Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần suy nghĩ, thiết kế phong trào thanh niên phù hợp với giai đoạn mới

Theo baochinhphu.vn
Chia sẻ Zalo

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chủ trì Chương trình gặp gỡ và biểu dương các thế hệ chiến sĩ tình nguyện, gia đình nuôi tiêu biểu nhân kỷ niệm 30 năm các chương trình, chiến dịch tình nguyện hè của thanh niên TP Hồ Chí Minh (1994 - 2023).

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tham dự Chương trình - Ảnh: VGP/Vũ Phong  
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tham dự Chương trình - Ảnh: VGP/Vũ Phong  

Tham dự Chương trình có các đồng chí: Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải; Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy…

Theo chị Phan Thị Thanh Phương, Bí thư Thành đoàn TP Hồ Chí Minh, tiếp nối tinh thần dấn thân và tình nguyện của tuổi trẻ Thành phố, vào năm 1994, hơn 700 sinh viên Thành phố đã tình nguyện tham gia chiến dịch "Ánh sáng văn hóa Hè" (1994) nhằm xóa mù chữ cho đồng bào các huyện ngoại thành và đạt được những kết quả tốt đẹp.

Chiến dịch "Ánh sáng văn hóa Hè" đã hoàn thành nhiệm vụ khi Thành phố công bố hoàn thành xóa mù chữ vào cuối năm 1996. Đến năm 1997, Thành Đoàn, Hội Sinh viên Việt Nam Thành phố đã quyết định đổi tên chiến dịch thành chiến dịch tình nguyện "Mùa Hè xanh" dành cho sinh viên cùng với đổi mới phương thức hoạt động với nội dung, địa bàn đa dạng hơn.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng bày tỏ mong muốn Thành đoàn TP Hồ Chí Minh sẽ phát huy kết quả của 30 năm các chương trình thanh niên tình nguyện để đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển Thành phố trong tương lai - Ảnh: VGP/Vũ Phong  
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng bày tỏ mong muốn Thành đoàn TP Hồ Chí Minh sẽ phát huy kết quả của 30 năm các chương trình thanh niên tình nguyện để đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển Thành phố trong tương lai - Ảnh: VGP/Vũ Phong  

Cũng từ chiến dịch tình nguyện "Mùa Hè xanh" (1997) dành cho sinh viên, lần lượt ra đời các chương trình, chiến dịch tình nguyện tiếp theo của tuổi trẻ Thành phố như chương trình "Hỗ trợ thí sinh đi thi đại học, cao đẳng" (1997), sau đó được đổi tên thành "Tiếp sức mùa thi" (2001); chiến dịch tình nguyện "Hoa phượng đỏ" (1999) dành cho học sinh, giáo viên trẻ; chiến dịch tình nguyện "Kỳ nghỉ hồng" (2002) dành cho thanh niên công nhân; chiến dịch tình nguyện "Hành quân xanh" (2007) dành cho thanh niên lực lượng vũ trang và chương trình "Gia sư áo xanh" (2012) nhằm hỗ học sinh ôn tập kiến thức.

Riêng trong giai đoạn 2020 - 2021, các chương trình, chiến dịch tình nguyện Hè của thanh niên Thành phố tập trung vào công tác phòng, chống dịch COVID-19 với phương thức đặc trưng mang tên gọi "GO VOLUNTEER!".

Trong hơn 30 năm qua, đã có 5 triệu lượt thanh niên xung kích thực hiện các chương trình, chiến dịch tình nguyện.

Cũng qua chừng ấy thời gian, các chương trình, chiến dịch tình nguyện Hè của tuổi trẻ Thành phố mang tên Bác đã không ngừng phát triển về số lượng và chất lượng, lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước và quốc tế.

Chị Phan Thị Thanh Phương, Bí thư Thành đoàn TP Hồ Chí Minh báo cáo kết quả 30 năm các chương trình, chiến dịch tình nguyện Hè của thanh niên TP Hồ Chí Minh (1994 - 2023) - Ảnh: VGP/Vũ Phong  
Chị Phan Thị Thanh Phương, Bí thư Thành đoàn TP Hồ Chí Minh báo cáo kết quả 30 năm các chương trình, chiến dịch tình nguyện Hè của thanh niên TP Hồ Chí Minh (1994 - 2023) - Ảnh: VGP/Vũ Phong  

Luôn cần tinh thần dấn thân, tình nguyện của tuổi trẻ

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, nguyên Bí thư Thành đoàn TP Hồ Chí Minh, nguyên Chỉ huy trưởng chiến dịch "Mùa Hè xanh" giai đoạn 1999-2002 bày tỏ vui mừng và cảm động được gặp lại các thế hệ thanh niên tình nguyện của Thành phố, các gia đình nuôi quân tiêu biểu, các đồng chí Bí thư Thành đoàn các thời kỳ…

Theo Chủ tịch nước, trong bức tranh năng động, sáng tạo, nghĩa tình đẹp đẽ vốn là truyền thống của TP Hồ Chí Minh thì phong trào thanh niên tình nguyện nổi lên như một gam màu đầy sức sống, thực sự là một chương trình hành động cách mạng có sức hút mạnh mẽ, giá trị sâu sắc đối với thanh niên Thành phố.

