Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần thiết đẩy nhanh các dự án chống ngập

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay từ khi mùa mưa năm 2023 chưa đến, Sở Xây dựng Hà Nội đã phát đi những cảnh báo về mức độ nghiêm trọng của tình trạng ngập úng so với những năm trước.

Cụ thể, ở những năm trước, Sở Xây dựng và ngành thoát nước chỉ đề cập đến số lượng các điểm ngập úng đã được xóa, còn tồn tại… thì nay “danh tính” các điểm ngập úng đã được đề cập chi tiết với những kịch bản lượng mưa khác nhau.

Có thể nói, đây là việc làm cần thiết để người dân chủ động có những phương án phòng tránh, đảm bảo an toàn trong những ngày Hà Nội xảy ra mưa lớn dẫn đến ngập úng.

Song, ở góc độ nào đó có thể thấy, biện pháp trên phần nào phản ánh sự “bất lực” của ngành thoát nước trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, sự xuống cấp của hạ tầng thoát nước. Nói như vậy là bởi, mỗi khi Hà Nội sắp phải đón một cơn bão hay trận mưa lớn… ngành thoát nước đều có những sự chuẩn bị kỹ lưỡng để không rơi vào thế bị động.

Thậm chí, trước, trong và sau mưa – thời điểm nguy hiểm nhất, ngành thoát nước cũng bố trí nhân lực, phương tiện, máy móc… ứng trực tại các “điểm nóng” về ngập úng để tăng khả năng tiêu thoát nước, giảm thiểu tình trạng ngập úng. Thế nhưng, trong hoàn cảnh hạ tầng thoát nước ngày càng xuống cấp, không đáp ứng được tốc độ đô thị hóa thì đây chỉ biện pháp “chữa cháy” không phải là biện pháp “phòng cháy” bền vững.

Được biết, nhằm nâng cao năng lực của hệ thống thoát nước, giảm thiểu tình trạng ngập úng, Hà Nội đã có kế hoạch thực hiện một số dự án như: Hệ thống thoát nước mưa lưu vực Tả sông Nhuệ; Hệ thống thu gom nước thải (lưu vực S1) về Nhà máy nước xử lý nước thải Yên Sở; Hệ thống thoát nước mưa lưu vực Tả sông Nhuệ; Trạm bơm Gia Thượng, hồ điều hòa và xây dựng tuyến mương Thượng Thanh, quận Long Biên; Hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Tây sông Nhuệ; Hệ thống thoát nước quận Hà Đông thuộc lưu vực Hữu Nhuệ; Dự án cải thiện thoát nước và quản lý nước thải tại quận Long Biên và huyện Gia Lâm… với tổng mức đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, các dự án được coi là “cứu cánh”, là “lời giải”… cho tình trạng ngập úng tại Thủ đô mới đang trong giai đoạn triển khai lập đề cương nhiệm vụ và dự toán chi phí lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, đánh giá tác động môi trường. Do đó, để hạn chế điệp khúc “cứ mưa là ngập”, “phố cũng như sông” mỗi khi có mưa… nếu chỉ trông chờ vào sự nỗ lực của ngành thoát nước là chưa đủ, ở đó cần có sự vào cuộc của các đơn vị có liên quan để đẩy nhanh tiến độ các dự án chống ngập cho Thủ đô.