Ông Trương Minh Tiến - Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, Ủy viên Hội đồng tư vấn phản biện Tôn giáo, nguyên Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội. |
Hà Nội được đánh giá là địa phương đứng đầu cả nước về lĩnh vực di sản văn hóa. Trên địa bàn TP hiện có 5.922 di tích (đến nay đã xếp hạng gần 2.400 di tích, trong đó có 1 di sản thế giới, 17 di tích quốc gia đặc biệt, khoảng 1.200 di tích cấp quốc gia). Theo số liệu tổng kiểm kê bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Hà Nội có 1793 danh mục văn hóa phi vật thể, được phân loại theo 6 loại hình: Ngữ văn dân gian (14 di sản); Nghệ thuật trình diễn dân gian (79 di sản); Tập quán xã hội và tín ngưỡng (213); Lễ hội truyền thống (1.206); Nghề thủ công truyền thống (175); Tri thức dân gian (106).
Trong đó có 4 di sản được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 12 di sản được nằm trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Một số dự án bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được triển khai trong cộng đồng bước đầu có hiệu quả, như: Ca trù, hát Chèo, hát Dô, Trống quân, múa Bài bông, Rối nước, Tri thức trồng thuốc nam của người Dao...
Trong những năm qua, đặc biệt giai đoạn 2016 - 2020 sự nghiệp quản lý, bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn TP tiếp tục đạt được nhiều thành tích. Hà nội là địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành tổng kiểm kê di tích, tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể. UBND TP ban hành quyết định số: 41/2016/ QĐ-UBND ngày 19/9/2016 về việc “Phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn TP”; Quyết định số 48/2016/QĐ-UBND ngày 17/11/2016 về việc ban hành “Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn TP”.
Theo đó, Hà Nội có 3 cấp quản lý di tích trực tiếp là: Cấp TP, cấp quận huyện và cấp xã, phường, thị trấn theo nguyên tắc cấp nào quản lý trực tiếp thì cấp đó chịu trách nhiệm đầu tư tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích .
Hà Nội là địa phương sở hữu số lượng di tích lớn nhất cả nước - gần 6.000 di tích, chính vì vậy cần nguồn lực lớn để bảo vệ và phát huy giá trị di sản. |
Công tác quản lý Nhà nước về di tích từng bước được tăng cường. Nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về di sản văn hóa trên địa bàn TP đã được nâng cao một bước. Nhiều địa phương đã huy động được nguồn lực để tu bổ di tích. Nhìn chung chất lượng tu bổ di tích đã được nâng lên. Một số di tích, lễ hội truyền thống, không gian di sản văn hóa đã đạt được kết quả bước đầu trong khai thác phục vụ du lịch…
Những năm vừa qua, nhìn chung công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn TP đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp. Nhưng so với yêu cầu thì vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Trong đó tồn tại, hạn chế lớn nhất là công tác quản lý Nhà nước về di tích ở 1 số địa phương nhất là cấp cơ sở chưa được tốt.
Tình trạng tu bổ, sửa chữa làm sai lệch hoặc không giữ được yếu tố gốc của di tích vẫn diễn ra; Một số địa phương còn để xảy ra mất trộm hiện vật, cổ vật. Tình trạng nhiều di tích có giá trị, nhất là các di tích ở vùng ngoại thành thuộc các huyện quản lý đã xuống cấp nghiêm trọng, cần phải tu bổ (có di tích sắp sập đổ), nhưng đang phải trông chờ nguồn vốn…
Nhằm tiếp tục quản lý, bảo vệ, phát huy những giá trị di sản văn hóa quý báu của Thủ đô nghìn năm văn hiến, tôi xin có một số kiến nghị như sau:
* Về góp ý vào dự thảo văn kiện trình đại hội Dảng bộ Hà nội lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025:
Đề nghị chỉnh sửa, bổ sung ý tại phần II. Những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong giai đoạn 5 năm 2020 - 2025 tại mục 4. Phát huy giá trị văn hóa và con người Hà Nội, nâng cao niềm tự hào khát vọng phát triển, đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân Thủ đô. Tại trang 52 dòng 3 từ trên xuống “Tập trung nguồn lực, thực hiện tốt công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa…” (thêm cụm từ: Tập trung nguồn lực; và từ quản lý).
* Về kiến nghị trong giải pháp:
Một là: Một trong những giải pháp quan trọng trong thời gian tới là cần tăng cường trách nhiệm quản lý di tích trên địa bàn TP, đặc biệt là trách nhiệm của chính quyền, MTTQ và các tổ chức Đoàn thể quần chúng ở cơ sở. Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người trông coi di tích. Thực tiễn những năm qua cho thấy ở địa phương nào công tác quản lý ở cơ sở thực hiện tốt thì ở đó không có vụ việc đáng tiếc xảy ra (như: Tu bổ di tích không đúng luật Di sản Văn hóa, tình trạng mất cắp hiện vật…).
