Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần thủ tục đặc biệt để tránh oan sai trong xét xử

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 12/3, UBTV Quốc hội đã cho ý kiến về Dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) và Dự án Bộ Luật tố tụng dân sự (sửa đổi).

Để khắc phục tồn tại, bất cập hiện nay trong thực tiễn xét xử của toà án, các Dự Luật đã bổ sung các nguyên tắc cơ bản trong tố tụng trên cơ sở quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân năm 2014… Với quy định thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao, theo cơ quan soạn thảo, trong quá trình làm Dự Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) có ý kiến đề nghị không quy định về thủ tục này trong luật. Nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng: Vấn đề này đã được Quốc hội khóa XII xem xét kỹ lưỡng khi thông qua Luật Tố tụng hành chính năm 2010. Đây là cơ chế đặc biệt khắc phục thiếu sót, bất cập trong quy định của pháp luật tố tụng hành chính đối với trường hợp qua giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cũng như giải quyết khiếu nại của Tòa án Nhân dân tối cao mà có căn cứ khẳng định: Quyết định của Hội đồng thẩm phán có vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Việc quy định cơ chế này cho phép Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao tự xem xét lại quyết định của mình, nhằm khắc phục những sai lầm. Qua tổng kết thực tiễn thi hành các quy định hiện hành cũng chưa phát sinh bất cập về quy định này.

 
Vụ án Nguyễn Thanh Chấn đã đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết trong các cơ quan tố tụng.
Vụ án Nguyễn Thanh Chấn đã đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết trong các cơ quan tố tụng.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng đồng tình: Qua giám sát, qua kiểm tra, thấy rằng quyết định của Hội đồng Thẩm phán tối cao là cao nhất, nhưng vẫn oan, vẫn bị sai. Do đó phải có một thủ tục đặc biệt để xử lý trường hợp này. Đồng thời khẳng định việc Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao tự xem lại quyết định của mình cũng không vướng quy tắc Tòa án Nhân dân tối cao là cơ quan xét xử cao nhất, vì không có cơ quan nào ngoài tòa án để xử lý vấn đề này.

Dự Luật cũng quy định căn cứ để kháng nghị các bản án: Tất cả các bản án, quyết định của toà án đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện có sai lầm nghiêm trọng không chỉ về việc áp dụng pháp luật mà cả vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng đều phải được xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, không phân biệt bản án, quyết định đó là của toà án cấp nào. Nhưng ý kiến tại UBTV Quốc hội cho rằng, không cần yếu tố "nghiêm trọng". Tòa án xử theo luật phải rõ ràng, đã sai thì nghiêm trọng hay không nghiêm trọng đều phải xử theo thủ tục giám đốc thẩm.