Theo các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, đây là biện pháp phù hợp với xu thế chung, với chỉ đạo của Chính phủ… Song, nếu không có những cơ chế hỗ trợ kịp thời, sớm muộn các doanh nghiệp cũng “bỏ của chạy lấy người”.
Nhân dân phấn khởi
Thực hiện Đề án số 06/CP về chuyển đổi số Quốc gia, từ ngày 9/2, Công an quận Tây Hồ đã chủ trì, phối hợp với Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội (Bộ Công an), Công ty VETC, Công ty MK Vision và các đơn vị liên quan triển khai thu phí không dùng tiền mặt tại các điểm trông giữ phương tiện khu vực phủ Tây Hồ. Theo đó, đối với xe đã dán thẻ VETC khi ra, vào bãi sẽ được tích hợp, ghi nhận luôn giờ vào, ra và thanh toán luôn ví của VETC. Đối với xe chưa cài đặt ví VETC, chưa có thẻ thì sẽ quét mã QR code để tính phí trông giữ phương tiện căn cứ vào giờ ra, vào. Trong đó, phí trông giữ đối với ô tô sẽ là 20.000 đồng/giờ; xe máy là 5.000 đồng/lượt và 8.000 đồng/qua đêm.
Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị vào ngày 18/2 (tức mùng 9 Tết Giáp Thìn), hầu hết các điểm trông phương tiện tại phủ Tây Hồ theo hình thức trả tiền qua thẻ, ví điện tử (không dùng tiền mặt) đều chấp hành nghiêm theo đúng quy định đã đề ra. Anh Nguyễn Anh Tuấn (phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy) chia sẻ, việc chính quyền địa phương và đơn vị trông giữ phương tiện tổ chức thu phí thông qua việc quét mã QR code là rất văn minh, thuận lợi cho du khách đến với phủ Tây Hồ. Đồng thời, việc tổ chức thu phí trông giữ phương tiện không dùng tiền mặt sẽ giảm thiểu được tình trạng lạm thu, hạn chế tình trạng mất cắp phương tiện…
Đặc biệt, nhằm phục vụ du khách không sử dụng tài khoản ngân hàng, các điểm trông giữ phương tiện đã linh hoạt, tổ chức thu phí trông giữ bằng tiền mặt.
Nhờ đó, công tác thu phí, đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các khu vực xung quanh phủ Tây Hồ đã được cải thiện, phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân. Đồng thời, trong trường hợp mất điện, hệ thống thu phí tự động gặp sự cố, các đơn vị trông giữ sẽ tiến hành xả trạm để tránh ùn tắc giao thông.
Cần những cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp
Theo tìm hiểu của phóng viên, để phục vụ tốt nhất nhu cầu du Xuân, đi lễ đầu năm của người dân, quận Tây Hồ đã bố trí 4 điểm trông giữ phương tiện tại các tuyến đường dẫn vào phủ Tây Hồ. Trong đó, tất cả các điểm đều được áp dụng theo hình thức thu phí không dùng tiền mặt. Chủ một bãi xe thực hiện mô hình thí điểm cho hay, đây là chủ trương của quận Tây Hồ, đơn vị sẵn sàng ủng hộ và thực hiện nghiêm theo các quy định đã đề ra.
Tuy nhiên, đại diện một đơn vị trông giữ phương tiện này cũng thẳn thắn cho biết, năm sau nếu vẫn như này, chắc đơn vị sẽ phải bỏ điểm vì càng làm sẽ càng lỗ. Theo lý giải, ngoài tiền thuê mặt bằng, 8% phí VAT, chi phí vận hành hệ thống thu phí VETC… để hoạt động trong ngày Tết, đơn vị sẽ phải bố trí trung bình từ 15 – 20 nhân viên làm nhiệm vụ với chi phí khoảng 1 – 1,2 triệu/người/ngày, gồm tiền lương, tiền ăn uống cho nhân viên.
Đồng quan điểm trên, đại diện một điểm trông giữ phương tiện khác cho biết, nếu không vì nhiệm vụ chính trị của chính quyền địa phương, bãi đã nghỉ từ Mùng 3 Tết. Theo vị này, để vận hành bãi, mỗi ngày Tết đơn vị phải huy động 10 nhân viên làm việc với mức lương 1 triệu đồng/người/ngày, chưa kể tiền ăn, uống… Thế nhưng, trong cả ngày Mùng 1, Mùng 2, mỗi ngày bãi xe chỉ thu được khoảng… 7 triệu đồng, tức lỗ trắng ít nhất 3 triệu/ngày. Trong khi đó, hàng tháng, bãi chỉ có khách vào dịp Mùng 1 và ngày Rằm.
Liên quan đến vấn đề này, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế cho rằng, nguyên nhân của tình trạng trên xuất phát từ việc mức phí trông giữ phương tiện trên địa bàn thành phố hiện đã không theo kịp thực tế. Song, việc tăng phí trông giữ phương tiện để khắc phục tình trạng trên là điều không khả thi trong thời điểm này. Bởi, đây là việc không thể thay đổi ngay trong một khoảng thời gian ngắn. Để khắc phục tình trạng trên, cơ quan chức năng nên xem xét hỗ trợ, giảm thuế cho các doanh nghiệp…