuyên đóng góp 30% số VĐV cho các đội tuyển, bộ môn lặn của đơn vị luôn tạo điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất tập luyện, chế độ dinh dưỡng để các VĐV yên tâm tập luyện. Cùng với đó, ưu tiên thuê chuyên gia nước ngoài, đưa các VĐV đi tập huấn trong nước cũng như ở nước ngoài, nhằm nâng cao trình độ, đóng góp nhiều hơn cho đội tuyển” – ông Trương Anh Tài chia sẻ.

Do môn lặn hiện chưa nằm trong hệ thống thi đấu của ASIAD hay Olympic nên ĐT lặn Việt Nam chưa nhận được mức đầu tư cao, kinh phí đầu tư để phát triển không nhiều, đây bài toán nan giải đối với bộ môn trong việc đầu tư phát triển.

Một thực tế, ở sân chơi quốc tế, giải lặn không nhiều dẫn đến ĐT lặn Việt Nam thường không tập trung theo chu kỳ dài như các môn khác và phụ thuộc vào giải đấu. Cùng với đó, ở Việt Nam hiện nay không nhiều đơn vị đầu tư nguồn lực phát triển môn lặn chuyên nghiệp, thay vào đó là định hướng theo phong trào thay vì đào tạo VĐV bài bản từ nhỏ.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn cho biết, để phát triển bền vững cũng như vươn tới những mục tiêu cao hơn cần phải tìm nguồn kinh phí, tổ chức thêm các giải đấu, giúp VĐV có thêm cơ hội cọ xát, nâng cao trình độ. Bên cạnh đó, bộ môn cần chủ động trong công tác tuyển chọn, phát hiện những tài năng thông qua các giải thể thao học đường, để có thêm lực lượng VĐV bổ sung cho đội tuyển quốc gia.