Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xây dựng Quỹ Giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ

Cân nhắc để tạo sự đồng thuận

Phạm Công
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Bộ Công an đề xuất bổ sung Quỹ Giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ trong Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Việc hỗ trợ nạn nhân tai nạn giao thông là hoàn toàn cần thiết, mang tính nhân văn nhưng cần đảm bảo tính công khai, minh bạch.

Vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn khiến ba người trong một gia đình tử vong. Ảnh: Nguyễn Do
Vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn khiến ba người trong một gia đình tử vong. Ảnh: Nguyễn Do

Huy động nguồn xã hội hóa

Tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong những năm qua trên cả nước tuy đã có những chuyển biến, nhưng chưa thực sự căn bản, vững chắc. Bởi thực tế vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông vẫn ở mức cao và nghiêm trọng, nhất là số người chết, luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn cho người, phương tiện khi tham gia giao thông.

Theo thống kê, từ năm 2009 đến hết năm 2023, toàn quốc đã xảy ra hơn 379.000 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết hơn 124.000 người, bị thương hơn 367.000 người, chiếm hơn 97% số vụ, số người chết, người bị thương trong tổng số vụ tai nạn của các loại hình giao thông, gây thiệt hại rất lớn về tài sản. Trung bình hằng năm có gần 9.000 người chết, gần 30.000 người bị thương, trong đó chủ yếu ở độ tuổi lao động, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội.

Tại dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đang được lấy ý kiến, Bộ Công an đề xuất bổ sung Quỹ Giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ. Theo cơ quan soạn thảo, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 tuy có quy định về trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi xảy ra tai nạn giao thông đường bộ. Tuy nhiên, luật chưa quy định cụ thể về công tác giải quyết tai nạn giao thông đường bộ, nhất là việc quy định về quỹ giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ.

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung quy định Quỹ Giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ vào dự luật trên. Qua xem xét, Bộ Công an nhận thấy việc bổ sung quỹ này vào dự luật là cần thiết. Theo lý giải của cơ quan soạn thảo, khi xảy ra tai nạn giao thông gây thiệt hại về người và tài sản, nếu không có quỹ để giảm thiểu những hậu quả sẽ làm cho nạn nhân, thân nhân, gia đình của họ thêm nhiều gánh nặng. Thậm chí có trường hợp kiệt quệ về kinh tế, bất ổn về tinh thần, dẫn đến kìm hãm sự phát triển của kinh tế - xã hội.

Thêm vào đó, đa số nạn nhân trong các vụ tai nạn giao thông đang trong độ tuổi lao động, là nguồn thu nhập chính của gia đình và là lực lượng lao động để phát triển kinh tế - xã hội. Sự việc xảy ra, gia đình nạn nhân không những bị mất đi nguồn thu nhập chính mà còn phải chi phí thuốc men, chạy chữa hoặc khắc phục những hư hỏng thiệt hại về tài sản, mất phương tiện đi lại, sản xuất, từ đó làm tăng gánh nặng cho xã hội. Khi quy định quỹ vào dự luật, Bộ Công an nhận định sẽ tạo cơ sở pháp lý đủ mạnh, rõ ràng để triển khai việc hỗ trợ, khắc phục hậu quả vụ tai nạn giao thông, giảm thiểu thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra. Quỹ là nguồn tài chính xã hội hóa, không phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn ngân sách Nhà nước và Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới nên sẽ được giải quyết nhanh, kịp thời, khắc phục được tối đa hậu quả.

Sử dụng hiệu quả

Báo cáo An toàn đường bộ toàn cầu 2023 do Tổ chức Y tế Thế giới công bố cho thấy, Việt Nam là 1 trong 35 quốc gia có tỷ lệ nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông giảm trên 30%. Điều đó cho thấy, tai nạn giao thông vẫn là mối đe dọa lớn, cần phải tiếp tục thực hiện các biện pháp ngăn chặn mạnh mẽ hơn cũng như giảm thiểu gánh nặng cho xã hội sau mỗi vụ tai nạn giao thông xảy ra.

Anh Nguyễn Thái Hoàng (trú tại phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm xảy ra, đó là thảm cảnh của chính nạn nhân và gia đình, nhưng đó cũng là gánh nặng chung cho cộng đồng. Sau những vụ tai nạn, có những gia đình bị kiệt quệ, thiếu thốn về kinh tế, việc học hành của con cái bị dở dang, nhiều gia đình như vậy là vấn đề chung của cả xã hội. Từ góc nhìn đó, sẽ thấy cần sự tương thân, tương ái để hỗ trợ những người không may mắn qua Quỹ Giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ”. Theo anh Hoàng, khi có nguồn lực xã hội hỗ trợ sẽ giúp cho nạn nhân và gia đình bớt đi khó khăn, có động lực vượt qua được khó khăn. Số tiền từ quỹ có thể hỗ trợ đóng học phí cho con cái nạn nhân học hành, hoặc tạo công ăn việc làm để gia đình của nạn nhân có kế sinh nhai, ổn định cuộc sống...

TS xã hội học Nguyễn Văn Dương cho rằng, việc xây dựng Quỹ Giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ là rất nhân văn. Thực tế cho thấy, nhiều vụ tai nạn giao thông, nạn nhân là lao động chính trong gia đình. Nếu tử vong hay bị thương tật, gia đình của nạn nhân sẽ rơi vào tình trạng khó khăn, túng quẫn. Con cái sẽ bị ảnh hưởng tới học hành, thậm chí phải bỏ học, tương lai mù mịt. Có nhiều vụ tai nạn, nạn nhân và gia đình chỉ được phía gây ra tai nạn bồi thường, nhưng chắc chắn không thể bù đắp được thiệt hại.

Bởi vì, cùng với chi phí thuốc men, điều trị thương tật, là một quãng đường dài sinh kế trước mắt mà gia đình nạn nhân phải đối diện. Chưa kể, có nhiều vụ tai nạn giao thông, người gây ra tai nạn cố tình không bồi thường, hoặc không có khả năng bồi thường. Mọi thiệt hại nạn nhân và gia đình phải gánh chịu.

TS xã hội học Nguyễn Văn Dương nhìn nhận, Quỹ Giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ được huy động từ nguồn xã hội hóa nhưng không phải hoạt động từ thiện mà được luật hóa trong Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ phát sinh nhiều vấn đề như: Ai là người quản lý? Làm thế nào để sử dụng đúng mục đích trong từng hoàn cảnh cụ thể? Đồng thời, phải khắc phục nhanh, kịp thời hỗ trợ giúp cho nạn nhân và gia đình bớt đi khó khăn khi tai nạn giao thông xảy ra? Do vậy cần có những nghiên cứu sao cho phù hợp, hài hòa và quan trọng nhất là công khai, minh bạch thì mới có thể xây dựng quỹ ngày một phát triển.

 

Theo Bộ Công an, nguồn Quỹ Giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ sẽ khích lệ các lực lượng thực hiện công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ ngày một tốt hơn và huy động tối đa mọi nguồn lực xã hội chung tay tham gia công tác này. Từ đó sẽ giảm tai nạn giao thông đường bộ và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội…