Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần xác định cụ thể trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống tham nhũng

Trần Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là kiến nghị của các đại biểu được đưa ra tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) diễn ra hôm nay (25/6).

 Ông Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Theo đó, tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, bài học thành công trong đấu tranh PCTN thời gian qua là phải biến quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước về PCTN thành hành động thực tế của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân. Trong đó, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp, cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác PCTN. Gắn đấu tranh PCTN với đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Để làm tốt hơn công tác PCTN trong thời gian tới, các đại biểu đề nghị, cần tiếp tục triển khai Nghị quyết của Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN và coi đây là công việc thường xuyên, liên tục với quyết tâm chính trị cao. Bên cạnh đó, cần rà soát sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật về quản lý kinh tế xã hội, nhất là các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng. Hoàn thiện dự án Luật PCTN sửa đổi. Tăng cường kiểm soát quyền lực, thực hành liêm chính trong cơ quan chống tham nhũng. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính và hoàn thiện xây dựng nền công vụ minh bạch, liêm chính.

Ngoài ra, nhiều ý kiến tham luận của các đại biểu tại hội nghị cũng đề nghị tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kiên trì xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng; tạo sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân về PCTN. Đặc biệt, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý tham nhũng của các cơ quan, đơn vị chức năng và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chức năng trong PCTN nhằm ngăn ngừa tham nhũng chính ngay trong các cơ quan chống tham nhũng.
 Toàn cảnh hội nghị

Từ thực tiễn thực hiện công tác PCTN tại TP Hà Nội, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho rằng, cần tăng cường vai trò của cấp ủy khi thực hiện những vụ việc sau kết luận thanh tra, kiểm tra. Bởi, các kết luận làm rất nghiêm nhưng nếu không thực hiện các kết luận sau thanh tra, kiểm tra thì sẽ không đạt hiệu quả và không thể thu hồi được tài sản tham nhũng. Đồng thời, phải đẩy mạnh công tác thi hành án, tiến độ thực hiện các vụ việc để nâng cao hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử. “Công tác điều tra, truy tố, xét xử rất vất vả, đến khi có bản án mà không triển khai thi hành án thì cũng sẽ không đem lại kết quả như mong muốn thực tế”- Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội bày tỏ.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho rằng, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu địa phương trong công tác phát hiện, xử lý vụ án tham nhũng là vô cùng quan trọng. Do đó cần giám sát, xác định trách nhiệm của người đứng đầu trong PCTN, nhất là người đứng đầu cơ quan có chức năng PCTN.

Để kiểm soát tốt hơn công tác PCTN, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái đề nghị thực hiện nhiều giải pháp như: Cần hoàn thiện các quy định về công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ. Tăng cường phân cấp gắn với kiểm tra, giám sát quyền lực chặt chẽ. Nghiên cứu bổ sung quy định về việc xử lý nghiêm đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm, kể cả người nghỉ hưu…

Để làm tốt công tác thu hồi tài sản trong tham nhũng, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho rằng, cần chủ động phối hợp với cơ quan thanh tra, kiểm toán để sớm tiếp nhận vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự nhằm kịp thời có biện pháp phong tỏa, kê biên tài sản, bảo đảm việc thu hồi không để các đối tượng hợp thức hóa, tẩu tán tài sản.

“Ban Chỉ đạo cần chỉ đạo Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước tăng cường kiểm toán chuyên đề, đột xuất đối với những dự án có liên quan đến đất đai, đầu tư công, mua sắm công có giá trị lớn, các công trình trọng điểm quốc gia, các dự án thua lỗ lớn… Khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra Bộ Công an để hạn chế thất thoát tài sản Nhà nước, ngăn chặn đối tượng bỏ trốn, tiêu hủy tài liệu chứng cứ tẩu tán tài sản và điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật” - Thứ trưởng Bộ Công an đề nghị.