Kinhtedothi - Sau khi tăng thấp vào tháng 1 (tăng 0,69%), tháng 2 (tăng 0,55%), giảm vào tháng 3 (giảm 0,44%), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 tăng 0,08%. Diễn biến trên đã làm cho CPI 4 tháng đầu năm 2014 thấp nhất trong 13 năm qua.Đây cũng là tín hiệu để cả năm nay, CPI có thể chỉ tăng dưới 6% và nếu dự đoán này đúng, thì CPI năm nay sẽ ở mức thấp nhất tính từ năm 2002 đến nay, là năm thứ 3 CPI chậm lại liên tiếp.
CPI tiếp tục tăng thấp góp phần giảm sức ép đến mức sống thực tế của người dân. Trong ảnh: Lựa chọn hàng tiêu dùng tại chợ Hôm, Hà Nội. Ảnh: Việt Linh
Lạm phát tiếp tục được kiềm chế
Nhìn tổng quát việc tăng thấp xuống của CPI trong 4 tháng và kỳ vọng trong cả năm 2014 đó là kết quả, được gọi là thành công trong công cuộc kiềm chế lạm phát từ hơn 2 năm nay. Thành công này một mặt đã góp phần giảm sức ép đến mức sống thực tế của người tiêu dùng, nhất là người nghèo, cận nghèo, người có liên quan đến các doanh nghiệp bị phá sản, ngừng hoạt động, thu hẹp sản xuất kinh doanh… Mặt khác, kết quả trên cũng tạo điều kiện để các nhà hoạch định chính sách và quản lý vĩ mô có thể yên tâm hơn trong việc có giải pháp thực hiện các mục tiêu khác của năm 2014. Các mục tiêu này gồm có tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng hợp lý, tái cơ cấu, thực hiện 3 đột phá chiến lược…CPI tăng thấp do nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân do chi phí đẩy từ giá nhập khẩu tính bằng USD quý I năm nay tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm trước (giảm 2,68%), trong khi giá USD bình quân quý I năm nay tăng 0,94%, tính chung giá nhập khẩu theo VND giảm 1,77%. Có nguyên nhân do cầu kéo tăng thấp, có loại còn giảm. Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội/GDP quý I chỉ còn 28,4%, thấp nhất trong vài chục năm qua. Tính theo giá thực tế chỉ tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước giảm tới 14,8%, nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì còn giảm sâu hơn. Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng, sau khi loại trừ yếu tố giá 3 tháng đầu năm chỉ còn 5,1%, thấp hơn tốc độ tăng 6,2% của 2 tháng và 7,2% của tháng 1. Tốc độ tăng tiêu thụ thấp hơn tốc độ tăng sản xuất; tốc độ tăng tồn kho sản phẩm lại có dấu hiệu tăng trở lại… Bên cạnh đó, phải kể đến nguyên nhân do yếu tố tiền tệ - tín dụng: Tăng trưởng tín dụng mặc dù tăng nhưng mức tăng rất thấp, trong khi tốc độ tăng tiền gửi vẫn tiếp tục tăng cao (thậm chí cao gấp đôi tốc độ tăng tín dụng). Điều này đồng nghĩa với việc tiền từ lưu thông vào ngân hàng tăng cao hơn từ ngân hàng ra lưu thông. Có nguyên nhân do nhiều địa phương, nhất là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã chuẩn bị một lượng hàng lớn với nhiều điểm bán hàng bình ổn giá; do tâm lý của người tiêu dùng đã tương đối ổn định hơn…
Điểm bán hàng bình ổn giá của Hapro trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Trần Việt
|
Những vấn đề đáng quan tâm
Việc kiềm chế lạm phát tuy thành công, nhưng thành công đó chưa trọn vẹn, bởi hai vấn đề đáng quan tâm, đó là liều lượng của các giải pháp và tiến độ thực hiện. Về liều lượng, tỷ lệ vốn đầu tư/GDP đã xuống quá thấp, trong đó vốn đầu tư ngân sách giảm; tín dụng giảm dài và tính chung cả năm tăng thấp. Về tiến độ thực hiện, CPI tăng thấp, thậm chí 2 năm trước còn giảm từ tháng 3 đến tháng 7 và khả năng năm nay cũng sẽ lặp lại.
Với liều lượng và tiến độ như trên đã có hiệu ứng phụ là tăng trưởng kinh tế bị tác động tiêu cực. Năm 2012, GDP tăng 5,25%, là đáy tăng trưởng tính từ năm 2000. Năm 2013, GDP tăng 5,42%, tuy cao hơn năm trước, nhưng thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch (5,5%) và vẫn còn nằm trong vùng đáy tăng trưởng. Quý I/2014, tốc độ tăng GDP chung đã cao hơn cùng kỳ 2 năm trước, nhưng nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thuỷ sản tăng rất thấp, nhóm ngành công nghiệp - xây dựng tăng thấp hơn tốc độ tăng chung, trong khi theo kế hoạch năm nay, tăng trưởng GDP cao hơn (5,8%). Do vậy, cần phải đẩy mạnh giải quyết nợ xấu, đẩy mạnh đầu tư, đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng…