Đó là yêu cầu của Thành ủy Hà Nội và đã được cấp ủy các cấp thực hiện hiệu quả. Nhiều Bí thư quận ủy, Huyện ủy đã trực tiếp “đứng lớp” để truyền đạt Nghị quyết, cũng như trực tiếp chỉ đạo triển khai với những điểm nhấn “đặc thù” cần lưu ý trên địa bàn. Cụ thể từ khâu quán triệt Khi quán triệt, triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ TP Hà Nội tới đội ngũ cán bộ chủ chốt, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng không chỉ giới thiệu một số nội dung trọng tâm của Nghị quyết, mà còn phân tích, làm rõ những bài học kinh nghiệm quan trọng trong công tác cán bộ từ đào tạo, bồi dưỡng đến bố trí nhân sự. Hay về cải cách hành chính, dù đã đạt nhiều kết quả, nhưng cũng còn nhiều việc phải làm để đáp ứng yêu cầu thực tế. “Có những dự án rất chậm vì thủ tục, như dự án sinh thái tại huyện Đông Anh đã thực hiện qua 2 nhiệm kỳ, xin đến 60 con dấu nhưng đến nay vẫn chưa thành hình” - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy dẫn chứng và yêu cầu công tác cải cách hành chính cần phải làm quyết liệt hơn nữa.
Từ cách “làm mẫu” hết sức cụ thể này của Thành ủy, nhiều cấp ủy trực thuộc cũng đã đổi mới việc quán triệt, triển khai Nghị quyết theo hướng bớt hình thức, chung chung. Như Ban Thường vụ Huyện ủy Gia Lâm rất coi trọng việc lựa chọn báo cáo viên phù hợp với từng hội nghị học tập của các cấp, các ngành và nội dung của từng Nghị quyết. Vì vậy, có những Nghị quyết, huyện Gia Lâm mời báo cáo viên T.Ư, TP và có những Nghị quyết như Nghị quyết của huyện và cơ sở, Huyện ủy Gia Lâm yêu cầu Bí thư cấp ủy trực tiếp làm báo cáo viên. Chọn trọng tâm để triển khai Việc Bí thư cấp ủy trực tiếp làm báo cáo viên giới thiệu các Nghị quyết của Đảng đã bước đầu được coi trọng. Nhiều Bí thư cấp ủy trực thuộc Thành ủy, cấp ủy cơ sở tại Hà Nội đã tích cực xây dựng "giáo án" để trực tiếp "đứng lớp" làm báo cáo viên tại các hội nghị quán triệt Nghị quyết của Đảng. Có thể kể đến như Bí thư Quận ủy Tây Hồ Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Hoàng Công Khôi, Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Huy Việt, Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Ngọ Duy Hiểu… Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo khẳng định: Truyền đạt Nghị quyết, chắc chắn Bí thư, Chủ tịch nói hay hơn và cần hơn là báo cáo viên từ nơi khác đến. Bởi báo cáo viên cấp trên chỉ biết những chủ trương, định hướng lớn, nhưng lại thiếu phần quan trọng nhất là tình hình địa phương. “Nghị quyết, đề án, đầu việc rất nhiều, phải làm thế nào để thấm đến cơ sở, chứ không chỉ dừng lại ở Ban Thường vụ, Ban Chấp hành. Cán bộ, đảng viên không phải “thuộc bài”, biết quận, huyện có những chương trình gì cho… vui, mà từ đó cần liên hệ đến lĩnh vực, nhiệm vụ của mình mà thực hiện” - đồng chí Vũ Đức Bảo khẳng định. Bên cạnh đó, việc triển khai cũng cần theo trọng tâm, thực sự là đột phá, không nên “rải mành mành”, dập khuôn như nhiệm kỳ trước. Đơn cử như quận Hà Đông, trong giai đoạn 2010 - 2015 đã làm rất tốt 2 chương trình về Trẻ hóa đội ngũ cán bộ quản lý và Tiếp tục thực hiện việc cưới, việc tang theo nếp sống văn hóa, thì nhiệm kỳ này nên dồn sức cho việc phát triển thương mại, dịch vụ và quản lý đô thị. Tại buổi làm việc về tình hình triển khai Nghị quyết đại hội Đảng các cấp mới đây tại huyện Ứng Hòa, Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn cũng gợi ý, nên chăng huyện cần xây dựng chương trình công tác sâu hơn, nêu bật thế mạnh, khó khăn và để giải quyết khó khăn thì nguồn lực như thế nào? Thực hiện mục tiêu trên, mọi khâu, mọi việc vẫn bắt nguồn từ cán bộ, vì thế huyện Ứng Hòa cần triển khai, tập trung thực hiện tốt Chương trình 01 của Thành ủy, quan tâm xây dựng củng cố những xã, đơn vị yếu kém, chậm nhất đầu năm 2017, địa phương không còn đơn vị yếu kém. Có làm cụ thể, rõ trọng tâm như vậy, Nghị quyết đại hội Đảng các cấp mới sớm đi vào cuộc sống.
Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn thăm Công ty TNHH Sản xuất nhựa Việt Nhật, huyện Ứng Hòa. Ảnh: Thùy Linh |