Phong trào thanh niên khẳng định một tư tưởng chỉ đạo rất đúng của Đảng và của các đồng chí Thành ủy lúc bấy giờ, đó là hãy đưa thanh niên tắm mình trong đời sống sinh động của đời sống xã hội, từ đó thanh niên sẽ hiểu thêm, yêu thêm về sự nghiệp của nhân dân, của dân tộc và thanh niên sẽ có hành động đúng đắn đối với sự nghiệp mà Đảng và dân tộc đang đeo đuổi.

"Tôi cho rằng đây là phương thức giáo dục hiệu quả nhất của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh", Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tham dự Chương trình - Ảnh: VGP/Vũ Phong  
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tham dự Chương trình - Ảnh: VGP/Vũ Phong  

Cũng theo Chủ tịch nước, khi nhắc tới các phong trào thanh niên tình nguyện hay trong tổng kết các chương trình, chiến dịch tình nguyện, chúng ta hay nói nhiều về các con số, nhưng vượt lên trên tất cả là sự trưởng thành trong cách nghĩ, sự chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn và một thái độ, trách nhiệm và hành xử đúng đắn của mỗi người trong cuộc về cuộc sống của mình.

Mỗi thanh niên tình nguyện thật tự hào khi được các già làng, trưởng bản, từ Gia Lai, Pleiku … gọi bằng một từ rất thân thương, đó là "sinh viên, thanh niên Bác Hồ". Chủ tịch nước bày tỏ, sự trưởng thành trong mỗi nhân cách mới là điều quan trọng và là thu hoạch lớn nhất của chiến dịch thanh niên tình nguyện.

Trong phát biểu của mình, ông Võ Văn Thưởng cũng nêu các yếu tố giúp cho phong trào Đoàn của TP Hồ Chí Minh luôn có sức sống mạnh mẽ.

Trước hết, đó là từ sự trăn trở với thực tiễn của Thành phố và đất nước của một lớp cán bộ đoàn. Các đồng chí lãnh đạo Thành đoàn luôn nhìn thấy trong yêu cầu xây dựng và phát triển của Thành phố nhiệm vụ của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, nhìn vào nhiệm vụ chung đó để xác định nhiệm vụ của Đoàn TNCS, để tự hỏi rằng thanh niên cộng sản sẽ làm được gì để góp phần vào sự nghiệp chung đó.

Và một điều quan trọng không kém, đó là sự lắng nghe những tâm tư của thanh niên, của tổ chức cơ sở đoàn tìm hiểu về thực tiễn học tập, lao động, vui chơi giải trí của thanh niên.

Ngoài ra, theo Chủ tịch nước, chính là sự tin tưởng giao việc, tạo điều kiện và động viên kịp thời của lãnh đạo Thành phố và các địa phương; sự đồng hành, hưởng ứng, chăm lo của nhân dân trên các địa bàn và sự tổ chức sáng tạo, tích cực của một thế hệ cán bộ đoàn của thời kỳ đổi mới.

Dẫn câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lá thư gửi thanh niên An Nam năm 1925: "Hỡi Đông Dương đáng thương hại, người sẽ chết mất nếu đám thanh niên của người không sớm hồi sinh" và Nghị quyết Đại hội Đảng "Bước vào Thế kỷ 21, Việt Nam có vị trí xứng đáng trên cộng đồng quốc tế hay không, có vững bước đi trên con đường XHCN hay không phần lớn là nhờ thanh niên", Chủ tịch nước đặt ra cho tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, nhất là Thành đoàn TP Hồ Chí Minh phải suy nghĩ, thiết kế phong trào thanh niên phù hợp với giai đoạn mới.

Đối với TP Hồ Chí Minh, công cuộc xây dựng và phát triển Thành phố trong giai đoạn hiện nay đặt ra nhiều yêu cầu mới hơn trước. Nghị quyết 31 và Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị, mới đây nhất là Nghị quyết 98 của Quốc hội đặt ra cho TP Hồ Chí Minh nhiều yêu cầu, nhiệm vụ mới, thể hiện khát vọng rất lớn của Thành phố, đồng thời thể hiện kỳ vọng lớn lao của cả nước đối với TP Hồ Chí Minh.

"Trong yêu cầu phát triển ấy, thanh niên Thành phố lựa chọn đóng góp như thế nào và bằng cách nào?", Chủ tịch nước nêu vấn đề và nhấn mạnh, dù thế nào thì cũng cần tinh thần dấn thân, tình nguyện của người trẻ, tinh thần ấy phải luôn tươi mới, được tăng thêm sức mạnh từ sự hun đúc bởi nhiều thế hệ và sự quan tâm, dìu dắt của lãnh đạo và nhân dân Thành phố.

Chủ tịch nước bày tỏ mong muốn Thành đoàn TP Hồ Chí Minh sẽ phát huy kết quả của 30 năm các chương trình thanh niên tình nguyện để đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển Thành phố trong tương lai.