"TP đã có quy định khi chủ mang chó ra ngoài đường thì phải rọ mõm chó và có chủ trương cấm chó thả rông ra ngoài đường, đồng thời có tổ chức đội săn bắt chó thả rông. Trước những vụ việc đau lòng xảy ra vừa qua về việc chó thả rông cắn chết trẻ nhỏ, mong rằng các cơ quan chức năng cần quan tâm và có biện pháp hữu hiệu hơn để tránh được những sự việc đáng tiếc. Những quy định này cần triển khai thực hiện ở từng ngõ, ngách của các khu dân cư thì mới hiệu quả." - Ông Nguyễn Đức Quang (thành viên CLB Thăng Long) "Trên địa bàn huyện Thanh Trì có 11.000 con chó, mèo. Trong năm 2018, tỷ lệ tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo đạt 100%. Để công tác tiêm phòng dại cho đàn chó mèo đạt hiệu quả cao, thay vì đến từng nhà tiêm phòng dại cho chó, mèo như trước đây, huyện đã tổ chức tiêm phòng dại tập trung, tại các điểm cố định. Cùng với đó, huyện có có sáng kiến cấp miễn phí vòng đeo cổ cho chó, mèo để nhận diện, quản lý những đối tượng đã tiêm phòng." - Trạm phó Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Thanh Trì Nguyễn Khả Khoa |
Cần thành lập đội chuyên trách bắt chó thả rông
Kinhtedothi - Thời gian qua, hàng loạt vụ chó nuôi thả rông tấn công, cắn chết người xảy ra ở nhiều địa phương. Nếu chủ nuôi chó không tuân thủ các quy định và cơ quan chức năng không xử lý nghiêm, số nạn nhân bị chó tấn công sẽ còn tiếp tục gia tăng.
Những cái chết đau lòng
Nạn nhân mới nhất là cháu bé 7 tuổi ở thị trấn Lương Bằng, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Cụ thể, chiều tối 3/4, sau khi tan học, cháu bé cùng nhóm bạn chơi đá bóng ở sân vận động gần nhà, đến lúc ra về bất ngờ bị một đàn chó chạy ra, xông vào cắn làm cháu bị thương nặng. Ngay khi phát hiện vụ việc, gia đình đã đưa cháu đi cấp cứu tại bệnh viện nhưng không qua khỏi.
Mới đây, trên địa bàn huyện Lương Sơn, Hòa Bình đã xảy ra một vụ chó dại cắn khiến 2 cha con đều tử vong. Hay cách đây không lâu, trên địa bàn xã Tri Thủy, huyện Phú Xuyên xảy ra một vụ tai nạn liên quan đến chó.
Một gia đình nuôi chó Pitbull nhưng quên đóng cửa, khi cháu nhỏ 2 tuổi của gia đình hàng xóm đang chơi ngoài cổng thì con chó giật đứt xích lao ra cắn. Chỉ đến khi hàng xóm mang xà beng ra đánh chết con chó mới giải cứu được cháu bé.
Hiện nay, dù đã có lệnh cấm cùng quy định xử phạt, song nhiều người dân vẫn bức xúc trước tình trạng chó thả rông, không rọ mõm ra đường, ở nơi công cộng. “Tôi thường đi dạo trong khu đô thị, có nhiều con chó thả rông chạy đến gần, dí sát mũi vào người khiến tôi vô cùng sợ hãi. Thậm chí, chủ nuôi chó đứng gần đó vẫn tỏ thái độ dửng dưng” – chị Huyền (trú tại chung cư The Sparks Dương Nội, quận Hà Đông) chia sẻ.
Phải truy cứu trách nhiệm hình sự
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, hiện nay, trên địa bàn TP có tổng đàn chó, mèo khoảng 493.000 con. Trong đó, mục đích nuôi chó để giữ nhà chiếm khoảng 87,5%, còn lại là nuôi để làm cảnh, kinh doanh.
Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn thừa nhận, các quy định về quản lý chó nuôi trên địa bàn TP chưa được chính quyền các cấp quan tâm. Qua kiểm tra tại cơ sở ghi nhận tình trạng chó thả rông, không có rọ mõm ra đường còn phổ biến, không chỉ ở nông thôn mà ngay cả tại các quận.
Để hạn chế tình trạng chó thả rông, mới đây, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội đã đề xuất thành lập đội săn bắt chó thả rông. Theo đó, chó lang thang, không rọ mõm, không có chủ đi cùng ở những nơi công cộng sẽ bị bắt và mang về xã, phường. Sau 48 giờ, nếu không có chủ đến nhận và nộp phạt, chúng sẽ bị tiêu hủy.
Liên quan vụ chó cắn chết cháu bé ở Hưng Yên, trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Đào Tơ - Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Huy cho hay, nếu chủ vật nuôi không trang bị rọ mõm, dây xích dẫn đến chó cắn cháu bé thì thuộc về lỗi cố ý gián tiếp. Trường hợp này, người chủ vật nuôi phải chịu trách nhiệm hình sự về “Tội giết người” hoặc “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”, quy định tại Điều 123 và Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015.
Theo các chuyên gia luật, Nghị định 90/2017/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định rõ mức phạt. Cụ thể, hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng, sẽ bị xử phạt từ 600.000 – 800.000 đồng. Tuy nhiên, chỉ xử phạt hành chính sẽ không đủ sức răn đe, cần truy cứu trách nhiệm hình sự đối với chủ sở hữu chó tấn công người dẫn đến tử vong.
Mô hình quản lý hiệu quả
Quận Thanh Xuân là một trong những nơi tiên phong thành lập đội chuyên trách bắt chó thả rông, thực hiện thí điểm từ tháng 7/2018 tại phường Khương Đình. Các tổ bắt chó được tập huấn, trang bị vợt lưới, rọ sắt…
“Đến thời điểm này, đội đã bắt giữ được 13 con chó, trong đó xử phạt 10 trường hợp với mức 700.000 đồng/con. 3 trường hợp là chó vô chủ, phường đã gửi về Trung tâm Nghiên cứu và Bảo vệ động vật nuôi. Ý thức của người dân trên địa bàn ngày càng nâng cao nên vài tháng gần đây ghi nhận không có trường hợp nào vi phạm” - Phó Chủ tịch UBND phường Khương Đình Nguyễn Thị Hà Phương chia sẻ.
Theo UBND quận Thanh Xuân, trên địa bàn quận có hơn 2.300 con chó. Ngoài phường Khương Đình, các phường còn lại đã xây dựng kế hoạch triển khai mô hình bắt chó thả rông. Mô hình này được đông đảo Nhân dân đồng tình, ủng hộ, gây hiệu ứng tốt lan tỏa trong cộng đồng, nâng cao ý thức của các hộ dân nuôi chó. Từ kết quả trên, có thể thấy mô hình bắt chó thả rông là phù hợp và cần thiết trong phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu cho biết, tới đây, quận sẽ nghiên cứu, xây dựng kế hoạch quản lý chó nuôi bằng phần mềm, có gắn chip định vị, triển khai thí điểm ở 1 - 2 phường trên địa bàn quận. Qua đó, thông tin về đặc điểm nhận dạng, tiêm phòng của chó sẽ được cập nhật, lưu trữ bằng phần mềm, tạo thuận lợi cho việc quản lý, theo dõi.