Ngày 17/1, qua kiểm tra cơ sở kinh doanh thủy sản do Trần Văn Công làm chủ tại số nhà 16, ngách 299/66 đường Hoàng Mai (quận Hoàng Mai), đoàn kiểm tra liên ngành quận Hoàng Mai đã bắt quả tang cơ sở này đang bơm tạp chất vào tôm. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng đã thu giữ khoảng 100kg tôm đông lạnh cùng nhiều dụng cụ như kim tiêm, tạp chất phục vụ cho việc bơm tôm này. Anh Đặng Văn Toàn (SN 1985, ở xã Quất Lâm, huyện Giao Thủy, Nam Định), nhân viên của cơ sở này cho biết: “4 nhân viên thường bắt đầu công việc từ 3 giờ sáng, mỗi giờ bơm được từ 20 - 30 kg tôm. Tạp chất là một loại bột màu trắng được hòa vào nước đun sôi, để nguội cho đóng băng rồi bơm vào phần bụng của con tôm, sao cho tôm căng, mọng và tăng trọng lượng”.
|
Lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở chế biến thực phẩm Anh Phương. Ảnh: Hoài Nam |
Đây không phải là vụ phát hiện vi phạm VSATTP đầu tiên năm 2018 của lực lượng chức năng. Ngày 16/1, qua kiểm tra, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện cơ sở chế biến thực phẩm Anh Phương cụm 2, xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ vi phạm VSATTP. Khi đoàn kiểm tra ập đến, nhiều công nhân tham gia công đoạn cuối là đóng gói thành phẩm nhưng không đeo găng tay, không dùng khẩu trang theo quy định. Xưởng sản xuất chật chội, nền nhà nhớp nước, cách bố trí nguyên liệu, thành phẩm lộn xộn. Toàn bộ kho nguyên liệu, bao bì, kể cả thành phẩm đều không phân khu riêng mà để chung, dụng cụ sản xuất nhiều nấm mốc. Không chỉ có vậy, cơ sở sản xuất không xuất trình được Giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP, giấy đăng ký kinh doanh, giấy chứng minh nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu sản xuất... Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Trần Mạnh Hải, trước khi cấp giấy đăng ký sản xuất, kinh doanh cho cơ sở chế biến thực phẩm Anh Phương, cơ quan chức năng đã đến thẩm định cơ sở này và phát hiện một vài lỗi nhỏ.
Tuy nhiên, trước những sai phạm của cơ sở này, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã đình chỉ sản xuất và chỉ cho phép hoạt động trở lại sau khi hoàn tất mọi thủ tục giấy tờ theo quy định cũng như nâng cấp cơ sở hạ tầng sản xuất.
Mở cao điểm thanh, kiểm traTheo Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội Nguyễn Đắc Lộc, thời điểm áp Tết Mậu Tuất 2018, lượng tiêu thụ hàng hóa nói chung, thực phẩm nói riêng sẽ tăng cao. Vì vậy, nguy cơ thực phẩm mất an toàn của các cơ sở sản xuất mùa vụ, cơ sở sản xuất “chui” rất lớn. Hiện nay, các cơ quan chức năng đang tăng cường thanh tra, kiểm tra, tuy nhiên, cũng không loại trừ được các thủ đoạn tinh vi của người sản xuất, buôn bán, vận chuyển thực phẩm không an toàn. Mặt khác, nguy cơ tiềm ẩn mất ATTP ở ngay chính người tiêu dùng, khi ý thức của một số người dân về VSATTP chưa đầy đủ, vẫn còn chủ quan trong việc lựa chọn thực phẩm.
Thực tế cho thấy, để ngăn chặn thực phẩm “bẩn”, các quận, huyện đều thành lập đoàn kiểm tra liên ngành nhưng có một số đoàn chưa làm hết trách nhiệm của mình. Nguyên nhân là do một số nội dung trong văn bản quy phạm pháp luật chưa thống nhất và chưa đầy đủ. Phòng kiểm nghiệm tuyến TP chưa đáp ứng yêu cầu phân tích một số chỉ tiêu hóa lý, chất cấm, chất tồn dư có nguy cơ cao trong thực phẩm nông lâm thủy sản. Đa phần cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh có quy mô nhỏ lẻ, thường xuyên biến động...
Nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ngăn chặn thực phẩm không đảm bảo VSATTP trước và sau Tết Mậu Tuất 2018, ngoài các đoàn kiểm tra liên ngành của các quận, huyện, UBND TP Hà Nội đã tổ chức 6 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành VSATTP. Đặc biệt, trong quá trình kiểm tra, Hà Nội sẽ huy động xe chuyên dụng và dụng cụ chuyên ngành, test nhanh để kiểm tra chất cấm, chất tạo nạc, tồn dư kháng sinh trong nông sản nhằm xử lý vi phạm và cảnh báo kịp thời cho người tiêu dùng.