Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần những thay đổi trong quản lý lòng đường, vỉa hè

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Qua hơn 6 tháng triển khai Kế hoạch 01 của Ban Chỉ đạo 197 thành phố, công tác đảm bảo trật tự đô thị, ATGT, VSMT… đã có những chuyển biến tích cực. Song đây vẫn chỉ là giải pháp nhằm duy trì tạm thời trật tự, văn minh đô thị của Thủ đô.

Vẫn nhiều trường hợp tái vi phạm

Qua hơn 2 năm cả nước đồng lòng chống đại dịch Covid-19, đời sống, kinh tế người dân chịu ảnh hưởng nặng nề. Vì vậy, khi cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới thì nhu cầu sinh kế của người dân gia tăng cũng đưa “kinh tế vỉa hè” Hà Nội trở lại trạng thái bình thường mới.

Cũng vì thế, tình trạng vi phạm trật tự đô thị, lấn chiếm lòng đường, hè phố để kinh doanh, trông giữ phương tiện trái pháp luật gia tăng và có xu hướng diễn biến phức tạp hơn.

Lực lượng chức năng phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy kiểm tra xử lý vi phạm trật tự đô thị trên phố Hồ Tùng Mậu.
Lực lượng chức năng phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy kiểm tra xử lý vi phạm trật tự đô thị trên phố Hồ Tùng Mậu.

Xác định được xu thế trên, ngay từ đầu năm 2023, Công an thành phố đã tham mưu Ban Chỉ đạo 197 thành phố ban hành Kế hoạch số 01 ngày 15/2 về tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự ATGT, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn thành phố năm 2023.

Qua hơn 6 tháng triển khai thực hiện, tình hình trật tự, văn minh đô thị của Thủ đô đã có chuyển biến tích cực so với thời gian trước. Người dân đã có ý thức chấp hành hơn, phương tiện đã được sắp xếp gọn gàng trên hè phố.  

Ban Chỉ đạo 197 phường Xuân La, quận Tây Hồ kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự đô thị tại ngõ 28 Xuân La.
Ban Chỉ đạo 197 phường Xuân La, quận Tây Hồ kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự đô thị tại ngõ 28 Xuân La.

Tuy nhiên, có nơi, có lúc vẫn còn không ít trường hợp chưa có ý thức chấp hành, chỉ chấp hành “qua loa” cho có. Điển hình như khi có lực lượng chức năng đi nhắc nhở thì họ chấp hành nhưng khi lực lượng chức năng đi nhắc nhở khu vực khác thì “đâu lại vào đấy”. Một số nguyên nhân cốt lõi dẫn đến tình trạng trên là nguồn thu nhập chính của một bộ phận không nhỏ người dân có từ kinh doanh trên hè phố. Họ đã quen thuộc với “văn hóa vỉa hè Hà Nội”, cho rằng hè phố là để kinh doanh, buôn bán.

Vỉa hè phố Đào Duy Anh bị chiếm dụng làm nơi dừng đỗ phương tiện.
Vỉa hè phố Đào Duy Anh bị chiếm dụng làm nơi dừng đỗ phương tiện.

Bên cạnh đó, từng quận, huyện, thị xã chưa có phương án bố trí cho các hộ kinh doanh trên hè phố và sắp xếp chợ “cóc” (sau khi giải tỏa) để vừa đảm bảo trật tự đô thị, vừa đảm bảo cho cuộc sống của người dân, dẫn đến tình trạng tái diễn vi phạm, khó xử lý được triệt để.

Lòng đường phố Xã Đàn bị chiếm dụng làm nơi dừng đỗ phương tiện.
Lòng đường phố Xã Đàn bị chiếm dụng làm nơi dừng đỗ phương tiện.

Mặt khác, quá trình triển khai thực hiện các chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố, Ban Chỉ đạo 197 thành phố tại cơ sở có lúc, có nơi còn cứng nhắc, chưa bám sát tình hình địa bàn. Việc giải quyết các điểm tồn tại về trật tự đô thị chưa bền vững, chỉ mang lại kết quả nhất thời. Nhiều điểm đã xử lý nhưng không duy trì được mà để xảy ra tình trạng tái lấn chiếm.

Phải đảm bảo được an sinh xã hội

Việc triển khai Kế hoạch số 01 của Ban Chỉ đạo 197 thành phố chỉ là giải pháp nhằm duy trì tạm thời trật tự, văn minh đô thị của Thủ đô, chưa phải giải pháp mang tính chất căn cơ, lâu dài. Do đó, để hoàn thành mục tiêu xây dựng Thủ đô văn minh, văn hiến thì cần đạt được sự đồng thuận của người dân, có giải pháp “gốc rễ”, căn cơ nhất là phải đảm bảo được an sinh xã hội, bảo đảm đời sống của người dân, đặc biệt là nhóm người sinh kế gắn với vỉa hè.

Ban Chỉ đạo 197 phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự đô thị trên phố Hồng Đô.
Ban Chỉ đạo 197 phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự đô thị trên phố Hồng Đô.

Trong đó, cần có sự vào cuộc, hiệp đồng chặt chẽ của các cấp, ngành và sự đồng lòng của người dân; Phát huy vai trò của người đứng đầu địa phương, Ban Chỉ đạo 197 các cấp, vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, vai trò giám sát của cộng đồng.

Tập trung rà soát, nghiên cứu các văn bản quy định về công tác quản lý, sử dụng lòng đường, hè phố của T.Ư và thành phố, đối chiếu với điều kiện thực tế của Thủ đô để tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế cho phù hợp với yêu cầu thực tế. Đồng thời, kiến nghị các cơ quan chức năng T.Ư sửa đổi, bổ sung hoặc hướng dẫn cụ thể các văn bản quy định về quản lý, sử dụng lòng đường, hè phố do cơ quan đó ban hành.

Thời gian tới, lực lượng chức năng sẽ tiếp tục kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp chiếm dụng lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh sai quy định.
Thời gian tới, lực lượng chức năng sẽ tiếp tục kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp chiếm dụng lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh sai quy định.

Ngoài ra, thành phố yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần rà soát, tập trung triển khai những biện pháp giải quyết nhu cầu đỗ, để phương tiện của người dân để đảm bảo trật tự ATGT và văn minh đô thị; nghiên cứu, rà soát, tham mưu thành phố đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng các dự án bến, bãi đỗ xe, các điểm trông giữ phương tiện trên địa bàn.

Đối với việc bố trí, sắp xếp cho các hộ kinh doanh trên hè phố và sắp xếp chợ “cóc”, chợ tạm (sau khi giải tỏa), cần nghiên cứu, xây dựng, triển khai phương án bố trí, sắp xếp một cách phù hợp theo tình hình thực tế địa bàn.

Các phương tiện dừng đỗ chiếm gần hết diện tích vỉa hè phố Hoàng Cầu.
Các phương tiện dừng đỗ chiếm gần hết diện tích vỉa hè phố Hoàng Cầu.

Đặc biệt, thành phố đã xây dựng Đề án quản lý, sử dụng lòng đường, hè phố trên địa bàn, bám sát chỉ đạo của Bí thư Thành ủy về việc "Xác định công tác kiểm tra, quản lý sử dụng hè phố, lòng đường trên địa bàn thành phố nhằm đảm bảo trật tự văn minh đô thị cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị các cấp, sự đồng lòng của người dân. Coi đây là công tác trọng tâm, thường xuyên, lâu dài trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương… Quá trình triển khai nghiên cứu áp dụng các mô hình quản lý của những nước phát triển, tạo điều kiện cho dân sinh, phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế đô thị, kinh tế ban đêm”.