Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cảnh báo ứng dụng mạo danh Bộ Công an

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi cài ứng dụng mạo danh Bộ Công an vào điện thoại, tất cả tin nhắn, mã OTP chuyển tiền đều bị đối tượng lừa đảo kiểm soát.

Nguồn tin từ Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP Hà Nội cho biết, cơ quan công an vừa phát hiện một ứng dụng giả danh "Bộ Công an" có hình đại diện là huy hiệu Bộ Công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
 Ảnh minh họa
Vụ việc được phát hiện khi cơ quan công an nhận được trình báo của một số nạn nhân bị lừa đảo tiền, có người bị đánh cắp hàng trăm triệu đồng sau khi cài đặt ứng dụng mạo danh vào điện thoại.
Nạn nhân khi cài ứng dụng mạo danh này vào điện thoại thì đối tượng lừa đảo có quyền nhận, đọc, gửi và xem tin nhắn văn bản SMS của điện thoại của nạn nhân, đối tượng lừa đảo có thể đọc được tin nhắn OTP của ngân hàng và từ đó thực hiện các giao dịch chuyển tiền như chủ tài khoản ngân hàng.
Khi truy cập, ứng dụng sẽ hiển thị "Hệ thống bảo vệ Bộ Công an" với các mục chọn nhưng đều báo lỗi. Một số nạn nhân đã bị đánh cắp tiền trong tài khoản sau khi cài ứng dụng này.
Trước đó chị Đặng T.M.A. (SN 1972), trú tại quận Ba Đình, Hà Nội đã gửi đơn trình báo đến Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Nội dung: Khoảng 11h ngày 11/8, chị T.M.A. nhận được một cuộc điện thoại vào số máy cố định của gia đình.
Đầu dây bên kia là giọng một người phụ nữ tự xưng là nhân viên bưu điện cho biết, chị A. có một bưu phẩm là thông báo nợ thẻ tín dụng số tiền 36 triệu đồng của một ngân hàng. Tuy nhiên, chị A. khẳng định bản thân không mở thẻ tín dụng nào của ngân hàng trên thì được người này nối máy tới cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh.
Ngay sau đó, đầu dây điện thoại bên kia, người đàn ông tự xưng là Công an, tên Nguyên, yêu cầu chị A. cung cấp thông tin cá nhân, số thẻ căn cước công dân, số điện thoại di động. Tiếp đấy, người này lấy điện thoại di động gọi vào số di động của chị A. và hẹn sáng hôm sau sẽ liên hệ lại.
Đến 8h ngày 12/8, người đàn ông tên Nguyên tiếp tục gọi điện cho chị A., thông báo đã xác minh thông tin và được biết chị A. có một tài khoản ngân hàng khác. Tài khoản này theo như Nguyên nói là đã nhận được số tiền rất lớn đến hàng chục tỉ đồng từ các đối tượng trong một đường dây mua bán trái phép chất ma túy và rửa tiền.
Thấy chị A. hoang mang, lo lắng và liên tục khẳng định không liên quan đến số tiền trên và không có tài khoản nào nhận được số tiền lớn như vậy, thì người đàn ông tên Nguyên lại chuyển điện thoại cho một người khác, giọng miền Nam, được giới thiệu là cấp trên của Nguyên.
Người này yêu cầu chị A. muốn chứng minh bản thân vô tội thì phải mua một chiếc điện thoại mới, cài đặt ứng dụng “Bộ Công an”, đồng thời sử dụng một số điện thoại khác để mở thẻ ngân hàng rồi chuyển tiền vào đó để cơ quan Công an xác minh. Chị A. đã đến một ngân hàng mở tài khoản mới rồi gửi vào đó 476.953.000 đồng. Sau đó, chị A. đã làm đơn trình báo gửi Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.