Hai là: Về nguồn vốn tu bổ di tích. Theo quy định của Luật DSVH thì nguồn vốn tu bổ di tích được cấp từ nguồn ngân sách, nguồn thu tại di tích và nguồn xã hội hóa… Theo QĐ số 41/2016 của UBND TP về “Phân cấp quản lý nhà nước về một số lĩnh vực hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn TP” thì trách nhiệm lo nguồn vốn tu bổ di tích chủ yếu thuộc về các địa phương (cấp thành phố chỉ quản lý trực tiếp10 di tích, còn lại TP phân cấp cho các quận huyện, cơ sở).
Do cơ chế phân cấp, vì vậy hầu hết các huyện nhất là cấp xã không có khả năng thu xếp được nguồn vốn tu bổ ( cả nguồn ngân sách lẫn xã hội hóa). Theo thống kê sơ bộ của ngành VHTT, hiện nay toàn thành phố có khoảng trên 200 di tích xuống cần cần tu bổ ngay; Khoảng gần 1000 di tích cần chống xuống cấp.
Hầu hết các nghệ nhân đã ở tuổi cao sức yếu, nay người còn người mất nên rất cần chế độ đãi ngộ và sự hỗ trợ của Nhà nước để giúp họ trao truyền cho thế hệ sau. |
Vì di tích ở Việt nam và Thủ đô có đặc điểm đặc biệt, khi đã xuống cấp nếu không tu bổ kịp thời sẽ càng nhanh bị xuống cấp, để dẫn tới sập đổ thì không bao giờ lấy lại được những giá trị quý giá đã được lưu giữ hàng trăm năm. Chính nó đang là một thành tố quan trọng làm nên diện mạo của Thủ đô nghìn năm văn hiến. Do vậy, tôi kiến nghị đến năm 2025, thành phố chỉ đạo, tu bổ xong các di tích xuống cấp nghiêm trọng.
Riêng các huyện ngoại thành vừa có số lượng di tích lớn, lại nhiều di tích xuống cấp, nhưng đã không có điều kiện về ngân sách lại cũng không có điều kiện huy đông xã hội hóa vì vậy xin kiến nghị thành phố xem xét hỗ trợ ngân sách để giúp cho các địa phương sớm hoàn thành công tác tu bổ di tích.
Riêng phần huy động vốn xã hội hóa đã có NQ16/2013/NQ-HĐND ngày 17/7/2013 của HĐND TP về chính sách khuyến khích đầu tư, huy động đóng góp tự nguyện của tổ chức cá nhân xây dựng công trình văn hóa, bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn Thủ đô. Trên thực tế, nghị quyết này khó thực hiện cần phải sửa (vì trong thời gian qua hầu như không có nhà hảo tâm nào tài trợ, đóng góp kinh phí tu bổ di tích qua Phòng tài chính của quận, huyện để nhà nước quản lý dự án tu bổ).
Ba là: Lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể cũng cần phải được tiếp tục quan tâm. Tuy hàng năm, Sở VH&TT đã tham mưu từng bước quản lý, hỗ trợ các hoạt động ở cơ sở. Song TP chưa có cơ chế chính sách hỗ trợ cho những hoạt động truyền dạy, trình diễn các hoạt động văn hóa dân gian. Đặc biệt chế độ hỗ trợ nghệ nhân. Hiện nay, toàn thành phố có 76 nghệ nhân (7 nghệ nhân nhân dân), nhiều cụ tuổi cao, sức yếu. Nghị định NĐ 109/2015/CP ngày 28/10/2015 của Chính phủ về hỗ trợ đối với nghệ nhân có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn, nếu áp dụng vào các trường hợp cụ thể trên địa bàn Hà Nội thì không có nghệ nhân nào được hưởng.
Trong khi đó ở Bắc Ninh đã có chính sách hỗ trợ các nghệ nhân bằng 2 lần mức lương tối thiểu hàng tháng, hàng năm được Nhà nước cấp thẻ Bảo hiểm y tế, gia đình được hưởng mai táng phí 7 triệu đồng/nghệ nhân khi qua đời. Vì vậy, tôi xin kiến nghị TP cần vận dụng để có chính sách hỗ trợ nghệ nhân trong thực hành, truyền dạy, đặc biệt là chế độ đãi ngộ cho nghệ nhân nhất là các bậc nghệ nhân cao tuổi.